Diễn tập phòng chống cháy nổ tại huyện Gia Lâm. Ảnh: VGP/Thành Nam
Diễn tập phòng chống cháy nổ tại huyện Gia Lâm. Ảnh: VGP/Thành Nam

Liên tiếp xảy ra các vụ cháy

Đêm 18/9/2021, tại một shop quần áo ở khu biệt thự thấp tầng cũng ở xã Ninh Hiệp đã bất ngờ xảy ra vụ cháy rồi lan rộng ra xung quanh. Sau khi nhận tin báo cháy, lực lượng chữa cháy đã điều động nhiều lượt xe cứu hỏa cùng các chiến sĩ đến hiện trường dập lửa.

Hơn 1h sáng 19/9 đám cháy mới cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, khói lớn vẫn âm ỉ bên trong. Lực lượng cảnh sát liên tục phun nước trong nhiều giờ để làm mát hiện trường, ngăn lửa bùng cháy lại. Ước tính sơ bộ có 4 căn hộ liền kề đều của shop quần áo cùng nhiều hàng hóa bị lửa thiêu rụi. Thiệt hại ban đầu ước tính nhiều tỷ đồng.

Ngày 30/12/2021, Công an huyện Gia Lâm nhận được tin báo của Trung tâm thông tin 114 - Công an TP. Hà Nội xảy ra cháy tại quán ăn gà Mạnh tại thôn 6, xã Ninh Hiệp. Sau đó, đám cháy lan rộng ra nhiều lán trại, kho vải rộng gần một nghìn mét vuông. Lực lượng chức năng đã phải điều động nhiều xe chữa cháy cùng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham gia dập lửa, cứu nạn, cứu hộ. Rất may vụ cháy không gây thương vong về người.

Tiếp đến, rạng sáng 31/12, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngôi nhà kết hợp kho chứa đồ điện nước trong khu đô thị Cầu Diễn (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Nhận được tin báo cháy, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận Bắc Từ Liêm đã điều động nhiều xe cứu hỏa cùng cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Thời điểm xảy ra hỏa hoạn, trong nhà có 2 người đang mắc kẹt được đưa ra ngoài an toàn…

Ngoài ra, một số vụ cháy liên quan đến chập điện, cháy nổ khác... dẫn tới hỏa hoạn đã dấy lên mối lo ngại về ý thức của người dân trong công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán 2022 đang đến gần.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân

Trước tình hình đó, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đã tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp công tác bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong dịp Tết Nguyên đán 2022 nhằm ngăn chặn cháy lớn, thiệt hại nghiêm trọng đảm bảo giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.

Theo đó, chợ, trung tâm thương mại là nơi tập trung khối lượng hàng hóa lớn, mật độ người mua hàng thời điểm cận Tết Nguyên đán tăng cao, nếu để xảy ra cháy nổ sẽ gây thiệt hại không nhỏ, lực lượng chức năng quận Ba Đình đã tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của chủ cơ sở, người kinh doanh và quần chúng nhân dân.

Tại chợ đầu mối Long Biên, quận Long Biên đã quán triệt Ban Quản lý chợ đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, thường xuyên củng cố các phương án PCCC tại chỗ và chủ động phối hợp với công an quận làm tốt công tác phòng ngừa, bảo đảm an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, hộ kinh doanh trong chợ tăng cường bảo đảm an toàn và trang bị bình chữa cháy tại các ki ốt…

Công an quận Hoàn Kiếm đã phát động cao điểm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy mùa hanh khô và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, toàn bộ các đội nghiệp vụ, công an các phường tăng cường kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền huấn luyện nghiệp vụ, xử lý vi phạm hành chính, tổ chức phát tờ rơi, ký cam kết bảo đảm an toàn đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao.

Trung tá Phạm Thế Vĩnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, để tránh xảy ra những vụ hỏa hoạn làm chết người thương tâm, việc thứ nhất cần làm đó là người dân phải tự nâng cao ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy, kèm với đó là những kiến thức cơ bản về việc sử dụng và đảm bảo an toàn các thiết bị gas. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy cho các hộ dân. Theo ông Vĩnh, tại Hà Nội việc tuyên truyền rất sâu sát, tới từng hộ dân ở cơ sở, tuy nhiên người dân vẫn còn khá chủ quan và ý thức vẫn chưa cao.

Đồng thời, ở các hộ gia đình sản xuất kinh doanh và đặc biệt là ở các gia đình kiểu chuồng cọp, phải có lối thoát thứ 2, vì khi xảy ra cháy nổ, có thể hàng hóa của chính gia đình sẽ là vật cản tại lối thoát duy nhất dẫn tới hậu quả thương tâm, khó lường.

Đặc biệt cần phát huy tốt 4 tại chỗ gồm: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Cuối năm là cao điểm của các hoạt động, chỉ cần lơ là một chút là hỏa hoạn và cháy nổ sẽ xảy ra. Do vậy, bên cạnh các biện pháp đã triển khai thì người dân cũng cần nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm thực hiện tốt công tác PCCC theo phương châm phòng cháy hơn chữa cháy. PCCC không phải là việc của riêng ai, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, bởi an toàn PCCC liên quan mật thiết đến tính mạng, tài sản của tất cả mọi người.