Cảnh báo nguy cơ ung thư từ phẫu thuật nâng ngực

Theo New York Times, mới đây, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa cảnh báo đối với những phụ nữ đã hoặc đang dự định nâng ngực cần biết được rằng việc này tuy hiếm gặp nhưng sẽ làm tăng nguy cơ bị mắc ung thư từ các vết sẹo được hình thành trong quá trình phẫu thuật.

Nguy cơ này xảy ra ở tất cả các dạng túi nâng ngực (dùng dạng túi có bề mặt sần hay phẳng), hay chất làm túi ngực (dùng silicon hay dùng túi nước muối). Chính FDA đã đưa cảnh báo về nguy cơ ung thư vào năm 2019 liên quan đến việc nâng ngực áp dụng trên bề mặt sần có khả năng nhiễm trùng cao hơn, làm nguy cơ bị u lympho tế bào lớn được cho là cao hơn so với bề mặt phẳng. Nhất là sau khi sản phẩm túi ngực sần của hãng Allergan bị thu hồi bởi gần 600 ca ung thư được ghi nhận và 33 trường hợp tử vong là các khách hàng của hãng này. Giờ đây họ mở rộng phạm vi cảnh báo hơn, khi các dạng ung thư u lympho khác cũng được liệt kê.

Năm ngoái FDA cũng đưa ra 1 dạng nhãn cảnh báo liên quan đến vụ đặt túi ngực này, đó có thể là các nguy cơ bệnh mãn tính, bệnh tự miễn, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi mãn tính và tất nhiên bao gồm cả ung thư nữa.

Hiện tại FDA chưa đưa ra khuyến cáo các phụ nữ cần phải gỡ bỏ túi ngực. Tuy nhiên cần phải theo dõi sát sao và nếu có vấn đề gì khác thường cần đi thăm khám ngay. Trong số các triệu chứng báo hiệu bất thường sau khi phẫu thuật ngực là bệnh nhân nhận thấy có sưng, đau, nổi cục và thay đổi trên da.

Miếng độn ngực - Ảnh minh họa: USA Today/Getty Images
Miếng độn ngực. Ảnh Getty Images

Năm ngoái, FDA đã công bố những quy định mới chủ yếu nhằm vào các nhà sản xuất thiết bị cấy ghép ngực. Theo đó, các nhà sản xuất phải bổ sung thêm thông điệp cảnh báo ở mức nghiêm trọng nhất gửi tới khách hàng.

Các yêu cầu của FDA là bước đi mới nhất trong nỗ lực kéo dài nhiều thập kỷ qua nhằm xử lý vấn đề an toàn thiết bị cấy ghép ngực, chủ yếu được dùng trong các phẫu thuật nâng ngực, loại phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất ở Mỹ. Mỗi năm, có khoảng 400.000 người Mỹ phẫu thuật nâng ngực, 100.000 người trong số đó thực hiện sau phẫu thuật ung thư vú.

FDA ban đầu đã đề xuất các quy tắc trên như là các biện pháp tự nguyện vào năm 2019, nhưng hành động mới nhất của cơ quan này đã khiến đây trở thành yêu cầu pháp lý đối với các nhà sản xuất túi ngực, bao gồm những đơn vị hàng đầu như Mentor của Johnson & Johnson và Allergan.

Thay đổi lớn nhất là các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và các chuyên gia y tế khác làm việc với mô cấy ghép buộc phải cung cấp cho bệnh nhân của mình một danh sách liệt kê chi tiết các tác dụng phụ tiềm tàng, như sẹo, đau đớn, vỡ rách túi ngực và kể cả nguy cơ mắc một dạng ung thư hiếm gặp. Danh sách này cũng giải thích rằng túi ngực thường đòi hỏi phải phẫu thuật lại và chúng không nên được coi là thiết bị suốt đời.

Các bác sĩ phải ký vào tài liệu và xác nhận rằng người nhận đã xem xét nó trước khi phẫu thuật. Các công ty bán thiết bị cấy ghép cho các bác sĩ không tuân thủ quy định có thể đối mặt với án phạt tiền và các hình phạt khác từ cơ quan quản lý. Các quy tắc mới bắt đầu có hiệu lực sau 30 ngày.

Trong những năm gần đây, FDA và các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đã phải vật lộn với lo ngại về mối liên hệ giữa một loại ung thư hiếm gặp và một loại túi cấy ghép. Đó là vấn đề sức khỏe hàng đầu trong số hàng loạt rắc rối mà hàng chục nghìn người đổ lỗi do phẫu thuật cấy ghép gây ra, trong đó có viêm khớp dạng thấp, mệt mỏi kéo dài và đau cơ.

Những lo ngại đó đã khiến FDA triệu tập một cuộc họp tư vấn công khai vào năm 2019, sau đó là các đề xuất mới về cung cấp cho bệnh nhân thêm thông tin về các vấn đề an toàn trước khi phẫu thuật cấy ghép thẩm mỹ.

Quy định của FDA đưa ra các khuyến nghị cập nhật về việc kiểm tra thường xuyên để phát hiện các vết nứt vỡ có thể xảy ra trên thiết bị cấy ghép. Các túi ngực này thường có vỏ ngoài bằng silicon và được làm đầy bằng dung dịch muối hoặc silicone.

FDA cũng sẽ hạn chế chỉ bán và phân phối các thiết bị cấy ghép cho các bác sĩ và cơ sở y tế cung cấp cho bệnh nhân những thông tin chi tiết về an toàn ghi cấy ghép.

