Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm 2021 ước đạt 1.365,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán và giảm 9,4% so với thực hiện năm 2020
Báo cáo của Bộ Tài chính nêu rõ, thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm 2021 ước đạt 1.365,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán, giảm 9,4% so với thực hiện năm 2020; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 16,1% GDP, riêng huy động từ thuế, phí đạt 13,2% GDP.
Trong đó, thu nội địa ước thu cả năm đạt 1.133,2 nghìn tỷ đồng, giảm 12,2% so với thực hiện năm 2020.
Thu từ dầu thô ước thực hiện cả năm đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, tăng 51,7% so dự toán, tăng 1,7% so thực hiện năm 2020, trên cơ sở dự kiến giá dầu thanh toán bình quân cả năm khoảng 62 USD/thùng, cao hơn 17 USD/thùng so với giá dự toán; sản lượng thanh toán cả năm ước đạt 8,48 triệu tấn, vượt 480 nghìn tấn so kế hoạch.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu, tổng số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 189 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so dự toán, tăng 6,5% so thực hiện năm 2020.
Thu viện trợ ước thực hiện cả năm đạt dự toán là 8,1 nghìn tỷ đồng.
Dự kiến đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7%, dư nợ Chính phủ khoảng 39,5%, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 38,8% so với GDP ước thực hiện, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 24,8% tổng thu NSNN. |
Về chi ngân sách nhà nước, ước chi cả năm đạt 1.709,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển phấn đấu đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán (31/01/2022) giải ngân vốn đầu tư đạt khoảng 76% kế hoạch; Kế hoạch vốn còn lại của các dự án có khả năng thực hiện sẽ được chuyển nguồn sang năm 2022 theo quy định. Theo đó, ước thực hiện chi đầu tư phát triển cả năm đạt 489,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với dự toán.
Chi trả nợ lãi ước thực hiện cả năm gần 105,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so dự toán, chủ yếu do công tác tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2020 phù hợp với tiến độ thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công, không để tồn đọng vốn vay, giảm số dư nợ vay thời điểm cuối năm 2020 so với dự kiến xây dựng dự toán năm 2021. Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết.
Chi thường xuyên, ước thực hiện cả năm đạt 1.059,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% so dự toán, chủ yếu là tăng chi của ngân sách địa phương và được bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, dự phòng, dự trữ và các nguồn lực khác của ngân sách địa phương để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành, đảm bảo an sinh xã hội.
Dự toán bội chi NSNN năm 2021 là 343,67 nghìn tỷ đồng, bằng 4% GDP. Phấn đấu điều hành bảo đảm bội chi NSNN năm 2021 trong phạm vi 4% GDP.
Dự kiến đến cuối năm 2021, dư nợ công khoảng 43,7%, dư nợ Chính phủ khoảng 39,5%, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 38,8% so với GDP ước thực hiện, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 24,8% tổng thu NSNN.
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian những tháng cuối năm sẽ chú trọng thực hiện các giải pháp sau: điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép.
Tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn, tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp về kinh tế, tiền tệ và tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ứng phó với đại dịch Covid-19, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Chủ động cân đối, đảm bảo tập trung nguồn lực NSNN, huy động các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để chi cho công phòng chống Covid-19 và các nhiệm vụ cấp bách khác. Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách, thiên tai, dịch bệnh, phòng chống biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Thực hiện tốt công tác quản lý thu. Tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục rà soát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai.
Quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, cơ cấu nợ công theo hướng bền vững; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước; kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
© thitruongbiz.vn