Chứng khoán Mỹ giảm mạnh

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (5/1), sau khi biên bản cuộc họp tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) được công bố. Giá dầu thô giữ đà tăng cho dù OPEC+ tăng sản lượng và lượng xăng tồn kho của Mỹ tăng. Giá Bitcoin giảm mạnh xuống dưới 44.000 USD.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 1,94%, còn 4.700,58 điểm. Chỉ số Dow Jones trượt 1,07%, còn 36.407,11 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 3,34%, còn 15.100,17 điểm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhà đầu tư lo lắng sau khi thấy biên bản cuộc họp Fed tiết lộ rằng ngân hàng trung ương này đã thảo luận đến việc cắt giảm quy mô của bảng cân đối kế toán. Đây là một bước đi quan trọng nữa của Fed bên cạnh rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch Covid-19. Trước khi nói đến vấn đề thu hẹp lượng tài sản nắm giữ, Fed đã tuyên bố đẩy nhanh cắt giảm quy mô của chương trình mua tài sản và dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm nay.

Biên bản nói rằng Fed dự định giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu đảm bảo bằng nợ địa ốc. Đây là những tài sản mà Fed đã mua vào một lượng lớn, qua đó bơm hàng nghìn tỷ USD vào thị trường kể từ khi đại dịch bắt đầu. Quy mô bảng cân đối kế toán của Fed hiện ở mức khoảng 8,8 nghìn tỷ USD.

“Hầu hết các thành viên dự họp đều nhất trí rằng sẽ là hợp lý để bắt đầu giảm bảng cân đối kế toán vào một thời điểm nào đó sau đợt nâng lãi suất đầu tiên”, biên bản viết.

Dù tăng vào đầu phiên, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt chuyển sang sắc đỏ khi thông tin trên được đưa ra.

“Nếu bạn đang lướt trên một làn sóng thanh khoản để đi lên, và khi thanh khoản đó bắt dầu mất đi, thì chẳng có gì lạ khi bạn thấy thị trường có phản ứng”, bà Kathy Jones, trưởng bộ phận trái phiếu của Charles Schwab, phát biểu.

“Năm nay là năm chúng ta sẽ chứng kiến sự chuyển giao từ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa siêu lỏng lẻo sang chính sách tiền tệ và tài khóa bớt lỏng hơn. VIệc đó sẽ phải có một số ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro đã tăng giá nhiều”, bà Jones nói.

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong S&P 500 đều mất điểm phiên này.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,8 USD/thùng, tương đương tăng 1%, chốt ở 80,8 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,86 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 77,85 USD/thùng.

Giá dầu giữ đà tăng của những phiên gần đây cho dù OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước sản xuất dầu ngoài khối gồm Nga, duy trì kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng trong tháng 2.

Một thông tin bất lợi nữa đối với giá dầu đến từ báo cáo hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ. Theo báo cáo này, lượng tồn kho xăng của Mỹ tăng hơn 10 triệu thùng trong tuần trước, do nhu cầu suy giảm khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh. Hôm thứ Hai tuần này, Mỹ báo cáo hơn 1 triệu ca nhiễm mới trong 1 ngày, kỷ lục về số ca nhiễm mới Covid trong một ngày tại một quốc gia từ khi đại dịch bắt đầu.

Giới phân tích nói rằng việc giá dầu tăng bất chấp những thông tin bất lợi này cho thấy nhà đầu tư tiếp tục tin vào sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ năng lượng trọng năm nay.

Bitcoin cắm xuống đáy

Sáng 6/1, giá Bitcoin dao động dưới ngưỡng 44.000 USD, thấp hơn 36% so với kỷ lục 69.000 USD thiết lập hồi tháng 11. Theo hãng tin Bloomberg, có một số lý do quan trọng khiến giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới giảm sâu đến như vậy: khối lượng giao dịch giảm mạnh; số hợp đồng mở trên thị trường Bitcoin tương lai sụt giảm; và số địa chỉ Bitcoin đang hoạt động không còn tăng nữa.

Tất cả những bất lợi này đều cho thấy một điều rằng tâm lý bầy đàn trên thị trường Bitcoin đã giảm sút kể từ mức đỉnh điểm khi quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin tương lai đầu tiên ở Mỹ đi vào giao dịch hồi tháng 10 năm ngoái.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh, Bitcoin cắm xuống đáy

Những người mua bắt đáy – một lực lượng từng giữ vai trò trụ đỡ cho thị trường trong mỗi đợt giảm – chưa xuất hiện nhiều trở lại, cho dù giá Bitcoin đã giảm sâu. Và sau khi hàng tỷ USD trạng thái đầu tư Bitcoin sử dụng đòn bẩy nợ đã bị cuốn phăng trong đợt giảm chóng mặt của giá Bitcoin vào tháng trước, nhà đầu tư mới cũng chưa xuất hiện để lấp chỗ trống trên thị trường.

“Đòn bẩy nợ đã được sử dụng nhiều trong hệ thống Bitcoin hồi tháng 5 và trước tháng 11”, Giám đốc Jim Greco của công ty giao dịch tiền ảo Radkl phát biểu. “Có thể đã có nhiều nhà đầu tư bị mất trắng tiền và chưa có vốn mới để thay thế”.

Hoạt động giao dịch Bitcoin cũng giảm xuống mức thấp do nhà đầu tư không còn nhiều hưng phấn. Sau nhiều tháng trong xu hướng giảm, giá trị mua bán Bitcoin trên các sàn giao dịch trên toàn cầu đã tụt về mức 4,8 tỷ USD vào hôm 4/1, theo dữ liệu từ Kaiko. Cùng kỳ năm ngoái, mức giao dịch còn là 13,1 tỷ USD, và mức bình quân của 1 năm trở lại đây là 9,2 tỷ USD.

Giá trị giao dịch Bitcoin chưa khi nào vượt mức 10 tỷ USD kể từ hôm 4/12, thời điểm giá Bitcoin bất ngờ “bốc hơi” hơn 20% chỉ trong vòng vài phút – một ví dụ nữa về sự biến động chóng mặt của giá tiền ảo này thường xảy ra vào các dịp cuối tuần. Số trạng thái Bitcoin với tổng trị giá khoảng 2,4 tỷ USD, bao gồm cả đầu cơ giá lên và giá xuống, đã bị thanh lý trong cú giảm đó – theo dữ liệu từ Coinglass.com.

“Chúng tôi đã thấy một số quỹ đầu tư của Mỹ, các công ty tự doanh và quỹ đầu cơ cắt giảm rủi ro vào thời điểm cuối năm ngoái. Sang năm nay, khối lượng giao dịch vẫn còn tương đối thấp, trái ngược với những gì diễn ra vào đầu tháng trước. Có vẻ như các nhà đầu tư đang băn khoăn giữa tiếp tục dấn thân vào rủi ro hay lùi bước khỏi rủi ro”, bà Aya Kantorovich, trưởng bộ phận khách hàng tổ chức ở FalconX, cho hay.

Thị trường Bitcoin tương lai cho thấy một câu chuyện tương tự. Sau khi đạt mức cao kỷ lục 17,4 tỷ USD hồi cuối tháng 10, số hợp đồng mở trên thị trường Bitcoin tương lai thuộc sàn CME hiện chỉ còn 10,6 tỷ USD, tương đương giảm 39%.

Cơn sốt tháng 10 bắt nguồn từ sự hưng phấn của nhà đầu tư với việc quỹ ETF Bitcoin tương lai đầu tiên ở Mỹ ra mắt trong tháng đó. Ngay khi chào sàn, quỹ này đã trở thành một trong những quỹ ETF được giao dịch nhiều nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, sự hào hứng nhanh chóng nguội đi, sau khi quỹ ETF có tên ProShares Bitcoin Strategy này thu hút được hơn 1 tỷ USD chỉ trong vòng 2 ngày. Hiện tại, lượng tài sản được quỹ này quản lý đứng im ở mức 1,2 tỷ USD.

“Cuộc ra mắt thành công của ProShares Bitcoin Strategy ETF có liên hệ mật thiết với sự gia tăng của số hợp đồng mở về Bitcoin tương lai trên sàn CME. Lượng tài sản được quỹ ETF này quản lý đã tăng mạnh trong tuần đầu tiên”, chiến lược gia Sam Doctor của BitOoda nhận định. Nhưng trong tuần cuối cùng của tháng 12, số hợp đồng mở về Bitcoin tương lai ở CME đã giảm về mức trước khi ProShares Bitcoin Strategy ETF ra mắt, và lượng tài sản do quỹ này quản lý cũng không tăng nữa.

Trong bối cảnh như vậy, tăng trưởng của số địa chỉ Bitcoin còn hoạt động (active) – một thước đo về hoạt động giao dịch – cũng ngưng trệ. Số địa chỉ này gần dây là 971.000, giảm từ 1,2 triệu địa chỉ cách đây 1 năm – theo dữ liệu từ CoinMetrics.

Đối với bà Kantorovich, điều này có thể mở đường cho một cú giảm thanh khoản chóng vánh và rất mạnh trên thị trường Bitcoin, tương tự như cú giảm hồi tháng 12.

“Số địa chỉ còn hoạt động giảm xuống có thẻ đồng nghĩa với việc có thêm nhiều tài sản bị cất kín thay vì mang ra giao dịch. Bitcoin càng ít được giao dịch, mức độ biến động sẽ càng gia tăng vì mức thanh khoản giảm xuống”, bà Kantarovich nói. “Tôi cho rằng các bạn có thể sắp chứng kiến một cú sụt nhanh và sâu, khiến các trạng thái sử dụng đòn bẩy nợ bị đóng ồ ạt, tương tự như những gì chúng ta đã chứng kiến trong tháng trước”.