Lý do của đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt theo Bộ tài chính là bởi loại hình kinh doanh game hiện nay thuộc diện mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia.

Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online gây ảnh hưởng gì tới ngành game Việt Nam?
Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. (Ảnh minh hoạ)

Trả lời báo chí, các chuyên gia ngành game cho rằng, game online là hội tụ của nhiều ngành công nghệ cao gồm phần mềm, nội dung số, công nghệ phần cứng, các công nghệ mới…, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, phát triển công nghệ cao. Do đó, đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ khiến ngành game Việt Nam bị “tụt lại” so với các quốc gia khác.

Đơn cử, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của VCCI cho biết “chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game. Nếu Bộ Tài chính đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ ảnh hưởng lớn đối với ngành game Việt Nam. Vì vậy, bất cứ chính sách nào đưa ra phải cân nhắc đến nhiều điều."

Ông cho rằng, các doanh nghiệp game Việt Nam cũng đang phải chịu áp lực từ sự cạnh tranh không bình đẳng với các nhà phát hành game ngoại nước ngoài ngay trên chính "sân nhà".

Mặt khác, ông Lê Xuân Hòa, Phó Chủ tịch Vinasa cho rằng: “Game không phép, game xấu đang tạo ra các ảnh hưởng xấu vẫn hoạt động tại Việt Nam và làm ảnh hưởng đến các game tốt được cấp phép. Nếu tiếp tục chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì thị trường game tốt sẽ bị thu hẹp, giống như chúng ta bảo hộ ngược, tạo điều kiện cho game xấu, game lậu có mảnh đất màu mỡ phát triển."

Ông Hoà cũng đưa ra một hệ luỵ khác là chính sách này sẽ đẩy nhà phát hành game Việt chuyển hướng ra nước ngoài để hưởng ưu đãi. Theo ông, các quốc gia không những không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game, mà còn có chính sách thúc đẩy và ưu đãi cho lĩnh vực này. Vì vậy, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội Thể thao điện tử bình luận: “Nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt thì người chơi sẽ điều chỉnh hành vi tiêu dùng sang dịch vụ khác tương tự của nước ngoài. Nếu áp thuế thì doanh thu game ở Việt Nam không phải còn là 650 triệu USD nữa mà có thể sẽ giảm đi. Như vậy, sức cạnh tranh ngành game của Việt Nam sẽ giảm. Thực tế chúng ta đang làm kiểm soát tốt về nội dung, nhưng chúng ta sẽ không kiểm soát được dịch vụ xuyên biên giới. Như vậy, chính sách này sẽ kéo dài khoảng cách giữa doanh nghiệp làm ăn chính đáng tại Việt Nam với game lậu”.

Còn theo bà Nguyễn Thùy Dung, đại diện Soha Game, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt để thay đổi hành vi như mục tiêu của Bộ Tài chính thì có lẽ chính sách này lại khó làm được điều đó.

Nói về sức khỏe của doanh nghiệp game online, bà Dung dẫn chứng năm 2022 có ít nhất 10 doanh nghiệp game Việt bị phá sản. Top 10 doanh nghiệp game lớn nhất Việt Nam cũng đã phải cắt giảm nhân sự. Trên thực tế, sức khỏe nhiều doanh nghiệp game của Việt Nam đang teo tóp chứ không phải doanh thu lớn, lợi nhuận cao.

Đồng tình, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG có thâm niên 18 năm trong ngành cho hay: "Những nước phát triển coi đây là ngành mũi nhọn để xuất khẩu ra nước ngoài và xem đây là xuất khẩu văn hóa ra bên ngoài. Nhiều quốc gia đi sau như Singapore, Tiểu Vương Quốc Ả Rập đã đưa ra các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để phát triển ngành game online. Thế nhưng, tại Việt Nam game online vẫn đang gặp rất nhiều định kiến".

Ông cho biết thêm, game là ngành kinh doanh có điều kiện, các sản phẩm của nhà phát hành trong nước đều phải được thẩm định nội dung của Bộ Thông tin & Truyền thông, còn những nội dung lệch chuẩn là game lậu được cung cấp từ doanh nghiệp bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Ông Thắng dẫn chứng, doanh thu của game tại Việt Nam hiện nay có tới 78% doanh thu đến từ các nhà cung cấp ngoài lãnh thổ Việt Nam và không quản lý được. Như vậy, chỉ có 22% doanh thu game đến từ các doanh nghiệp trong nước, cung cấp các game được cấp phép.