Chỉ còn 1 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán 2023, trên thị trường, giá các loại rau xanh, nhất là rau ăn lá tại các vùng trồng rau tại nhiều địa phương đột ngột giảm sâu.

Tại Hà Nội, rau xanh tại các chợ lớn như Chùa Láng, Thái Hà, Nam Đồng (quận Đống Đa), Đồng Xa, Trung Kính, Quan Hoa (Cầu Giấy)... các loại rau xanh như xà lách, cải xoong, cải ngọt... tùy độ to nhỏ chỉ có giá từ 5.000 - 7.000 đồng/bó. Giá này đã giảm chỉ còn 1 nửa so với tháng trước. Tuy nhiên, cà chua, đậu quả vẫn có giá cao từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/cân. Mức giá này so với các loại rau ăn lá vẫn cao nhưng cũng đã giảm từ 5.000 - 10.000 đồng/cân...

Thời tiết thuận lợi, sản lượng tăng nhưng các loại rau xanh ăn lá lại giảm giá đột ngột
Thời tiết thuận lợi, sản lượng tăng nhưng các loại rau xanh ăn lá lại giảm giá đột ngột vào dịp Tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Kim Dung

Còn tại khu vực phía Nam, theo chia sẻ của các tiểu thương, lượng rau xanh năm nay dồi dào nhưng sức mua của người dân giảm nên giá rau đã giảm từ 20 - 30%.

Cụ thể, theo cô Phượng (tiểu thương buôn rau tại chợ đầu mối Tân Hòa, TP Buôn Mê Thuột) cho biết, giá rau xanh dịp Tết năm nay giảm đột ngột, như năm ngoái cải thảo bỏ sỉ giá khoảng 6.000 đồng/cân nhưng năm nay chỉ còn 4.000 đồng/cân. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết mưa nhiều, cà chua bị nấm nhiều nên năng suất giảm, giá cũng tăng cao hơn năm trước.

"Tại chợ đầu mối Tân Hòa, giá đổ sỉ của cà chua là 20.000 đồng/cân mà còn khan hàng, nhưng năm trước chỉ khoảng 7.000 - 8.000 đồng/cân. Các loại rau ăn quả như bầu, bí, đậu que đều tăng giá do sản lượng giảm vì thời tiết mưa nhiều bất thường", cô Phượng cho hay.

Do thời tiết mưa nhiều, cây cà chua bị bệnh nấm, khiến sản lượng giảm sút. Ảnh: Kim Dung
Do thời tiết mưa nhiều, cây cà chua bị bệnh nấm, khiến sản lượng giảm sút. Ảnh: Kim Dung

Nông dân trồng rau vụ đông xuân thua lỗ vì giá rau bán tại vườn có mức thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất; nhất là hiện nay chi phí phân, thuốc đội lên rất nhiều so với trước.

Nguyên nhân do vụ đông xuân là chính vụ có điều kiện thời tiết thuận lợi cho cây rau phát triển nên năng suất các loại rau thường tăng gấp đôi, gấp ba so với vụ rau mùa mưa. Đây là mùa nhiều vùng trên địa bàn tỉnh đều trồng được các giống rau xanh ăn lá. Nguồn cung đột ngột tăng cao trong khi nhu cầu tiêu thụ rau vụ Tết năm nay chậm hơn mọi năm khiến rau xanh rớt giá.

Các loại rau ăn quả như đậu que, cà chua tăng giá do sản lượng giảm. Ảnh: Kim Dung
Các loại rau ăn quả như đậu que, cà chua tăng giá do sản lượng giảm. Ảnh: Kim Dung

Bên cạnh đó, trao đổi với Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail, cho hay: Thịt lợn tươi được xem là mặt hàng nhu yếu phẩm không thể thiếu trong những ngày tết cổ truyền của các gia đình Việt. Năm nay, tình hình kinh tế có nhiều biến động khiến đại bộ phận người lao động gặp khó khăn, trong khi giá thịt lợn tươi có xu hướng tăng giá vào dịp cận Tết Nguyên Đán sắp tới.

Các hệ thống siêu thị của MM Mega Market, Saigon Co.op, Lotte, Aeon, BRG Mart… cũng đưa ra các chương trình giảm giá, kích cầu để thu hút người tiêu dùng tăng mua sắm từ nay đến Tết nguyên đán.

Tại hệ thống siêu thị Hapro, ngoài 8 nhóm hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường như: Gạo, thịt lợn, thịt gà, trứng, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo,), rượu, bia, nước giải khát…, trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, thì các nhóm mặt hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ...); các loại quả - hạt khô phục vụ Tết… cũng được tăng cường; tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt xấp xỉ 1.000 tỉ đồng (bao gồm lượng hàng hóa thiết yếu các đơn vị tham gia chương trình bình ổn thị trường).

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, lượng thịt gia súc, gia cầm rất dồi dào, giá ổn định: Thịt lợn có giá từ 90.000-130.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp có giá từ 60.000-80.000 đồng/kg, gà ta nguyên lông: 130.000-140.000 đồng/kg; thịt bò: 200.000-280.000 đồng/kg tùy loại…