Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị khẩn gửi Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ GTVT về việc tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hoá đi, đến, đi qua các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16.

Theo Sở GTVT thành phố, trước đó Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công văn 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021 về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19.

Trong đó quy định, không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có Giấy nhận diện mã QR Code còn thời hạn do ngành GTVT cấp vận chuyển hàng hoá phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.

Trường hợp phương tiện không có Giấy nhận diện QR Code hoặc có nhưng hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-COV-2 đối với người trên phương tiện.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến ngày 8/8, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đã triển khai cấp giấy nhận diện có mã QR Code cho các xe vận chuyển hàng hóa được hoạt động trong phạm vi 19 tỉnh vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ với số lượng hơn 68.000 giấy nhận diện cho 94 đơn vị từ phần mềm của Sở và gần 28.300 giấy nhận diện từ phần mềm luồng xanh (luongxanh.drvn.gov.vn) của Tổng cục đường bộ Việt Nam.

Doanh nghiệp bức xúc khi xe vận chuyển hàng hoá có mã QR vẫn bị làm khó khi qua chốt
Doanh nghiệp bức xúc khi xe vận chuyển hàng hoá có mã QR vẫn bị làm khó khi qua chốt

Tuy nhiên, theo phản ánh của các hiệp hội, doanh nghiệp vẫn có tình trạng tại một số chốt kiểm soát của địa phương đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chưa tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa có giấy nhận diện có mã QR Code do ngành giao thông vận tải cấp được đi vào hoặc đi ngang qua tỉnh.

Có trường hợp không cho xe tải vận chuyển hàng hóa thiết yếu lưu thông qua chốt. Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều này chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ GTVT.

Trước những vướng mắc này, Sở GTVT thành phố kiến nghị Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ, Bộ GTVT trao đổi thống nhất với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch của địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải hàng hoá lưu thông. Không kiểm tra các phương tiện có giấy nhận diện có mã QR Code tại các chốt, trên các tuyến đường, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch ra vào các tỉnh, thành phố phải đảm bố trí các lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông nắm rõ các quy định về phòng chống dịch và hoạt động giao thông vận tải, để kịp thời giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở GTVT thành phố đề nghị Bộ GTVT công bố số điện thoại đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận phản ánh, hướng dẫn giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người điều khiển phương tiện trong quá trình vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố.

Trước đó, theo phản ánh của các doanh nghiệp, mặc dù đã có kinh nghiệm kiểm soát giao thông theo Chỉ thị 16 nhưng một số chốt giao thông vẫn còn thiếu linh hoạt trong kiểm tra, khiến hoạt động vận tải hàng hóa của doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh cho biết, vẫn có tình trạng các chốt kiểm soát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương lân cận yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Đặc biệt, theo ông Hiến, tài xế của công ty bị phạt tại huyện Củ Chi về việc đưa hàng hóa không thiết yếu ra ngoài đường, trong khi xe đang chở nước suối và có mã QR Code.

Tương tự, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc công ty Vissan cho hay, phần lớn nhân viên công ty phải hoạt động về đêm. Thịt heo giết mổ xong đã 1-2 giờ sáng sẽ vận chuyển ra các tỉnh để 2-3 giờ là thời gian pha lóc, chuẩn bị 5-6 giờ bán. Đây là hoạt động nghề nghiệp bình thường của doanh nghiệp.

Quy định hạn chế ra đường từ 18 giờ tới 6 giờ hôm sau, xe tải được đi nhưng xe cá nhân của người lao động lại không được phép, trong khi nhiều người phải dậy từ 4 giờ sáng để giao hàng. Nhưng giấy tờ do Vissan ký cho công nhân thì các chốt kiểm soát kiểm tra có nơi cho, nơi không.

Tại chương trình Cà phê Doanh nhân vừa tổ chức mới đây, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế đang xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát gây khó dễ kiểu “phép vua thua lệ làng”, đòi hỏi các thủ tục khiến doanh nghiệp bức xúc.

“Thành phố cần cụ thể các quy định của Trung ương và chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các chốt kiểm soát cần thực hiện nghiêm các thủ tục; yêu cầu về kiểm tra phòng dịch tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, gây khó doanh nghiệp”, bà Chi đề xuất.