Vụ việc liên quan đến ông Fukushima Masato (sinh năm 1983, quốc tịch Nhật Bản), giám đốc công ty Acty (trụ sở tại Osaka, Nhật Bản) – hoạt động trong lĩnh vực tiếp nhận, quản lý và hỗ trợ cho các kỹ sư, người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản.

Tại đơn kiến nghị ngày 21/4/2023 gửi cơ quan điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, doanh nhân người Nhật Bản này trình bày: Năm 2019, công ty Acty có khoảng 3.000 người lao động, trên dưới 300 lao động là người Việt Nam. Đặc biệt, ông Fukushima Masato - giám đốc công ty Acty đặc biệt tin tưởng những lao động người Việt. Phần lớn các phòng ban chức năng quan trọng trong hoạt động của công ty này đều có sự xuất hiện của người Việt Nam. Trong số những người ông Masato đã từng tín nhiệm, có Nguyễn Đình Phúc, đã làm việc tại công ty Acty từ tháng 02/2017.

Đến khoảng tháng 05/2019, lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của ông Fukushima Masato về thị trường bất động sản và pháp luật Việt Nam, Phúc đã thuyết phục được doanh nhân Nhật Bản chuyển 48 triệu Yên Nhật (tương đương chín tỷ sáu trăm triệu đồng) vào các tài khoản do Phúc chỉ định để "đầu tư" bất động sản tại Việt Nam.

Tháng 07/2019, Nguyễn Đình Phúc về nước và hứa hẹn sẽ giúp doanh nhân Nhật Bản thành lập công ty và điều phối hoạt động đầu tư của ông Fukushima Masato tại Việt Nam, đồng thời giúp Công ty Acty tìm kiếm nguồn lao động chất lượng cao để phục vụ hoạt động kinh doanh của công ty tại Nhật Bản.

Sau 2 năm theo đuổi vụ kiện, ông Fukushima Masato đã bị ảnh hưởng rất nhiều về kinh tế, sức khỏe.
Sau 2 năm theo đuổi vụ kiện, ông Fukushima Masato đã bị ảnh hưởng rất nhiều về kinh tế, sức khỏe.

Tháng 04/2020, Phúc đề nghị ông này thanh toán 25 triệu Yên Nhật để chuyển đổi thổ cư cho khu đất có diện tích 4.063 m2, nhận thấy số tiền quá lớn nên ông Fukushima Masato từ chối chuyển tiền. Sau đó, vị giám đốc công ty Nhật Bản đề nghị Phúc sang tên 02 thửa đất mà Phúc đã dùng tiền của ông Fukushima Masato để mua, cho Dương Văn Tấn.

Tháng 07/2020, Nguyễn Đình Phúc nói đã chuyển đổi thành công 300 m2 trong khu đất có diện tích 4.063 m2 thành đất thổ cư. Và Phúc đã thanh toán số tiền 6 triệu Yên Nhật cho công ty môi giới để thực hiện 02 lần chuyển mục đích sử dụng đất.

Một lần nữa, do tin tưởng Phúc, doanh nhân Nhật Bản đã đồng ý thanh toán cho người này số tiền tương đương 1,2 tỷ đồng bằng cách cấn trừ vào số tiền mà Phúc phải trả lại cho công ty của ông Fukushima Masato.

Đối với Dương Văn Tấn, sau khi nhận chuyển nhượng hai khu đất từ Nguyễn Đình Phúc, người này đã tự ý bán 02 thửa đất có diện tích 543 m2 và 4.093 m2.

Theo ông Fukushima Masato cho biết, số tiền Tấn thu được từ việc bán đất lên đến 30 tỷ đồng. Số tiền này, Dương Văn Tấn không thanh toán cho ông Fukushima Masato mà toàn bộ dùng vào mục đích cá nhân.

