Chưa có quy định đo lường giá trị tài sản cố định

Chuyên gia Nhữ Thị Hồng cho rằng, hiện nay các DN Việt Nam đang tuân thủ chế độ kế toán và hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành. Tài sản cố định tại các DN được ghi nhận theo giá gốc. Hàng kỳ DN sẽ trích khấu hao tài sản cố định.

Tuy nhiên, giá trị này đôi khi chưa phản ánh đúng về giá trị thực của tài sản tại thời điểm báo cáo, bởi có những tài sản tại thời điểm báo cáo đã bị suy giảm giá trị do không phát huy được tác dụng.

Chưa có quy định hướng dẫn đo lường sự thay đổi giá trị tài sản cố định

Giải thích tình trạng này, bà Hồng cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa có quy định nào hướng dẫn các DN ghi nhận tài sản cố định khi bị giảm giá trị và ngược lại.

Có những tài sản tại thời điểm báo cáo, giá trị thực cao hơn gấp nhiều lần giá trị ban đầu, nhưng vẫn chưa được ghi nhận, do không thuộc các trường hợp được đánh giá lại theo quy định hướng dẫn. Điều này làm ảnh hưởng đến giá trị tài sản của DN, đặc biệt khi DN đang cần thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

“Trong một số trường hợp tài sản cố định bị suy giảm giá trị mà không được phản ánh trên báo cáo tài chính của DN, khiến những khoản lỗ này chỉ được phát hiện vào những năm sau đó khi tài sản cố định này bị bán, thanh lý. Điển hình như việc ghi nhận giá trị giàn khoan của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling), 5 năm hoạt động, giàn khoan này không có bất kỳ hợp đồng nào (từ năm 2016 đến năm 2020). Điều này có nghĩa là tài sản này đã có dấu hiệu suy giảm giá trị và cần ghi nhận ngay vào chi phí, nhưng báo cáo tài chính của công ty giai đoạn này lại không ghi nhận”, bà Hồng ví dụ.

Cũng theo chuyên gia Học viện Ngân hàng, hiện nay, nghiệp vụ đánh giá lại tài sản chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi DN muốn cơ cấu lại tổ chức… không phải là nghiệp vụ mà DN thực hiện thường xuyên, dựa trên chu kỳ thay đổi giá của tài sản.

Do đó, nếu tài sản có sự thay đổi về giá trị mà không rơi vào các trường hợp trên thì DN sẽ không được thay đổi giá trị của tài sản. Như vậy, thông tin về tài sản chưa phản ánh đúng giá trị thị trường. Đặc biệt, khi nền kinh tế có lạm phát, việc ghi nhận tài sản theo giá gốc sẽ phản ánh lợi nhuận và tài sản của DN không chính xác.

Chi phí phát sinh cần ghi vào nguyên giá tài sản cố định

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng thông tin về tài sản cố định, chuyên gia Nhữ Thị Hồng cho rằng: "Để chất lượng thông tin về tài sản cố định thể hiện trên báo cáo tài chính của DN tại Việt Nam được đánh giá cao, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường và hội nhập với thế giới, thì các chi phí phát sinh trong tương lai cần được ghi nhận vào nguyên giá của tài sản cố định (không ghi nhận vào chi phí dự phòng như hiện nay).

Chi phí phát sinh tương lai cần ghi vào nguyên giá tài sản cố định

Các chi phí phát sinh trong tương lai bao gồm: Chi phí ước tính ban đầu liên quan đến việc phá hủy, điều chuyển tài sản, hoàn trả mặt bằng, khôi phục hiện trạng, nghĩa vụ mà DN phải gánh chịu khi mua tài sản hoặc khi sử dụng tài sản trong giai đoạn nhất định, cho các mục đích ngoài việc sản xuất hàng tồn kho, trong giai đoạn đó.

Đồng thời, cần có các hướng dẫn chi tiết, để DN xác định được giá trị hiện tại của các chi phí trên, một cách trung thực và khách quan.

Bộ Tài chính cần có các nghiên cứu cụ thể và sớm ban hành chuẩn mực hướng dẫn, ghi nhận sự suy giảm giá trị của tài sản cố định. Chuẩn mực này sẽ hướng dẫn cách thức nhận biết khi nào tài sản cố định bị suy giảm, thời điểm ghi nhận cũng như cách thức và giá trị tổn thất.

“Đối với các tài sản cố định có yêu cầu kỹ thuật phải sửa chữa định kỳ thì kế toán sẽ chia nhỏ để ghi nhận tài sản, tức là xem các tài sản lớn như một chuỗi các tài sản nhỏ hơn, mà mỗi phần được khấu hao với vòng đời ngắn hơn”, bà Hồng đề xuất.