Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, cổ đông CTCP Đầu tư Vua Nệm - công ty mẹ của CTCP Vua Nệm đã thông qua kế hoạch thành công ty đại chúng. Sau khi đã có lãi trở lại và đạt lợi nhuận 10 tỷ đồng trong năm ngoái, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2025 tăng gấp đôi và đạt 20 tỷ đồng.
Theo tài liệu của CTCP Đầu tư Vua Nệm - công ty mẹ của CTCP Vua Nệm, HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông xem xét, thông qua kế hoạch đăng ký công ty đại chúng với Ủy ban chứng khoán Nhà nước, đăng ký lưu ký chứng khoán với Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, và đăng ký giao dịch cổ phiếu của Công ty trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung (Upcom) với Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Theo kế hoạch, công ty dự kiến đăng ký công ty đại chúng trong tháng 7/2025, đăng ký lưu ký chứng khoán trong tháng 8/2025 và đăng ký giao dịch trên sàn Upcom trong tháng 9. Mekong Capital, quỹ rót vốn vào Vua Nệm, cho biết đang hỗ trợ cho đơn vị trong quá trình trở thành công ty đại chúng.
Về kết quả kinh doanh, Vua Nệm báo lãi sau thuế 10,3 tỷ đồng so với khoản lỗ hơn 91 tỷ đồng trong năm 2023.
Phía Vua Nệm cho biết, để có lãi trở lại, ban lãnh đạo công ty đã tập trung mạnh mẽ vào chiến lược tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời đã triển khai hàng loạt biện pháp giúp kiểm soát chi phí. Chi phí nhân sự giảm 10% nhờ áp dụng chính sách lương thưởng phù hợp và tinh gọn bộ máy vận hành. Chi phí thuê mặt bằng giảm 16%, nhờ vào các nỗ lực đàm phán hợp đồng và tìm kiếm các địa điểm có chi phí thấp hơn.
Đặc biệt, Vua Nệm đã thanh toán toàn bộ 220 tỷ đồng trái phiếu đến hạn vào tháng 5/2024, giúp giảm 44% chi phí tài chính.
Nhờ những nỗ lực này, chi phí bán hàng đã giảm 12% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 17% so với năm trước. Đặc biệt, 100% cửa hàng mới mở trong năm 2024 đều đạt EBITDA dương, đóng góp đáng kể vào sự cải thiện lợi nhuận chung.
Ghi nhận BCTC hợp nhất từ năm 2018 – 2024, Đầu tư Vua Nệm liên tục báo lỗ, chỉ báo lãi hai lần vào năm 2021 và năm 2024. Nguyên nhân chính khiến công ty thua lỗ do áp lực của các chi phí hoạt động lớn.
Khoản lỗ lớn nhất của Đầu tư Vua Nệm là vào năm 2023 với hơn 91 tỷ đồng. Năm lỗ lớn thứ hai là 2022 với gần 66 tỷ đồng.
Năm 2025, Vua Nệm đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi và đạt 20 tỷ đồng. Doanh thu Vua Nệm dự kiến cũng sẽ được cải thiện lên mức 830 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Đầu tư Vua Nệm đạt 285 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Hàng tồn kho tăng 12% lên 102 tỷ đồng.
Nợ phải trả hơn 272 tỷ đồng, gấp gần 21 lần vốn chủ sở hữu (13 tỷ đồng) tính đến cuối tháng 3/2024.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, CEO Vua Nệm từng cho biết, doanh nghiệp đã tìm ra công thức "cứ mở là có lãi" ở cấp độ cửa hàng, thông qua chiến lược địa phương hóa khi mở mới điểm bán.
Sau quá trình hoạt động, tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, công ty đã nắm bắt được "luật chơi" của ngành hàng và thị trường này, từ đó điều chỉnh chiến lược.
"Trước đây, chúng tôi chỉ có một mô hình chung để nhân rộng, nhưng từ năm 2024 chia thành ba loại cửa hàng khác nhau với cơ cấu danh mục hàng hóa phù hợp quy mô dân số, thị hiếu và thu nhập ở từng khu vực", bà Huyền nói.