Sau khi phát hiện ra hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật của các đối tượng, tháng 5/2021, ông Fukushima Masato đã ủy quyền cho bà Dương Thị Hồng có đơn tố giác tội phạm đối với hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Dương Văn Tấn và Nguyễn Đình Phúc. Theo đó, đơn tố giác đã gửi tới Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu.

Đến này 27/4/2022, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quyết định khởi tố bị can Dương Văn Tấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đến ngày 12/4/2023, tức là gần 2 năm sau khi doanh nhân Nhật Bản và người đại diện có đơn tố giác tội phạm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có thông báo về việc kết thúc điều tra vụ án hình sự, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu truy tố bị can Dương Văn Tấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối với hành vi của Nguyễn Đình Phúc, CQĐT tách ra để tiếp tục điều tra, làm rõ.

Tuy nhiên, quyết định này theo doanh nhân Nhật Bản chưa thỏa đáng, đặc biệt đối với trường hợp của Nguyễn Đình Phúc. Theo chia sẻ của bà Đàm Thị Hồng – trợ lý của giám đốc Fukushima Masato, vị doanh nhân Nhật Bản đã rất mệt mỏi về kinh tế, sức khỏe đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong 2 năm qua nên đã có đơn kiến nghị (21/4/2023) gửi CQĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Trong đơn khiếu nại ngày 21/4/2023, ông Fukushima Masato nêu rõ: “vụ việc bị cơ quan CSĐT "bỏ quên", đến tháng 12/2021, sau khi tôi có văn bản đề nghị giải quyết tố giác, tin báo theo quy định pháp luật Việt Nam, gửi Thủ trưởng cơ quan điều tra Bộ công an, vụ việc mới tiếp tục được Cơ quan CSĐT giải quyết”.

Cũng theo người đại diện của doanh nhân Nhật Bản, trong thời gian phục vụ điều tra, với mong muốn sớm giải quyết vụ việc, ông Fukushima Masato liên tục di chuyển Nhật Bản – Việt Nam để phục vụ lấy lời khai, cung cấp hồ sơ cho phía cơ quan điều tra. Ngay cả trong thời gian đại dịch Covid-19, dù việc đi lại giữa hai nước rất khó khăn và phải tuân theo quy định chặt chẽ của cơ quan Y tế nhưng vị doanh nhân Nhật Bản vẫn bất chấp vất vả, quyết tâm “đi tìm lẽ phải” cho bản thân và công ty Acty.

Đến ngày 16/5/2023, CQĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có quyết định giải quyết khiếu nại trên và chấp nhận một phần khiếu nại của ông Masato. Tuy nhiên, vị doanh nhân người Nhật Bản và luật sư bảo vệ quyền lợi của ông này chưa thấy thỏa đáng. Phía ông Masato cho biết đang tiếp tục gửi đơn đến khiếu nại đến Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.

ông Phạm Tâm - Phó chủ tịch  Hiệp hội thương mại Nhật Việt.
Ông Phạm Tâm - Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Nhật Việt.

Cũng liên quan đến vụ việc trên, ông Phạm Tâm - Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Nhật Việt cho biết: "Hiệp hội thương mại Nhật Việt đã nhận được đơn cầu cứu của ông Fukushima Masato về việc doanh nhân này bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi một số người Việt Nam. Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì những gì ông Masato gặp phải và kịch liệt lên án những đối tượng đã có hành vi lừa đảo doanh nhân Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên những doanh nhân Nhật Bản phải nhờ đến luật pháp và tòa án Việt Nam khi đầu tư vào đất nước của chúng ta.

Hiện nay, rất nhiều công ty và doanh nhân Nhật Bản thuộc hiệp hội đang quan tâm và theo dõi vụ việc này. Vì vậy chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng sớm giải quyết theo đúng pháp luật cũng như thấu tình đạt lý đối với vụ kiện của doanh nhân Masato, tránh tạo tiền đề và để lại ấn tượng xấu về môi trường đầu tư tại Việt Nam nói riêng cũng như con người đất nước chúng ta nói chung", ông Phạm Tâm chia sẻ.