Giá cà phê ngày 10/5

Giá cà phê ngày 10/5, ghi nhận thị trường trong nước giảm mạnh so với cùng thời điểm sáng qua. Hiện giá cà phê đang dao động trong khoảng 39.400 - 40.100 đồng/kg.

Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.400 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.100 đồng/kg.

Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.000 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.000 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 39.900 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.000 đồng/kg (Chư Prông).

Ở Pleiku và La Grai cùng giá 39.900 đồng/kg.

Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 39.900 đồng/kg.

Giá cà phê và hồ tiêu ngày 10/5: Hồ tiêu bất ngờ giảm mạnh

Đối với ngành cà phê Việt Nam, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất và thông quan hàng hóa diễn ra không thuận lợi. Nhiều thị trường nhập khẩu lớn tăng nhập khẩu cà phê từ các nguồn cung khác, nhưng giảm nhập khẩu từ Việt Nam.

Dự báo trong quý II/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng nhờ nguồn cung dồi dào, các hiệp định thương mại tự do đang tạo lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt Nam.

Tuy nhiên, giá cà phê sau khi tăng mạnh trong các tháng đầu năm 2022, thì sang tháng 3/2022 và tháng 4/2022 có xu hướng giảm do áp lực nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu thụ giảm trong ngắn hạn do lạm phát tăng cao.

Cập nhật giá cà phê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 7/2022 giảm 63 USD/tấn ở mức 2.020 USD/tấn, giao tháng 9/2022 giảm 59 USD/tấn ở mức 2.020 USD/tấn.

Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 7/2022 giảm 4,35 cent/lb, ở mức 206,10 cent/lb, giao tháng 9/2022 giảm 4,4 cent/lb, ở mức 206,05 cent/lb.

Căng thẳng địa chính trị kéo theo nhu cầu tiêu thụ suy yếu, trong khi vụ mùa cà phê mới của Brazil theo chu kỳ “hai năm một” đã bắt đầu.

Trái ngược với sự sụt giảm của cà phê nhân, xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu trong tháng 3 tiếp tục tăng mạnh 18,7% lên 1,3 triệu bao. Trong 6 tháng đầu niên vụ 2021-2022, đã có tổng cộng 6,5 triệu bao cà phê hòa tan được xuất khẩu trên thế giới, tăng 13% so với 5,8 triệu bao trong cùng kỳ của vụ trước.

Với kết quả này, tỷ trọng cà phê hòa tan trong tổng xuất khẩu cà phê toàn cầu đã tăng lên 9,8% (tính trung bình 12 tháng) vào tháng 3/2022 từ 8,9% trong tháng 3/2021.

Trong 6 tháng qua, Việt Nam và Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong xuất khẩu cà phê hòa tan toàn cầu, tăng lần lượt là 167.000 bao và 108.000 bao so với cùng kỳ. Xuất khẩu của Brazil, Bờ Biển Ngà, Indonesia và Thái Lan cũng ghi nhận mức tăng 265.000 bao.

Trong tháng 3, chỉ có duy nhất cà phê rang xay có lượng xuất khẩu giảm 2,1% xuống 78.000 bao.

Giá hồ tiêu ngày 10/5

Thị trường hồ tiêu có biến động khi giảm 500 đồng/kg tại khu vực Tây Nguyên, giảm 1.000 đồng/kg ở các tỉnh Đông Nam Bộ so với cùng thời điểm hôm qua. Hiện giá hồ tiêu đang dao động trong khoảng 76.500 - 79.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 75.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 76.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Tại Đắk Nông, Đắk Lắk giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 76.500 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 77.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất ở mức 78.500 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg.

Năm nay, đã hết thời gian thu hoạch nhưng thị trường diễn biến rất khó lường. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, người trồng tiêu nên hạn chế bán ồ ạt, không nên vay tiền trữ tiêu chờ giá lên.

Về tình hình xuất khẩu, theo thống kê, kũy tiến từ đầu năm đến 30/4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 79.410 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 369,7 triệu USD, tiêu đen đạt 293,5 triệu USD, tiêu trắng đạt 76,2 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu giảm 15,5% tương đương 14.611 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu tăng 29,2% tương đương 83,6 triệu USD.

Riêng thị trường Trung Quốc, lượng tiêu xuất khẩu chỉ đạt 209 tấn trong tháng 4. Đây là lượng nhập khẩu hồ tiêu ít nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Điều này khiến tổng lượng tổng lượng xuất khẩu sang thị trường trong tháng 4 chỉ khoảng 2.347 tấn, giảm 87,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hạt tiêu toàn cầu sẽ giảm trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ giảm. Căng thẳng địa chính trị khiến lạm phát tăng cao, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tác động tiêu cực lên hoạt động xuất, nhập khẩu mặt hàng hạt tiêu toàn cầu.

Điều này đồng nghĩa xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sẽ khó khăn trong các tháng còn lại của quý II/2022.

Hiện nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã mở cửa trở lại, song nhu cầu đi lại của người dân vẫn khá hạn chế. Nguồn hàng được khách hàng sử dụng chủ yếu là hàng đã ký từ 3 - 4 tháng trước. Giá hạt tiêu khó có thể tăng mạnh nếu như thị trường Trung Quốc chưa mua trở lại.

Trên thực tế, trong tháng 4, giá tiêu thị trường nội địa giảm do ảnh hưởng bởi tình hình bán hàng ảm đạm trong khi nguồn cung lớn.

Về vấn đề xuất khẩu, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, áp lực giá xăng dầu làm cho chi phí vận tải đường biển đang neo ở mức cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn, chưa kể tình trạng kẹt cảng, thiếu container vẫn còn tiếp diễn. Cán cân cung cầu năm 2022 chuyển dần về trạng thái cân bằng.

Tuy nhiên, nếu không có sự tham gia mạnh của yếu tố đầu cơ thì mức tăng giá có thể không mạnh do tổng lượng tồn và sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu.