Hàng loạt các doanh nghiệp khi ra thông tin phát hành riêng lẻ, cổ phiếu của một số doanh nghiệp như Đất Xanh, Gilimex, Rạng Đông...đã giảm sâu, có dấu hiệu lao dốc sau thông tin phát hành tăng vốn.
Nửa đầu năm 2021 ghi nhận những diễn biến đầy tích cực của chứng khoán Việt Nam khi thị trường tăng trưởng mạnh cả về điểm số lẫn thanh khoản. Trong bối cảnh sôi động của thị trường, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, trái với sự thành công rực rỡ của nhóm chứng khoán, ngân hàng, không ít nhà đầu tư đang tỏ ra thất vọng với phương án phát hành của những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác.
Đơn cử, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Mã chứng khoán DXG – sàn HOSE) ra thông tin lên kế hoạch phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, chiếm 38,59% số lượng cổ phiếu đang lưu hành, giá phát hành dự kiến chiết khấu tới 20% bình quân giá đóng cửa của cổ phiếu DXG trong 20 phiên giao dịch gần nhất trước thời điểm quyết định giá. Mục đích phát hành để huy động vốn, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Ngay sau khi ra tin trên, giá cổ phiếu DXG đã giảm mạnh. Cụ thể, trong phiên 8/6 cổ phiếu DXG giảm 1.900 đồng/CP về mức giá sàn 25.900 đồng/CP và phiên giao dịch ngày 9/6 tiếp tục giảm sàn về mức 24.100 đồng/CP. Như vậy, chỉ sau 2 phiên giao dịch, cổ phiếu DXG đã giảm 13,3%, và nếu nhìn rộng hơn từ ngày 3 - 9/6, giá cổ phiếu DXG đã giảm 16,6%.
Cổ phiếu Đất Xanh, Gilimex, Rạng Đông lao dốc sau thông tin phát hành tăng vốn |
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Mã chứng khoán GIL – sàn HOSE).
Trong đó, ngày 20/5/2021, GIL công bố kế hoạch phát hành 16,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư, giá chào bán riêng lẻ là 35.000 đồng/CP. Được biết, trước đó cổ phiếu GIL đang giao dịch tại vùng đỉnh là 80.000 đồng/CP (ngày 13/5). Như vậy, giá phát hành thấp hơn tới 56,3% so với giá đỉnh trước đó.
Tuy nhiên, cổ phiếu GIL cũng đã bị bán ồ ạt và nhanh chóng quay đầu giảm sau đó. Cụ thể, kể từ ngày 20/5 đến ngày 9/6, cổ phiếu GIL đã giảm 7,3% về còn 58.000 đồng/CP. Đặc biệt, nếu xét từ đỉnh ngày 13/5 đến ngày 9/6, cổ phiếu GIL đã giảm 27,5%.
Đặc điểm chung của cả GIL và DXG là giá cổ phiếu có dấu hiệu giảm trước khi công bố thông tin phát hành riêng lẻ và tiếp tục giảm mạnh hơn khi thông tin chính thức được công bố.
Một trường hợp khác là Rạng Đông (RAL) khi công bố tài liệu ĐHCĐ với phương án phát hành 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 91,1% cổ phiếu đang lưu hành của công ty để xây dựng nhà máy tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Mức giá chào bán được xác định sẽ bằng 65% giá bình quân 20 phiên giao dịch liền trước ngày quyết định thực hiện của Rạng Đông và không thấp hơn 110.000 đồng/cp.
Thời điểm ra thông tin, thị giá RAL xoay quanh mức 220.000 đồng – 230.000 đồng/cp, điều này có nghĩa mức giá chào bán cổ phiếu tăng vốn của Rạng Đông có thể từ 140.000 đồng – 150.000 đồng/cp, thậm chí có thể cao hơn nếu thị giá RAL trên sàn tiếp tục tăng trước giai đoạn chốt quyền.
Dù phương án phát hành được đánh giá là tích cực, giúp tình hình tài chính Rạng Đông trở nên lành mạnh hơn cũng như đảm bảo nguồn lực xây nhà máy mới (nhà máy được ưu đãi thuế) nhưng trong ngắn hạn, không ít nhà đầu tư đã vội vàng bán ra khiến cổ phiếu RAL giảm gần 30.000 đồng (~13,3%) chỉ sau 2 phiên giao dịch.
Trước đó, thống kê của FiinGroup cho biết trong năm 2021, các doanh nghiệp niêm yết có kế hoạch tăng quy mô vốn chủ sở hữu thêm 3,8%, tương đương 102,6 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần, đây là con số kỷ lục từ trước tới nay. Trong đó, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp đã phát hành thành công khoảng 20.300 tỷ đồng và đang có kế hoạch phát hành thêm hơn 82.300 tỷ đồng trong giai đoạn cuối năm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hiện nay có hai hình thức tăng vốn mà không chịu sự điều chỉnh giá cổ phiếu.
Thứ nhất, phát hành trái phiếu chuyển đổi cho chủ nợ để huy động vốn, khi trái chủ chuyển đổi từ trái phiếu qua cổ phiếu thì sẽ dẫn tới sự pha loãng cổ phiếu nhưng khi phát hành không ảnh hưởng tới giá thị trường. Thứ hai, khi doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp, giá thị trường sẽ không bị tác động so với giá phát hành. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với giá cao hơn giá thị trường sẽ giúp cho nhà đầu tư trên sàn hưởng lợi và doanh nghiệp có thêm vốn kinh doanh. Tuy nhiên, trên sàn đa phần các doanh nghiệp thường chọn hình thức phát hành riêng lẻ cho nhóm nhà đầu tư với giá chiết khấu so với thị trường và chỉ hạn chế chuyển nhượng 1 năm, sau 1 năm dễ dàng bán ra cổ phiếu và chốt lời, tỷ lệ pha loãng cổ phiếu đã và sẽ tác động tiêu cực tới nhà đầu tư. |
Theo DNVN
© thitruongbiz.vn