Ai chịu trách nhiệm nếu cây đổ gây hư hỏng tài sản?

Vào chiều 20/9, tại số nhà 26 phố Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội), khi chiếc Mazda 3 dừng đỗ trú mưa tại đây thì bất ngờ một cây sấu to đổ đè ngang. Rất may khi cây đổ không có ai ở bên trong xe.

Cùng thời điểm, tại khu vực ngã tư Hoàng Ngân - Hoàng Đạo Thúy, thuộc phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một chiếc xe ô tô Mazda CX5 đã bị một cây muồng đổ, đè ngang thân xe đã khiến chiếc xe bị hư hỏng nặng.

t cây xanh trên đường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) đổ đè lên xe ôtô.
Cây xanh trên đường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) đổ đè lên xe ôtô vào chiều 20/9. Ảnh: Lao động

Liên quan câu chuyện cây xanh ngã đổ làm hư hỏng phương tiện, tài sản hoặc khiến người đi đường bị thương nhiều người thắc mắc ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân?

Cụ thể, tại các Điều 589, Điều 590, Điều 591 và Điều 604 bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) đã quy định: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.

Trong đó, Điều 604, bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Điều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."

Theo đó, nếu việc đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe.

Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí sửa chữa xe, chi phí điều trị cho người bị thương, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe này...

Trong đó, người bị thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường có thể thỏa thuận với nhau về việc bồi thường. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định tại Bộ Luật Dân sự.

Cần lưu ý, trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố do sự kiện bất khả kháng. Theo quy định tại khoản 2, điều 584, BLDS 2015: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Sự kiện bất khả kháng được quy định tại Điều 156, BLDS 2015, theo đó sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Nếu lường trước được mà để xảy ra thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Tính chất không lường trước được, tính chất không thể tránh được và không thể chống đỡ được phải được xem xét, đánh giá cụ thể trong từng trường hợp.

Do đó, nếu chủ sở hữu cây xanh muốn chứng minh sự cố bất khả kháng trong trường hợp này (do mưa bão) thì phải chứng minh được việc mình đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, như: kiểm tra, cắt tỉa nhánh cây rộng, hư hỏng, kiểm tra gốc rễ trước khi xảy ra mưa bão, nhưng sau đó vẫn xảy ra hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của bên thứ ba.

Xe có bảo hiểm vật chất (thân vỏ) được đền bù như thế nào khi bị cây đổ vào?

Theo Bảo hiểm Bảo Việt, khi cây đổ vào xe ô tô mà bị hư hỏng, thiệt hại cho xe ô tô thì sẽ được công ty bảo hiểm ô tô bồi thường nếu khách hàng đã mua gói bảo hiểm vật chất xe. Còn nếu bạn chỉ tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe thì khi phương tiện đó bị hư hỏng, thiệt hại sẽ không được công ty bảo hiểm ô tô bồi thường

Riêng đối với các trường hợp chủ xe mua thêm loại hình bảo hiểm thân vỏ, vật chất xe tự nguyện mà chẳng may gặp phải sự cố cháy nổ, đâm va thì công ty bảo hiểm sẽ cử giám định tới để giám định thiệt hại từ đó có phương án bồi thường đúng với số tiền mà khách hàng đã chi trả để sửa chữa.

Bảo hiểm vật chất và bảo hiểm thân vỏ khác nhau như thế nào?

Bảo hiểm vật chất và bảo hiểm thân vỏ là hai loại bảo hiểm xe được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp cũng như đông đảo người dùng sử dụng. Trong đó:

Bảo hiểm vật chất là loại bảo hiểm giúp người sở hữu xe có thể bảo đảm cho tài sản của mình là chiếc xe khỏi những tổn thất, khi gặp rủi ro hay sự cố khi sử dụng như xước, móp thân vỏ do va quệt; Hư hỏng thiết bị, động cơ do va chạm hoặc tai nạn tạn bất ngờ và nhiều rủi ro khác đối với vật chất toàn bộ xe.

Bảo hiểm thân vỏ là loại bảo hiểm chỉ dành riêng cho thân vỏ (khung và gầm).

Ví dụ, với bảo hiểm Bảo Việt quy định phạm vi bảo hiểm bao gồm:

Bảo hiểm thân vỏ bao gồm:

- Những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của Chủ xe, lái xe trong những trường hợp: Đâm va, lật, đổ, rơi; chìm; hoả hoạn, cháy, nổ; bị các vật thể khác rơi, va chạm vào;

- Những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên: Bão, lũ lụt, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, sóng thần;

- Mất cắp, mất cướp toàn bộ xe.

Bảo hiểm vật chất bao gồm:

- Đâm va, lật, đổ, lệch trọng tâm, chìm, rơi toàn bộ xe; bị các vật thể khác rơi, va chạm vào; hành vi phá hại của người khác;

- Hỏa hoạn, cháy, nổ;

- Tai nạn bất khả kháng do thiên nhiên gây ra;

- Mất toàn bộ xe do trộm, cướp.

Ngoài số tiền bồi thường, Bảo Việt còn bồi thường cho chủ xe những chi phí cần thiết và hợp lý theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo hiểm để thực hiện các công việc theo yêu cầu và chỉ dẫn của Bảo Việt khi xảy ra tổn thất (thuộc phạm vi bảo hiểm), bao gồm các chi phí:

- Chi phí ngăn ngừa hạn chế tổn thất phát sinh thêm;

- Chi phí cứu hộ và vận chuyển xe bị thiệt hại tới nơi sửa chữa gần nhất tối đa không vượt quá 10% số tiền bảo hiểm của xe đó.