Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, tổ chức đào tạo dạy nghề spa, thẩm mỹ, phun xăm, cần điều kiện gì?
Hộ kinh doanh và doanh nghiệp nên xác định rõ hoạt động kinh doanh chính của mình là loại hình kinh doanh có điều kiện hay không có điều kiện.

Các hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động spa, thẩm mỹ trước đây phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn của người đứng đầu và nhân sự của cơ sở hoạt động theo quy định tại Điều 37, 38 Nghị định 109/2016/NĐ-CP.

Tuy nhiên quy định này đã bị bãi bỏ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 155/2018/NĐ-CP. Vì vậy các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ, spa không cần phải đáp ứng các điều kiện tại Nghị định 109/201/NĐ-CP nữa. Như vậy không cần xin giấy phép về chuyên môn hay thông báo về chuyên môn nữa mà chỉ cần xin giấy phép về an toàn, trật tự theo quy định tại khoản 5, 20 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Trước hết hộ kinh doanh và doanh nghiệp nên xác định rõ hoạt động kinh doanh chính của mình là loại hình kinh doanh có điều kiện hay không có điều kiện. Theo đó lĩnh vực kinh doanh chăm sóc sắc đẹp được chia làm hai trường hợp sau:

Hoạt động kinh doanh chăm sóc sắc đẹp không bao gồm hoạt động xoa bóp, phẫu thuật thẩm mỹ

Đối với doanh nghiệp: Theo quy định từ Điều 21 đến Điều 26 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc có thể lựa chọn hình thức đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử theo quy định tại Chương V Nghị định 78/2015/NĐ-CP.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Theo Khoản 3 Điều 29 Nghị định 78/2015/NĐ-CP: “Doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”

Đối với hộ gia đình, cá nhân: Theo Khoản 1 Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Theo Khoản 2 Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

“a) Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;

b) Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;

c) Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.”

Hoạt động kinh doanh chăm sóc sắc đẹp có điều kiện

Theo Luật Đầu tư 2014, hoạt động kinh doanh xoa bóp và phẫu thuật thẩm mỹ là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo Luật Đầu tư 2014, hoạt động kinh doanh xoa bóp và phẫu thuật thẩm mỹ là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Ngoài việc đăng ký kinh doanh, chủ thể kinh doanh chăm sóc sắc đẹp kèm hoạt động xoa bóp, phẫu thuật thẩm mỹ phải tuân thủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP.

Theo Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP:

“Kinh doanh dịch vụ xoa bóp, gồm: Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu để xoa bóp (massage), tẩm quất phục vụ sức khỏe con người”.

“Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, gồm: Sử dụng kỹ thuật y học để phẫu thuật (giải phẫu) làm thay đổi hình dáng, đặc điểm nhận dạng con người.”

Theo Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cần đáp ứng điều kiện chung về an ninh, trật tự như sau:

“1. Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đối với người Việt Nam:

Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.

Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.

Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:

Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.

3. Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy”

Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự là văn bản do cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho cơ sở đầu tư kinh doanh các ngành, nghề quy định tại Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, trong đó có cả dịch vụ xoa bóp và phẫu thuật thẩm mỹ.

Thủ tục nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự được quy định tại Điều 23 Nghị định 96/2016/NĐ-CP như sau:

Cơ sở kinh doanh nộp một bộ hồ sơ cho cơ quan Công an có thẩm quyền đề nghị cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự quy định tại các Điều 19 Nghị định này;

Hình thức nộp hồ sơ: cơ sở kinh doanh chọn một trong các hình thức nộp trực tiếp cho cơ quan Công an có thẩm quyền, gửi qua cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính; hoặc nộp qua Cổng thông tin điện tử quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự của Bộ Công an.

Thời hạn hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự là không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự thì trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan Công an phải có văn bản trả lời cơ sở kinh doanh và nêu rõ lý do.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp, phẫu thuật thẩm mỹ ngoài việc tuân thủ trách nhiệm chung quy định tại Điều 25 Nghị định 96/2016/NĐ-CP thì còn phải thực hiện các yêu cầu sau:

Theo Điều 30 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ xoa bóp phải:

  1. Bố trí nơi cất giữ, bảo quản an toàn tư trang, tài sản của khách.
  2. Bố trí phòng nam riêng và nữ riêng khi thực hiện dịch vụ xoa bóp.

Theo Điều 41 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phải:

  1. Kiểm tra và lưu giữ bản sao giấy tờ tùy thân của khách trong hồ sơ, gồm một trong các loại giấy tờ sau đây: Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu đối với khách hàng từ đủ 14 tuổi trở lên; Giấy khai sinh đối với khách hàng là trẻ em chưa đủ 14 tuổi.
  2. Đối với khách hàng từ đủ 14 tuổi trở lên, trường hợp thực hiện phẫu thuật để làm thay đổi đặc điểm trên khuôn mặt thì cơ sở kinh doanh có trách nhiệm chụp ảnh chân dung của khách trước khi phẫu thuật và sau khi hoàn thành việc phẫu thuật, kích thước 4x6 cm lưu trong hồ sơ phẫu thuật của khách.
  3. Hàng quý cơ sở kinh doanh phải có báo cáo, kèm theo bản sao giấy tờ tùy thân và ảnh của khách quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này gửi cho cơ quan Công an có thẩm quyền.
Đối với các cơ sở đào tạo “chui”, không đăng ký hoạt động hoặc vi phạm các quy định về thành lập, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5,6 Nghị định 79/2015/NĐ-CP.
Đối với các cơ sở đào tạo “chui”, không đăng ký hoạt động hoặc vi phạm các quy định về thành lập, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5,6 Nghị định 79/2015/NĐ-CP.

Các chủ thể hoạt động kinh doanh sắc đẹp có được đào tạo giáo dục nghề nghiệp hay không?

Đây là câu hỏi thường gặp đối với các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp. Bên cạnh đó cũng nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp không nắm rõ quy định nên thường mắc các sai phạm khi tự ý mở khoá học, lớp chia sẻ kiến thức đào tạo, dạy nghề.

Theo quy định của pháp luật, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng các quy định tại điều 14 Nghị định 143/2016/NĐ-CP. Hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký được quy định tại Điều 16, 17 Nghị định này.

Đơn vi có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp quy định tại Điều 16 Nghị định 143/2016/NĐ-CP là Tổng cục Dạy nghề cấp đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học và Sở lao động – thương binh xã hội đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

Ngoài ra, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp mạo nhận việc cấp chứng chỉ do Bộ/Sở LĐ TB & XH cấp sẽ bị truy cứu và xử lý theo quy định của pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với cơ sở vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014:

a) Có hành vi gian lận để được thành lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc để được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này;

c) Tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

d) Vi phạm quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức độ phải đình chỉ hoạt động;

đ) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Đối với các trường hợp vi phạm này sẽ bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 20 Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Điều 21, 22 Nghị định 143/2016/NĐ-CP.

Tùy theo tính chất mức độ, có thể bị khởi tố hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đối với các cơ sở đào tạo “chui”, không đăng ký hoạt động hoặc vi phạm các quy định về thành lập, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5,6 Nghị định 79/2015/NĐ-CP.

Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 29 Nghị định này.