Chốt phiên giao dịch cuối tuần vừa qua (19/11), VN-Index giảm 17,48 điểm (-1,19%) xuống 1.452,35 điểm; HNX-Index giảm 14,76 điểm (-3,15%) xuống 453,97 điểm; UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,25%) xuống 113,24 điểm.

Tác động tiêu cực nhất lên chỉ số phiên hôm nay gồm có: GAS (-3,62), VHM (-2,54), HPG (-2,18), GVR (-2,12), VNM (-1,01). Ngược lại, góp phần nâng đỡ chỉ số bao gồm: HDB (+1,08), VPB (+0,95), CTG (+0,83), TCB (+,74), ACB (+0,69).

Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 43.226 tỷ đồng, tăng 31% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 44.588 tỷ đồng. Biên độ dao động là 47 điểm. Thị trường có 124 mã tăng, 36 mã tham chiếu và 346 mã giảm. Giá trị bán ròng của khối ngoại: -804,91 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm HPG (-283,29 tỷ), VPB (-179,17 tỷ), VNM (-106,86 tỷ). Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị -5,95 tỷ đồng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, VN-Index trải qua một tuần giao dịch với nhiều diễn biến giằng co. Cụ thể, trong những phiên đầu tuần từ 15-17/11, chỉ số chỉ giằng co đi ngang quanh ngưỡng 1.470 mà không ghi nhận nhịp tăng hay giảm mạnh nào.

Tuy nhiên trong những phiên cuối tuần, sau nhiều lần thất bại trước ngưỡng 1.480 thì lực bán chốt lời áp đảo trên thị trường và tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Theo đó, VN-Index quay đầu giảm sâu và thậm chí có thời điểm lùi về sát mốc 1.435 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần (19/11) nhưng đã thu hẹp đáng kể mức giảm về cuối phiên.

VCBS cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu cho thấy những dấu hiệu điều chỉnh giảm để tích lũy lại sau nhịp tăng vượt mốc 1.400 điểm cuối tháng 10.

Việc đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo giảm tốc và thêm vào đó là việc chỉ số VN-Index liên tiếp thất bại trong việc chinh phục ngưỡng kháng cự 1.480 điểm đang làm cho tâm lý nhà đầu tư dần thận trọng hơn.

VCBS cũng nhìn nhận rằng, một mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập theo xu hướng tích lũy đi ngang hiện tại của chỉ số chung quanh ngưỡng 1.450 và ít có khả năng sẽ xuất hiện một nhịp giảm mới trong ngắn hạn.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), kết thúc ngày giao dịch cuối tuần 19/11 nhiều sóng gió, dòng tiền vẫn "ồ ạt" chảy vào thị trường, nhưng các cổ phiếu bị chốt lãi quyết liệt.

VDSC đưa ra khuyến nghị thận trọng khi cho rằng, với việc thị trường chưa ổn định trở lại, các nhà đầu tư có thể cân nhắc việc giải ngân mới, cũng như xem xét dấu hiệu các cổ phiếu đang nắm giữ có những yếu tố suy yếu dòng tiền thì nên hạ dần tỷ trọng để đảm bảo sự an toàn trong đầu tư.

Theo Công ty cổ phẩn Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), sau ba tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã phải điều chỉnh trở lại trong tuần qua.

Mức giảm của chỉ số là không lớn, tuy nhiên thanh khoản lại lập kỷ lục mới cho thấy áp lực bán trong tuần qua là thực sự mạnh. Rất may là lực cầu vẫn là tương đối tích cực đã giúp thị trường không giảm sâu.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn kết tuần trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý và kỹ thuật 1.450 điểm nên khả năng chỉ số này quay trở lại đà tăng để hướng đến kháng cự tâm lý 1.500 điểm vẫn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, những rung lắc cũng có thể xảy ra thường xuyên hơn trong giai đoạn tới. SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo 22-26/11, VN-Index có thể tăng điểm trở lại để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm.

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ 15 -19/11, VN-Index giảm 21,02 điểm xuống 1.452,35 điểm; HNX-Index tăng 12,34 điểm lên 453,97 điểm.

Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và lập kỷ lục mới với gần 39.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 12% lên 174.587 tỷ đồng tương ứng với khối lượng tăng 10,5% lên 5.871 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,4% lên 24.818 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng tăng 16,3% lên 982 triệu cổ phiếu.

Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều sụt giảm trong tuần qua. Cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 8,5% giá trị vốn hóa, nguyên nhân chủ yếu là do sự giảm mạnh của các cổ phiếu thép như: HPG giảm 12,1%, NKG giảm 15,7%, HSG giảm 16,1%, SMC giảm 16,5%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng với mức giảm 6,1% giá trị vốn hóa, do đà giảm của cổ trụ cột trong ngành như GAS giảm 10,2%.

Nhóm dầu khí cũng mất 3,1% giá trị vốn hóa. Cụ thể, hàng loạt mã điều chỉnh như: PVB giảm 1,7%, OIL giảm 5,2%, PVD giảm 7,2%, PVS giảm 10,8%, BSR giảm 12,1%.

Nhóm công nghệ thông tin giảm 2,4% giá trị vốn hóa; nhóm hàng tiêu dùng giảm 1,7%; nhóm y dược giảm 0,5%.

Ở chiều ngược lại, ngành công nghiệp tăng mạnh nhất với 2,5% giá trị vốn hóa. Ngành tài chính tăng nhẹ 0,6% vốn hoá, nhờ đà tăng của các cổ phiếu chứng khoán như: VCI tăng 2,8%, HCM tăng 5,3%, VND tăng 7,3%, SSI tăng 8,7%, SHS tăng 11,2%...

Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt – TVSI: "VN-Index giảm 17,48 điểm tương ứng mức giảm 1,19% so với phiên giao dịch trước đó. Thị trường giao dịch phiên hôm nay vẫn nghiêng về số mã giảm điểm. Tổng 3 sàn có 461 mã xanh so với 786 mã đỏ. Thanh khoản giao dịch khớp lệnh thị trường phiên hôm nay đạt kỷ lục cao nhất thời đại, tăng mạnh so với phiên hôm qua và đạt 43.200 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt 1.500 triệu cổ phiếu, đạt kỷ lục khối lượng cao nhất từ trước cho đến nay.

VN-Index tiếp tục đóng cửa với cây nến giảm điểm dạng Bearish Enguffling đi kèm khối lượng giao dịch lớn, cho tín hiệu rất xấu trong phiên giao dịch hôm nay. Mặc dù giảm điểm mạnh, tuy nhiên thị trường cũng đã có tín hiệu phục hồi tại hỗ trợ MA(20), cho thấy xu hướng tăng giá vẫn kỳ vọng tiếp tục.

Về khung đồ thị tuần, VN-Index xác nhận nhịp điều chỉnh đầu tiên khi xuất hiện cây nến giảm điểm bao trùm 2 cây nến tăng giá trước đó và tiếp tục đóng cửa dưới mốc cao nhất thành lập trước đó tại 1.480 điểm.

Thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng giá và chỉ là nhịp điều chỉnh, chưa quá tiêu cực. Các tín hiệu về việc dòng tiền dịch chuyển dần vào rổ Vn30 đang ngày càng rõ ràng và nhóm vốn hóa lớn dự báo sẽ giao dịch khởi sắc trở lại trong tuần giao dịch tới. Về các chỉ báo kỹ thuật, việc chỉ báo MACD cắt xuống đường tín hiệu và chỉ báo RSI rời khỏi vùng quá mua trong phiên hôm nay tiếp tục cho tín hiệu điều chỉnh. Vùng hỗ trợ mạnh của thị trường là vùng hội tụ giữa vùng đỉnh cũ và đường MA(20) quanh vùng 1.400 – 1.420 điểm.

Chúng tôi đánh giá rằng VN-Index vẫn tiếp tục xu hướng tăng giá trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index dự báo tiếp tục đà tăng giá sau các nhịp điều chỉnh rung lắc như hiện tại”.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.