Đất công là gì? Những quy định pháp luật liên quan về đất công
Khái niệm đất công
Hiện nay, chưa có một khái niệm cụ thể, rõ ràng nào về đất công được quy định theo pháp luật Việt Nam. Có rất nhiều ý kiến về loại đất này. Tuy nhiên, có thể định nghĩa loại đất này theo một cách dễ hiểu là đất của nhà nước, được nhà nước định đoạt mục đích sử dụng. Theo mục e Khoản 2 Điều 10 của Luật Đất Đai năm 2013, đất công là loại đất được sử dụng cho mục đích công cộng như làm đường xã, cầu cống, trường học, công viên, bệnh viện...
Từ trước đến nay chúng ta đều hiểu nôm na là đất công thuộc quyền sử dụng của nhà nước, không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình cá nhân. Bất cứ một cá nhân hay một tổ chức nào muốn sở hữu thì buộc phải có văn bản hoặc quyết định của nhà nước.
Đất công do ai sử dụng và quản lý?
Đất công được Nhà nước thống nhất quản lý bằng việc giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng. Luật đất đai 2013 đã có những quy định rõ ràng cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý đất công.
Khoản 2, điều 7, Luật đất đai 2013, quy định về người chịu trách nhiệm trước nhà nước đối với việc sử dụng đất như sau:
"Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; đất phi nông nghiệp đã giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Ủy ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của địa phương".
Theo đó, Uỷ ban nhân dân cấp xã được sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích; được giao đất phi nông nghiệp để sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở Uỷ ban nhân dân, các công trình công cộng phục vụ hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và công trình công cộng khác của địa phương.
Đất công là đất được sử dụng cho mục đích công cộng như: Làm đường xá, cầu cống, công viên, trường học, bệnh viện... Ảnh minh họa |
Mặt khác, khoản 4, điều 132 Luật đất đai 2013 quy định về đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích như sau:
"Quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt".
Từ những quy định trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn là cơ quan được giao trách nhiệm quản lý quỹ đất công.
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ đất công, Ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành các quyết định quy định chi tiết về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan trong việc quản lý, sử dụng đất công của địa phương. Các địa phương quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các Sở, ngành, địa phương trong việc quản lý, sử dụng quỹ đất công trên địa bàn theo hướng:
– Ủy ban nhân dân xã được sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích, sử dụng đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình phục vụ mục đích công cộng. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện rà soát, kiểm kê trên thực địa và hồ sơ địa chính để lập danh mục về vị trí, diện tích, loại đất, tình trạng sử dụng các loại đất bao gồm: đất công trình công cộng; đất công ích; đất chưa sử dụng làm cơ sở quản lý chặt chẽ.
– Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp danh mục quỹ đất công của Uỷ ban nhân dân cấp xã để quản lý, sử dụng và gửi về Sở TN&MT theo dõi, quản lý và liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường lập thủ tục giao đất để quản lý hoặc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quy định sử dụng đất công
Quy định về quỹ đất công
Theo Điều 72 Luật Đất đai năm 2013, mỗi địa phương được lập quỹ đất nông nghiệp phục vụ mục đích công ích của địa phương không quá 5% tổng diện tích đất trồng hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản.
Với những địa phương sử dụng vượt quá 5% quỹ đất cho mục đích công ích thì diện tích nằm ngoài 5% đó sẽ được sử dụng để xây dựng hoặc bồi thường cho những hộ gia đình có đất bị thu hồi nhằm xây dựng các công trình công cộng của địa phương hoặc giao cho những cá nhân, hộ gia đình chưa có đất để họ sử dụng để canh tác, sản xuất nông nghiệp.
Quy định về xử phạt trên đất công ích
Theo quy định, đất công ích được Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, cho thuê và sử dụng vào mục đích công. Do vậy, người dân thuê đất chỉ được phép nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp và không được phép xây dựng nhà ở.
Nếu người sử dụng vi phạm cố tình xây nhà trên đất công ích sẽ phải nhận mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và phải khôi phục lại đất như tình trạng ban đầu theo quy định của pháp luật. Trường hợp không thực hiện đúng quy định, người vi phạm sẽ bị cưỡng chế phá dỡ nhà và chịu toàn bộ chi phí cho việc phá dỡ.
Ngoài ra, theo Điều 174 Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người chuyển nhượng đất công ích có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên đất công
Theo Khoản 2 Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vàtài sản khác gắn liền với đất. Do vậy, đất công ích sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đất công ích không được bồi thường về đất
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 76 Luật Đất đai 2013, khi thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì người quản lý, sử dụng đất không được bồi thường về đất.
Mặc dù không được bồi thường về đất nhưng sẽ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có).
Chi phí đầu tư vào đất còn lại
Khoản 2 Điều 3 Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về chi phí đầu tư vào đất còn lại như sau:
Chi phí đầu tư vào đất còn lại là các chi phí mà người sử dụng đất đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất nhưng đến thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất còn chưa thu hồi hết. Chi phí đầu tư vào đất còn lại gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí sau:
- Chi phí san lấp mặt bằng;
- Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
- Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;
- Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Khi thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì người quản lý, sử dụng đất không được bồi thường về đất. Ảnh minh họa |
Điều kiện xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại
- Có hồ sơ, chứng từ chứng minh đã đầu tư vào đất, gồm:
+ Văn bản, hợp đồng thuê, khoán san lấp mặt bằng, tôn tạo đất đối với đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê, cải tạo đất, chống xói mòn, chống xâm thực, xây dựng, gia cố nền đất làm mặt bằng sản xuất.
+ Văn bản, thanh lý hợp đồng; hóa đơn, chứng từ thanh toán đối với từng khoản chi phí đã đầu tư vào đất.
+ Văn bản, hợp đồng khác có liên quan đến việc đầu tư vào đất được xác lập tại thời điểm đầu tư.
Trường hợp chi phí đầu tư vào đất còn lại không có hồ sơ, chứng từ chứng minh thì UBND căn cứ tình hình thực tế tại địa phương quy định việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại.
- Chi phí đầu tư vào đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
- Chi phí đầu tư vào đất còn lại được tính phải phù hợp với giá thị trường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất và được xác định theo công thức sau: P=((P1+P2+P3+P4)/T1)xT2
Trong đó:
P: Chi phí đầu tư vào đất còn lại;
P1: Chi phí san lấp mặt bằng;
P2: Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp;
P3: Chi phí gia cố khả năng chịu lực chống rung, sụt lún đất đối với đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh;
P4: Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích sử dụng đất;
T1: Thời hạn sử dụng đất;
T2: Thời hạn sử dụng đất còn lại.
Đối với trường hợp thời điểm đầu tư vào đất sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thì thời hạn sử dụng đất (T1) được tính từ thời điểm đầu tư vào đất.