Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân là nhiều khách hàng nghi ngờ có tình trạng găm hàng đẩy giá trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Đặc biệt, sau khi duy trì mức giá vé cao gần cả tháng, ngày 21/4, các hãng đồng loạt mở bán thêm nhiều vé mới với giá thấp hơn những ngày trước đó, thậm chí có nhiều đường bay giá giảm còn 50%.

Hiện các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều cơ bản không còn chỗ đỗ trống cho khung giờ ban ngày, khung giờ bay đêm còn nhiều nhưng các hãng lại ít khai thác. Cục Hàng không yêu cầu hãng hàng không phải báo cáo cụ thể nguyên nhân vì sao giá vé lại tăng, giảm đột ngột khi dịp nghỉ lễ đang tới gần.

Giải thích việc cấp phép tăng chuyến bay năm nay muộn, khi cận ngày nghỉ lễ mới cấp, trong khi trước đây cấp trước dịp nghỉ 1-2 tháng, lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, để cấp phép bay tăng cường phải rà soát số lượng vé còn vé đã bán, thiếu mới bay bổ sung. Tuy nhiên, khi Cục Hàng không yêu cầu báo cáo thì các hãng gửi rất muộn.

“Chúng tôi cũng muốn cấp slot (giờ cất/hạ cánh) tăng cường sớm, nhưng chưa có số liệu đầy đủ nên chưa quyết định được”, lãnh đạo Cục Hàng không nói.

Theo vị này, slot bay thường lệ và tăng cường tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đã gần như “mở kịch khung,” vì phải đảm bảo không quá tải, ùn tắc tại nhà ga, hạn chế giảm chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, việc sử dụng quỹ slot tại các sân bay lớn vẫn chưa hợp lý, khi tập trung bay vào ban ngày quá nhiều, trong khi bay đêm rất ít.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã yêu cầu các hãng báo cáo tình hình bán vé máy bay dịp cao điểm nghỉ lễ.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã yêu cầu các hãng báo cáo tình hình bán vé máy bay dịp cao điểm nghỉ lễ. Ảnh minh họa

Kể cả dịp nghỉ lễ 30/4 tới, số slot bay đêm còn rất nhiều, trong đó có cả sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng các hãng không muốn khai thác các chuyến bay đêm, người dân cũng không thích đi đêm (trừ dịp Tết Âm lịch).

“Với thực trạng hạ tầng sân bay hiện có, người dân cũng cần quen với bay đêm, các hãng cũng nên xem bay đêm là bình thường, tương tự như bay quốc tế vào ban đêm rất nhiều, do khung giờ bay ban ngày ở sân bay lớn đã gần như kín lịch. Các hãng cũng cần xây dựng chính giá vé hợp lý để khuyến khích người dân bay đêm. Còn việc các hãng không đẩy mạnh bay đêm để bán hết vé chuyến bay ngày là chuyện kinh doanh của các hãng, nhà nước không can thiệp, chỉ mở slot tối đa để các hãng đăng ký khai thác”, lãnh đạo Cục Hàng không nói thêm.

Với giá vé máy bay, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, cơ quan này chỉ kiểm soát giá vé máy bay nội địa không vượt trần, còn giá vé cụ thể ra sao do các hãng tự xây dựng. Tuy nhiên, vị này cũng khuyến cáo khách cần quen với việc giá vé máy bay không thể rẻ mãi, đặc biệt trong bối cảnh giá nhiên liệu, tỉ giá, lãi suất, giá thuê máy bay tăng cao; các hãng cũng phải tính tới bay có lãi, không thể chấp nhận bay lỗ chỉ để có dòng tiền như giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua. Thị trường hàng không Việt Nam hay thế giới cũng như vậy. Khách nếu không đi máy bay vẫn có lựa chọn tàu hỏa, ô tô với giá hợp lý.a

Để tránh mua mua phải vé máy bay giả, Cục Hàng không Việt Nam cũng tiếp tục đưa ra khuyến cáo với hành khách. Cục Hàng không Việt Nam cho biết phương thức lừa đảo phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng mạo danh đại lý, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ, gửi khách mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu chuyển tiền thanh toán.

Sau khi nhận thanh toán, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay.

Để tránh bị lừa mua phải vé giả, nhất là trong các đợt cao điểm đi lại như 30/4 - 1/5, nghỉ hè, lễ, tết, các hãng hàng không khuyến cáo hành khách cần mua vé trên kênh chính thức của các hãng và cần lấy phiếu thu, hóa đơn khi mua vé để bảo vệ quyền lợi cho mình.