Theo Cơ quan quản lý quyền riêng tư của Ý, ChatGPT của OpenAI đang thu thập và lưu trữ thông tin không đúng cách, đe doạ đến dữ liệu người dùng. Bởi vậy cơ quan này đã ban hành lệnh cấm tạm thời với ứng dụng AI về ngôn ngữ này trước khi đưa ra các quy tắc AI mới để quản lý các ứng dụng tương tự trong tương lai.

Chính phủ Ý cấm ChatGPT do lo ngại bảo mật dữ liệu người dùng
Chính phủ Ý ban hành lệnh cấm tạm thời với ChatGPT.

Về phía OpenAi cũng đã ra thông báo chính thức về việc đã vô hiệu hóa Chat GPT ở Ý theo lệnh của Cơ quan quản lý. Công ty cho biết họ tin rằng, mình tuân thủ quy định về quyền riêng tư của châu Âu, nhấn mạnh sự cần thiết cho các quy định về AI, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan quản lý quyền riêng tư của Ý để sớm hoạt động trở lại Chat GPT ở nước này.

Mặc dù ChatGPT là công cụ phổ biến toàn cầu trong những tháng qua, lệnh cấm tạm thời của chính phủ Ý hoàn toàn có cơ sở sau khi họ đã mở một cuộc điều tra về OpenAI.

Công ty này đã được thông báo về các bước phải thực hiện để tuân thủ các quy tắc về quyền riêng tư của Liên minh châu Âu (EU) hoặc phải chịu phạt. Mức phạt tối đa theo Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU là 4% doanh thu toàn cầu hàng năm của một công ty hoặc tương đương với 21,8 triệu USD (sẽ chọn một trong hai tùy theo mức phạt nào cao hơn).

Theo các nhà chức trách, hiện không có hệ thống xác minh độ tuổi của người dùng và ngăn trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng chatbot, do đó trẻ em có thể phải đối mặt với “những phản hồi hoàn toàn không phù hợp với mức độ phát triển và khả năng tự nhận thức của chúng”.

Như vậy, OpenAI có thể sẽ phải bổ sung kiểm tra độ tuổi, cập nhật chính sách quyền riêng tư và yêu cầu người dùng cung cấp các thông tin cá nhân.

Chat GPT và những ứng dụng AI tương tử hiện đang khiến nhiều chính phủ phải thận trọng. Đơn cử, EU đang tiến gần đến giai đoạn cuối cùng để ban hàng một dự luật mới điều chỉnh việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trên toàn khối, được đề xuất lần lần đầu tiên vào năm 2021.

Dự luật có thể bao gồm các lệnh cấm đối với một số cách sử dụng nhận dạng khuôn mặt và có thể yêu cầu các nhà sản xuất công cụ như Chat GPT thực hiện đánh giá rủi ro và xác minh chất lượng dữ liệu họ sử dụng để đào tạo phần mềm của mình.

Vương quốc Anh vừa mới phát hành sách trắng đề xuất cách nước này có thể trao quyền cho các cơ quan quản lý giám sát sự phát triển của AI, tập trung vào các vấn đề như an toàn, minh bạch của công cụ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, tổ chức, trường học cũng đang có những động thái để hạn chế việc lạm dụng các ứng dụng AI. Ví như, JPMorgan Chase & Co. trong những tháng gần đây đã chặn quyền truy cập vào Chat GPT từ hệ thống mạng cục bộ của mình.

Hệ thống trường công lập của thành phố New York đã cấm chatbot khỏi mạng internet và thiết bị trường học từ đầu năm nay nhằm tránh nguy cơ gian lận và các vấn đề học tập khác.