Đề xuất giải pháp "mở cửa bầu trời"

Trong Phiên họp Hội đồng Tư vấn du lịch lần thứ 17 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL cho biết, trong thời gian vừa qua, Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã tham mưu, đề xuất các chính sách hỗ trợ ngành du lịch.

Theo đó, chuyên gia TAB phân tích về tầm quan trọng của thị trường du lịch quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao, cần nghiên cứu để sớm mở cửa trở lại. Cụ thể, Trưởng Ban thư ký của TAB, ông Hoàng Nhân Chính cho biết trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ về việc Mở cửa trở lại du lịch quốc tế. TAB bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về vấn đề không hy sinh và không gây nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng để đổi lấy lợi ích kinh tế đồng thời đưa ra những đề xuất và giải pháp nhằm mở cửa lại du lịch một cách an toàn, đặc biệt là du lịch quốc tế.

Đề xuất mở cửa du lịch quốc tế gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch
Ngành du lịch Việt Nam đang hướng đến ngày "mở cửa bầu trời"

Chủ trương xuyên suốt là lấy sức khỏe cộng đồng làm trọng tâm và cân nhắc kỹ tình hình dịch bệnh phức tạp, Hội đồng Tư vấn đề xuất thành lập một nhóm tổ chức hoặc chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau: Y tế; Công an; Quốc phòng; Ngoại giao; Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề tái mở cửa biên giới, theo quy trình đảm bảo an toàn cho Việt Nam và du khách quốc tế.

Theo đề xuất này, tất cả khách quốc tế đến Việt Nam phải tuân thủ quy trình: Hộ chiếu vaccine hoặc chứng chỉ tiêm vaccine, xét nghiệm PCR trước khi đi và khi đã đến tại sân bay. Thực tế, việc đi du lịch nhưng lại bị cách ly dài ngày sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý du khách, nên các chuyên gia cho rằng cần có biện pháp phù hợp rút ngắn thời gian cách ly nhưng tuyệt đối đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Do đó, Chính phủ nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm Covid-19 cho cả khách du lịch đến Việt Nam và người Việt Nam đi nước ngoài, nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, công ty du lịch và chính quyền địa phương nếu xuất hiện vấn đề rủi ro.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý rằng việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là vấn đề lớn, liên quan đến nhiều cơ quan chức năng.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là cần hết sức thận trọng, thí điểm từng bước, ưu tiên cao nhất cho vấn đề an toàn, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế. Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ không đánh đổi sức khỏe, tính mạng của người dân lấy lợi ích kinh tế, do vậy việc mở cửa phải được xem xét thận trọng, không mở bằng mọi giá.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho rằng việc đề xuất, xây dựng chính sách cần dựa trên thực tiễn, bằng chứng khoa học. Việc mở cửa du lịch quốc tế cần dựa trên năng lực, nguồn lực của Việt Nam sẵn sàng để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó là việc cân nhắc lựa chọn thị trường, điểm đến, sản phẩm phù hợp.

Trước đó, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VH,TT&DL nghiên cứu đề xuất phương án mở cửa du lịch quốc tế thông qua hộ chiếu vắc xin. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nghiên cứu phương án thí điểm. Ngày 24-3, Tổng cục Du lịch đã họp với các bộ, ngành liên quan như Công an, Ngoại giao, Y tế, Giao thông vận tải… để bàn thảo về phương án, cách thức đón khách quốc tế vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh vẫn ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, Tổng cục Du lịch đã xây dựng dự thảo kế hoạch thí điểm trình Bộ VH,TT&DL báo cáo Chính phủ ngày 7/4.

Đề xuất mở cửa du lịch quốc tế gắn với bảo đảm an toàn phòng chống dịch
Cần có những giải pháp để "vực dậy" du lịch quốc tế tại Việt Nam

Cũng trong thời gian vừa qua, Bộ VH,TT&DL đã nhận được văn bản đề xuất của một số địa phương về việc mở đón khách quốc tế. Trên cơ sở xem xét những đề xuất này, Tổng cục Du lịch sẽ hoàn thiện kế hoạch thí điểm để báo cáo Bộ tiếp tục trình Chính phủ trong thời gian tới. Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Khánh nhấn mạnh, việc mở cửa du lịch quốc tế cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc đề xuất đón khách, triển khai các biện pháp chống dịch an toàn, sự phối hợp chặt chẽ của điểm đến, các doanh nghiệp đón khách, cơ sở lưu trú, các đơn vị vận chuyển khách, trong đó cần đảm bảo cao nhất cho sức khỏe, sự an toàn của du khách, cộng đồng dân cư và những người làm du lịch.

Du lịch phải gắn với an toàn phòng chống dịch

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, du lịch Việt Nam phải gánh chịu những tổn thất vô cùng nặng nề do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ năm 2020 đạt 97,3 triệu lượt khách, giảm 44% so với năm trước; số lượt khách do các công ty lữ hành phục vụ là 3,7 triệu lượt khách, giảm 80,1%. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 78,7% so với năm trước, chỉ đạt 3,8 triệu lượt người. Số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế giảm mạnh đã kéo theo doanh thu cho các cơ sở lưu trú và lữ hành cũng sụt giảm nghiêm trọng, ước tính đạt 61,8 nghìn tỷ đồng, giảm 43,2%.

Trong những tháng đầu năm 2021, tình hình du lịch chưa có nhiều tiến triển nổi bật khi tiếp tục chịu ảnh hưởng dây chuyền bởi dịch COVID-19. Riêng với lượng khách quốc tế đến nước ta, trong tháng 1/2021 ước tính đạt 17.736 lượt người, tăng 9% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 11.118 lượt người, giảm 99,3%; khách đến bằng đường bộ đạt 6.575 lượt người, giảm 97,8%; khách đến bằng đường biển chỉ đạt 43 lượt người, giảm 99,9%.

Việt Nam hướng đến xây dựng điểm đến an toàn đối với du khách quốc tế
Việt Nam hướng đến xây dựng điểm đến an toàn đối với du khách quốc tế

Trong tháng 2/2021, số liệu thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt gần 11 nghìn lượt người, giảm 38,3% so với tháng trước và giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước.

Những con số trên cho thấy, ngành du lịch nước ta vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do vậy, việc tính đến các phương án để phục hồi thị trường du lịch, đặc biệt là việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là một trong những bài toán cần được tính đến. Đây là vấn đề được đặt ra khi thực tế hiện nay, các quốc gia trong khu vực đang rục rịch mở cửa đón khách quốc tế với những chính sách riêng.

Là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, nơi mà bất cứ khách quốc tế nào đến Việt Nam cũng không quên bỏ qua, ngành du lịch Hà Nội đã và đang triển khai những hoạt động khá rầm rộ nhằm “hâm nóng” lại thị trường nội địa và chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi Việt Nam “mở cửa bầu trời.”

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, bà Đặng Hương Giang cho biết mục tiêu vẫn là tập trung vào thị trường nội địa nhưng luôn chuẩn bị sẵn sàng điều kiện nhằm đón du khách quốc tế ngay khi có thể; kết hợp ưu tiên công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố để khi dịch bệnh được kiểm soát, du khách quốc tế có thể vào Việt Nam thì ngành du lịch nói chung và Hà Nội nói riêng đã sẵn sàng tất cả.

Có thể nói, việc tập trung khôi phục và phát triển thị trường nội địa cùng với việc tính đến các giải pháp để mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là những công việc cần thiết để khôi phục lại tăng trưởng của ngành du lịch, tuy nhiên, để thực hiện tốt những mục tiêu này, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 vẫn là giải pháp cần được đặt lên hàng đầu./.