Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, theo dự thảo mới nhất Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 16/2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, sẽ đưa vào quy định miễn kiểm định lần đầu cho xe ô tô mới, chưa qua sử dụng (có năm sản xuất không vượt quá 1 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định).

Trong đó, người dân sau khi mua xe sẽ được miễn kiểm định, thời gian bằng đúng chu kỳ đầu kiểm định xe cơ giới, tương đương với 36 tháng đối với xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải (theo dự thảo Thông tư 16 mới nhất). Ở Thông tư 16 hiện tại, chu kỳ này là 30 tháng.

Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số ô tô mới năm 2022 khoảng 455.000 xe, dựa theo dự báo gia tăng ô tô hàng năm tại Việt Nam, năm 2023 có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 mới nhất cũng điều chỉnh kéo dài chu kỳ kiểm định phù hợp đối với một số loại xe cơ giới tham gia giao thông.

Theo đó, ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, đối với xe sản xuất đến 7 năm, chu kỳ đầu thay đổi tăng lên 36 tháng (trước đây 30 tháng), chu kỳ định kỳ 24 tháng (tăng 6 tháng so với trước đây – 18 tháng); Sản xuất trên 7 năm đến 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 12 tháng, thời gian sản xuất trên 15 năm chu kỳ đầu và định kỳ là 6 tháng.

Trước đây, chu kỳ này chỉ tính các xe sản xuất từ trên 7 năm đến 12 năm và trên 12 năm.

Chu kỳ kiểm định xe gia đình có thể được kéo dài thêm 6 tháng. Ảnh: Thanh niên
Chu kỳ kiểm định xe gia đình có thể được kéo dài thêm 6 tháng. Ảnh: Thanh Niên

Đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải vẫn giữ nguyên chu kỳ kiểm định bởi đây là loại xe có cường độ, tần suất hoạt động lớn, vận tải chở khách nên cần được kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn.

Đối với ô tô chở người các loại trên 9 chỗ, dự thảo Thông tư mới không còn tính theo loại không cải tạo/cải tạo mà tính theo thời gian sản xuất.

Đối với xe có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định đầu 24 tháng, chu kỳ định kỳ 12 tháng. Thời gian sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đầu và chu kỳ định kỳ là 6 tháng. Đây đa số là xe khách, sử dụng để kinh doanh vận tải.

Chu kỳ kiểm định 3 tháng vẫn giữ trong dự thảo Thông tư mới tuy nhiên chỉ áp dụng cho ô tô chở người các loại trên 9 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 9 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 9 chỗ).

Ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo đã sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người sản xuất từ 15 năm trở lên được áp dụng chu kỳ kiểm định định kỳ 6 tháng (tăng 3 tháng so với trước đây).

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc giữ chu kỳ kiểm định 3 tháng bởi các loại xe được áp dụng đa số là xe khách đã cũ nát sử dụng ở thành phố sau đó đưa về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để hoạt động chở người, chở công nhân, học sinh vô cùng nguy hiểm mà nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh thời gian qua. Việc giữ chu kỳ kiểm định này để kiểm soát chặt chẽ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, vì mục tiêu an toàn của người dân.

Theo tính toán Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được kéo dài chu kỳ kiểm định sau khi dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 khoảng 3,073 triệu xe.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, xe gia đình, không kinh doanh vận tải cần được kéo dài chu kỳ kiểm định bởi nhiều gia đình không thường xuyên sử dụng ôtô, lại bảo dưỡng xe cẩn thận.

Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Giao thông Vận tải đã khẩn trương sửa đổi thông tư số 16/2021, trong đó sửa đổi quy định cho phép miễn kiểm tra kỹ thuật khi đăng kiểm lần đầu đối với ôtô mới; kéo dài chu kỳ đăng kiểm với các phương tiện mới sử dụng đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, an toàn.