Nhu cầu vận tải tăng mạnh trong dịp Tết

Nhu cầu vận tải tăng mạnh trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, khiến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp hơn.

Theo thống kê Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, trong 7 ngày nghỉ Tết, cả nước xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 89 người và 111 người bị thương. So với đợt nghỉ Tết Nguyên đán 2022, giảm 12 vụ (tương đương 7,3%), giảm 3 người chết (tương đương 3,3%) và tăng 8 người bị thương (tương đương 8%).

Mặc dù số vụ và số người chết do tai nạn giao thông Tết năm nay giảm, không xảy ra vụ đặc biệt nghiêm trọng, số vụ do vi phạm nồng độ cồn giảm so với các năm trước, nhưng số người bị thương do TNGT tăng lên.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 7 ngày Tết có hơn 26.400 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông (tăng 13,5%); số ca tử vong do TNGT giảm 3,7% so với Tết năm trước.

Đảm bảo an toàn giao thông khi du xuân đầu năm
Mật độ người và phương tiện tăng đột biến dịp lễ hội xuân đầu năm.

Bên cạnh đó, cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý 21.990 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 50 tỷ đồng; tạm giữ 639 ôtô, 9.910 xe môtô; 50 phương tiện khác và tước 4.950 giấy phép lái xe các loại.

Riêng về nồng độ cồn, cảnh sát đã xử phạt 7.726 trường hợp vi phạm (chiếm 35% tổng số vi phạm giao thông), tăng hơn 6.600 người so với Tết năm trước.

Vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tập trung tại các tuyến đường cửa ngõ TP. Hà Nội và TP. HCM vào các ngày cao điểm, thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố.

Đảm bảo ATGT dịp lễ hội xuân

Sau dịp nghỉ Tết, cả nước bước vào dịp cao điểm du lịch đầu năm. Vào thời điểm này hàng năm, rất nhiều lễ hội lớn tổ chức khai hội khiến nhu cầu du xuân của người dân tăng cao đột biến, do đó lưu lượng phương tiện lưu thông trên đường gia tăng, đây cũng là thời điểm có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.

Để đảm bảo ATGT dịp lễ hội xuân, lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục tăng cường năng lực vận tải, siết chặt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và người lái, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé; đồng thời tiếp tục kiểm soát các lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ; ôtô kinh doanh vận tải chở quá tải trọng về hàng hóa, chở quá số người quy định.

Mặt khác, Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an đã có khuyến cáo tới người dân chủ động đảm bảo an toàn khi du xuân. Đặc biệt khi tới vùng miền núi du xuân, cần tìm hiểu kỹ thời tiết để tránh các nguy cơ thời tiết xấu và chuẩn bị những kỹ năng, phương tiện an toàn để tránh tai nạn.

Cụ thể, đối với người dân đi du xuân, mọi người nghiêm túc chấp hành pháp luật về giao thông; đặc biệt tuân thủ về các quy tắc giao thông; đi đúng làn đường, phần đường của phương tiện mình điều khiển.

Đối với những người lái xe, một số địa điểm ở cung đường đèo, cần phải chú ý, kiểm tra phương tiện trước khi đi vào cung đường đèo (kiểm tra về lốp, phanh, đèn chiếu sáng gần, chiếu sáng xa, đèn sương mù nếu có…); chú ý về nhiên liệu tránh việc đi giữa đường lại hết nhiên liệu.

Đối với xe khách, không chở quá số người quy định và tuân thủ quy tắc khi đi trên cung đường đèo thì không đi quá tốc độ và không vượt ẩu vì khá nguy hiểm.

Đối với phương tiện chở khách, nhắc nhở hành khách trên xe không có hành vi làm ảnh hưởng đến người điều khiển phương tiện.

Trong mùa lễ hội, các địa điểm du lịch thường tập trung đông người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ùn tắc kéo dài và mất trật tự, ATGT. Những năm trước đây, các nguyên nhân chính gây ra tai nạn chủ yếu là do sử dụng rượu bia, chất kích thích, ý thức chấp hành pháp luật kém khi tham gia giao thông.

Cũng cần ghi nhận việc di chuyển liên tục trên các chuyến du xuân cùng lưu lượng phương tiện dày đặc khiến các tài xế đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng phát sinh trên đường.

Sự chủ quan như thiếu quan sát khi qua đường, thiếu ngủ, mất bình tĩnh, cố tình di chuyển trong điều kiện thời tiết kém cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ra những tai nạn đáng tiếc, không thể vãn hồi.

Một số yếu tố khác là lực lượng, phương tiện tuần tra kiểm soát còn hạn chế; hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được sự tăng nhanh về lượng phương tiện, nhất là ô tô như hiện nay.

Du xuân, đi lễ hội đầu năm là nét đẹp văn hoá trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm có nhiều nguy cơ về mất ATGT khi mật độ người và phương tiện tăng đột biến.

Chính vì thế, mỗi tài xế cần có ý thức tự bảo vệ tính mạng chính mình và đảm bảo an toàn cho người khác bằng việc chủ động nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông khi điều khiển phương tiện trên đường.