“Vấn đề là phải tuyên truyền cho bệnh nhân và đảm bảo rằng họ nhận được thông tin đúng đắn trước khi đưa ra quyết định”, Tiến sĩ Elisabeth Potter, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Austin, Texas, nói.

Dịch vụ nâng ngực tại Việt Nam

Ở Việt Nam, khách hàng cần biết rằng, các trung tâm chăm sóc sắc đẹp (đôi khi còn gọi là thẩm mỹ viện) chỉ làm dịch vụ như massage mặt, trang điểm, làm tóc..., không được sử dụng các thủ thuật gây xâm lấn, chảy máu như xăm môi, xăm mi, nâng ngực... Tất cả dịch vụ thẩm mỹ có gây mê phải thực hiện tại các khoa phẫu thuật thẩm mỹ của bệnh viện uy tín như Việt Đức, Xanh Pôn, 108... Đây là nơi có đủ giấy phép và các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn, như: phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, trực cấp cứu 24/24h, chăm sóc hậu phẫu...

Từng chia sẻ với Vnexpress, bác sĩ Cao Ngọc Bích, Phó chủ tịch phụ trách Pháp chế Hội Phẫu thuật Thẩm mỹ TP HCM, cho biết riêng về phẫu thuật thẩm mỹ có 3 loại hình:

- Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ thì chỉ được làm một số phẫu thuật gây tê tại chỗ có quy định trong giấy phép hành nghề như: cắt mí mắt, nâng mũi… Những cơ sở này không được làm các phẫu thuật gây mê hoặc thực hiện phẫu thuật lớn như hút mỡ, nâng ngực làm bằng gây tê...

- Loại hình tiếp theo là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ với 2 mức độ là bệnh viện và bệnh viện ban ngày, chỉ thực hiện các loại phẫu thuật gây tê hoặc gây mê trong danh mục đăng ký theo thẩm quyền cấp phép. Trong đó, bệnh viện thẩm mỹ cho phép bệnh nhân được nằm lưu lại ban đêm, được thực hiện các phẫu thuật lớn, có gây mê. Riêng với các bệnh viện ban ngày, bệnh nhân không được nằm lưu lại ngoài giờ. Mô hình bệnh viện ban ngày được Bộ Y tế cho thí điểm ở một số địa phương khoảng vài năm nay.

- Loại hình thứ ba là các khoa phẫu thuật thẩm mỹ trong các bệnh viện đa khoa, được phép làm tất cả phẫu thuật có quy định trong giấy phép hành nghề.

Một số bệnh viện thẩm mỹ kinh doanh dịch vụ nâng ngực tại Việt Nam:

Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam

Dịch vụ nâng ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam.
Dịch vụ nâng ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kangnam.

Hiện tại, Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam đang quảng cáo 2 dịch vụ phẫu thuật ngực bằng túi nâng ngực và bằng chất làm đầy.

Trong đó, dịch vụ phẫu thuật ngực bằng túi nâng ngực được Bệnh viện thẩm mỹ Kangnam quảng cáo hiện tại đang áp dụng các công nghệ được cho là mới và hiện đại như "nâng ngực 6D" và "nâng ngực K- Nature". Cùng với đó, Bệnh viện này quảng cáo các loại túi nâng ngực như sau:

"Thông thường, túi đặt ngực được sử dụng chủ yếu là các loại:

  • Túi độn nước muối sinh lý: Dạng túi chủ yếu là silicone bên trong có chứa nước muối đã được vô trùng.
  • Túi nâng gel silicon: Dạng có vỏ tương tự như túi dạng nước muối nhưng bên trong chứa gel là silicone.
  • Túi dạng khác: Có thể là dầu đậu nành, sợi Poly hoặc những chất hợp với cơ địa. Thế nhưng, loại túi hiện nay không còn được áp dụng nhiều".

Bệnh viện Thẩm mỹ Thu Cúc

Dịch vụ nâng ngực ở Bệnh viện Thẩm mỹ Thu Cúc.
Dịch vụ nâng ngực ở Bệnh viện Thẩm mỹ Thu Cúc.

Tại Bệnh viện Thẩm mỹ Thu Cúc hiện tại đang kinh doanh dịch vụ phẫu thuật nâng ngực với 4 loại công nghệ: Nâng ngực Nano Palasma; Nâng ngực Nanocell 4.0; Nâng ngực Nanocell Plasma và Nâng ngực bằng mỡ tự thân. Trong đó, nâng ngực Nano Palasma, nâng ngực Nanocell 4.0 và nâng ngực Nanocell Plasma đều áp dụng việc đặt túi ngực cho bệnh nhân.

Bệnh viện Thẩm mỹ Việt Mỹ

Hình ảnh quảng cáo cho dịch vụ nâng ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Việt Mỹ.
Hình ảnh quảng cáo cho dịch vụ nâng ngực tại Bệnh viện Thẩm mỹ Việt Mỹ.

Tại Bệnh viện Thẩm mỹ Việt Mỹ đang quảng cáo các dịch vụ phẫu thuật nâng ngực bao gồm: Nâng ngực nội soi; Nâng ngực mổ hở quầng vú; Nâng ngực mổ hở nếp dạ vú; Nâng ngực vòng một bằng mỡ tự thân; Phẫu thuật vòng một cho người chuyển giới...