Công ty chọn cách tìm ra các định tuyến để mở mới một cách thận trọng. Hai năm tới, mạng lưới điểm bán sẽ tập trung ở các thành phố lớn. Ưu tiên của Vua Nệm là các tuyến phố lớn, tìm mặt bằng xung quanh các khu vực có các đối thủ vì đó là những nơi có nhu cầu tìm kiếm nội thất hay nệm lớn.
Về phân khúc khách hàng, trước đây công ty thường tập trung vào nhóm trung và cao cấp, tức những người có thu nhập cao.
"Tuy nhiên điều này khiến công ty khó mở rộng tệp khách hàng. Do đó, Vua Nệm đã tiến hành đa dạng hóa danh mục sản phẩm, phân khúc giá, giúp tiếp cận tới tệp khách hàng trung thấp và thấp dễ dàng hơn", nữ CEO cho hay.
Việc mở rộng phân khúc theo bà Huyền không chỉ để thích nghi với điều kiện kinh tế và thu nhập người dân giảm đi, đó còn là chiến lược quan trọng của công ty. Vua Nệm không co gọn mình vào bất kỳ phân khúc nào mà luôn muốn tiếp cận nhiều hơn.
"Tôi nghĩ rằng điều này dù diễn ra trong giai đoạn kinh tế khó khăn hay ổn định, cũng tốt cho doanh nghiệp", bà Huyền khẳng định.
Vua Nệm được giới thiệu là nhà bán lẻ nệm lớn bậc nhất Việt Nam. Đến nay, Vua Nệm đã sở hữu hơn 130 cửa hàng trải dài từ Bắc tới Nam, phân phối nhiều thương hiệu nệm như : Serta, Bedgear, Dunlopillo, Aeroflow, Tempur, Therapedic, Amando, Liên Á, Kim Cương, Gummi, Goodnight,…
Vua Nệm được thành lập vào năm 2007 bởi hai doanh nhân là Hoàng Tuấn Anh và Nguyễn Vũ Nghĩa. Năm 2017, công ty nhận được đầu tư từ Mekong Capital, Vuanem.com được thành lập và nâng hệ thống chuỗi lên 38 cửa hàng mua sắm.
Năm 2018, Vuanem.com và Dem.vn hợp nhất thành một thương hiệu duy nhất với tên gọi Vua Nệm.
CTCP Đầu tư Vua Nệm được thành lập vào tháng 8/2017, có trụ sở chính tại Quận 6, TP HCM, do ông Hoàng Tuấn Anh làm Chủ tịch HĐQT.
Tại thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Vũ Nghĩa nắm 59,15% vốn, ông Nguyễn Quang Huy nắm 4% vốn. Hai cá nhân là Nguyễn Thị Hoàng Anh, Hoàng Tuấn Anh lần lượt nắm 5% vốn, 31,85% vốn.
Đến tháng 10/2017, Đầu tư Vua Nệm tăng vốn điều lệ lên hơn 18,3 tỷ đồng. Giai đoạn 2018 – 2023, công ty liên tục điều chỉnh vốn điều lệ và có sự thay đổi các cổ đông.
Đầu tư Vua Nệm có vốn điều lệ hơn 54,7 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm Future Changer Pte.LTD (Singapore) sở hữu 58,84% VĐL, Craig David Schmeizer (Mỹ) sở hữu 0,54% VĐL, Woods Samuel Adam (Mỹ) sở hữu 0,8 VĐL, Sanyo Teru Lue-Kim (Canada) sở hữu 7,31%.
Trong hệ sinh thái Vua Nệm, pháp nhân cốt lõi là CTCP Đầu tư Vua Nệm, hiện sở hữu hai công ty con gồm: CTCP Chúc Ngủ Ngon (nắm giữ 99,99% cổ phần) - quản lý các quỹ đầu tư và CTCP Vua Nệm (nắm giữ 99,99% cổ phần gián tiếp thông qua CTCP Chúc Ngủ Ngon) - đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng Vua Nệm.
© thitruongbiz.vn