Từ năm 2022 đến nay, lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng gấp 5 lần - theo một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs, một trong những tổ chức dự báo lạc quan nhất về triển vọng tăng giá của vàng trong những tháng gần đây.
Năm nay, giá vàng thế giới liên tiếp lập đỉnh, nhờ lực mua mạnh từ các ngân hàng trung ương toàn cầu. Giới chức đang tìm cách đa dạng hóa dự trữ, giảm phụ thuộc vào đồng USD. Giá vàng tăng gần 30% kể từ đầu năm, do nhu cầu trú ẩn trong bối cảnh chính sách thương mại của Mỹ làm rung chuyển các thị trường. Đến nay, Mỹ đã áp thuế 145% với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% với hầu hết đối tác thương mại khác.
Tại Trung Quốc, có nhiều dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang đổ xô mua vàng. Khối lượng giao dịch trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tương lai Thượng Hải lên mức kỷ lục trong những tuần gần đây. Nhu cầu mạnh trong nước khiến PBOC phải cấp thêm hạn ngạch cho các ngân hàng thương mại nhập khẩu kim loại quý.
Goldman Sachs cho biết số vàng các ngân hàng trung ương toàn cầu mua vào tăng gấp 5 lần kể từ năm 2022, sau khi Mỹ và phương Tây đóng băng khối dự trữ ở nước ngoài của Nga. Ngân hàng này cho rằng đây là "một sự chuyển dịch mang tính cấu trúc trong cách quản lý dự trữ ngoại hối và khó có khả năng đảo ngược trong ngắn hạn".
Theo WGC, các ngân hàng trung ương đã mua hơn 1.000 tấn vàng mỗi năm trong 3 năm qua. Nhóm này được dự báo tiếp tục mua trong năm nay.
Trong báo cáo tháng 3, Goldman ước tính vàng chiếm 8% dự trữ ngoại hối của PBOC. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 20%, và càng thấp hơn nữa nếu so với một số nền kinh tế phát triển. Nếu Trung Quốc muốn đạt tỷ lệ 20% và duy trì tốc độ mua trung bình khoảng 40 tấn mỗi tháng, nước này sẽ mất khoảng 3 năm để đạt mức này.
Ông Krishan Gopaul, chuyên gia cao cấp về thị trường mới nổi tại Hội đồng Vàng thế giới (WGC) phân tích: “Số liệu của PBOC cho thấy Trung Quốc mua thêm 2 tấn vàng trong tháng 4, và như vậy ghi nhận tháng mua vào thứ 6 liên tiếp. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, tổng lượng mua ròng ước tính khoảng 15 tấn, điều này giúp nâng tổng dự trữ vàng của Trung Quốc lên 2.294 tấn”.
Trong 6 tháng gần nhất, dự trữ vàng của Trung Quốc đã tăng ước tính khoảng 30 tấn. Đáng nói, động thái mua gom vàng của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh giá vàng thế giới đã lập rất nhiều đỉnh mới và đã tăng đến hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Giám đốc điều hành tại quỹ Metals Daily, ông Ross Norman, nhận xét: “Dù Trung Quốc vẫn mua vàng, nhưng khối lượng mua vào khá thấp so với khoảng thời gian trước. Điều đó cho thấy họ cũng có những sự thận trọng nhất định khi giá vàng cao và sẽ chỉ mua nhiều khi giá vàng thấp. Tuy nhiên xu thế mua vàng của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn bởi Trung Quốc đang giảm nắm giữ các tài sản khác như trái phiếu Bộ Tài chính”.
Cộng hòa Ba Lan cũng mua vàng trong tháng vừa qua. Số liệu từ Ngân hàng Trung ương Ba Lan (NBP) cho thấy dự trữ vàng của Ba Lan trong tháng 4 tăng 12 tấn lên 509 tấn. Tính từ đầu năm 2025 đến nay, NBP dã mua vào 61 tấn vàng, tương đương khoảng 2/3 lượng vàng mà NBP mua vào trong năm 2024.
Cộng hòa Séc cũng mua vàng bổ sung vào dự trữ trong tháng vừa qua. Số liệu từ Ngân hàng Trung ương Séc (CNB) cho thấy dự trữ vàng của Cộng hòa Séc tăng 2,5 tấn trong tháng 4. Cộng hòa Séc đã mua vàng 26 tháng liên tiếp, trong khoảng thời gian trên cơ quan này đã mua tổng cộng 47 tấn vàng. Tổng dự trữ vàng của Cộng hòa Séc vào cuối tháng 4 đạt 59 tấn.
Lực mua của các ngân hàng trung ương vẫn là một trụ cột quan trọng trên thị trường vàng, tuy nhiên nhu cầu vàng đã phần nào giảm đi sau khi tăng cao kỷ lục vào năm ngoái, theo báo cáo gần đây của WGC.
Số liệu từ WGC cho thấy các ngân hàng trung ương trên toàn cầu mua 243,7 tấn vàng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3, giảm đến 21% so với ngưỡng 309,9 tấn vàng vào cùng kỳ năm ngoái.
Tại thị trường trong nước, chiều ngày 8/5 giá vàng nhẫn được Doji niêm yết ở mức 114 - 116,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 1,5 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng miếng được Doji và SJC niêm yết ở mức 118,5 - 120,5 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 1,7 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.
Giá vàng trong nước giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng thế giới lúc 16h50 được niêm yết ở mức 3.337 USD/ounce, giảm 43 USD/ounce so với đầu giờ sáng nay.
Sự phục hồi của USD, kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại, cùng quyết định giữ nguyên lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ đã gây áp lực lên vàng, khiến giá kim loại quý này giảm hơn 1%.
Tại cuộc họp chính sách lần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất. Fed vẫn giữ nguyên bình luận đã đưa ra trước đây rằng không vội cắt giảm lãi suất và sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ những biến động kinh tế trước khi đưa ra quyết định.
Bên cạnh đó, giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh sau thông tin Mỹ và Trung Quốc đồng ý tổ chức đàm phán tại Thụy Sĩ. Đây có thể là bước đầu tiên nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại đang gây xáo trộn cho nền kinh tế toàn cầu.
Trước đó, Mỹ áp mức thuế 145% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi đó Bắc Kinh áp 125% lên hàng hóa Mỹ. Thông tin này đã ngay lập tức giúp các thị trường tài chính ổn định trở lại, các thị trường chứng khoán tăng mạnh.
Dự đoán về giá vàng thời gian tới, Ngân hàng Bank of America cho biết, trong ngắn hạn, khả năng vàng tăng giá là thấp. Tuy nhiên, ngân hàng này kỳ vọng giá sẽ tăng cao trở lại vào nửa cuối năm 2025, có khả năng đạt 4.000 USD/ounce.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Kitco Metals cho rằng, nhu cầu về tài sản an toàn liên tục gia tăng khiến giá vàng duy trì ở mức cao. Theo ông, giá sẽ tiếp tục giao dịch trên mức 3.000 USD/ounce trong thời gian tới.
“Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ thay đổi nào về lãi suất tại cuộc họp lần này, nhưng chúng tôi sẽ theo dõi để xem Fed sẽ thiên về hướng nào”, Wyckoff nói.
Trong lưu ý mới đây, Goldman Sachs cho rằng, rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ tăng cao, cùng hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn mạnh trong năm 2025 sẽ tiếp tục đóng vai trò lực đẩy cho vàng trong năm nay.
© thitruongbiz.vn