Chiều 9/11, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức cuộc họp cùng các sở, ngành, quận, huyện, đại diện doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn thành phố về việc chuẩn bị hàng hóa Tết Quý Mão 2023.

Theo ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, để đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Sở đã xây dựng và trình Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quyết định về Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2022, Tết Nguyên đán năm 2023.

Đến nay, có 17 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn với tổng giá trị hàng hóa dự trữ là hơn 2.236 tỷ đồng, phục vụ trong giai đoạn từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023; trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị cho 3 tháng cuối năm 2022 là 998 tỷ đồng còn 3 tháng đầu năm 2023 là 1.237 tỷ đồng.

Các mặt hàng dự trữ chủ yếu gồm nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước uống, giải khát, sản phẩm phục vụ nhà bếp... với 16 doanh nghiệp đăng ký. Bên cạnh đó, có 2 doanh nghiệp đăng ký dự trữ khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh và quần áo may mặc với giá trị hơn 1,3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Duy Thanh - Trưởng Bộ phận thực phẩm tiêu thụ mạnh của Siêu thị GO! Cần Thơ - cho biết dự kiến lượng khách đến mua sắm tại siêu thị dịp Tết Quý Mão sẽ tăng 20-30% so với năm 2022. Siêu thị đã cam kết với các nhà cung cấp để dự trữ đầy đủ hàng hóa để phục vụ người dân với giá trị từ 50-70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, GO! Cần Thơ cũng đảm bảo giá cả cạnh tranh, bình ổn thị trường, không tăng giá trong dịp Tết.

Mặc dù trước đó, một số nhà cung cấp đã nâng giá bán một số mặt hàng nhưng phía siêu thị đã tổ chức trữ hàng trước đó để luôn luôn đảm bảo có giá bình ổn cho người tiêu dùng.

Một số mặt hàng được siêu thị tập trung trong dịp Tết như các sản phẩm bánh, mứt, kẹo, trà, đặc biệt là các giỏ quà Tết... để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cũng như biếu tặng của khách hàng - ông Thanh chia sẻ.

Cần Thơ: Dự trữ hàng hóa Tết Quý Mão đạt gần 2.240 tỷ đồng
17 doanh nghiệp đăng ký tham gia bình ổn với tổng giá trị hàng hóa dự trữ là hơn 2.236 tỷ đồng

Đại diện LotteMart Cần Thơ cho biết đã chuẩn bị khoảng 120 tỷ hàng hóa cho dịp Tết Quý Mão 2023, tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Các mặt hàng siêu thị cam kết bình ổn gồm nhóm hàng lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, sản phẩm nhà bếp… với giá trị khoảng 38 tỷ đồng.

Trong mùa Tết năm nay, đại diện LotteMart cam kết đảm bảo sẽ có đủ hàng hóa, niêm yết đúng giá cũng như đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng để khách hàng yên tâm mua sắm.

Đối với mặt hàng gạo, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết mặc dù thị trường thế giới có nhiều biến động nhưng hệ thống cửa hàng bán lẻ của công ty cam kết giữ nguyên giá các loại gạo ăn như từ đầu năm; đồng thời, trong kho của Trung An vẫn còn vài chục nghìn tấn, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của thành phố.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cho biết qua báo cáo của các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi cũng như các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cho thấy hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết dồi dào, đa dạng, đảm bảo đủ số lượng, giá cả bình ổn. Một số siêu thị lớn, giá cả một số mặt hàng có thể giảm 15-20% so với năm ngoái.

Thành phố mong muốn doanh nghiệp tiếp tục tham gia chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn giá theo kế hoạch đã được Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành; trong đó, quan tâm thêm về sản lượng cũng như mở thêm cửa hàng, điểm bán hàng bình ổn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm trong dịp Tết.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cũng đề nghị Sở Công Thương tiếp tục theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những đơn vị hiện nay đang mở rộng thị trường để mở điểm bán hàng mới ngay trong dịp Tết; đồng thời thực hiện tốt việc điều hòa, quản lý giá cả, chất lượng, sản lượng hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết.

Qua làm việc, nhiều siêu thị sẵn sàng tiêu thụ các mặt hàng nông sản, trái cây của Cần Thơ, miễn là đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng cũng như cam kết sản lượng. Do đó, ông Nguyễn Văn Hồng đề nghị Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban Nhân dân các quận, huyện để kết nối đưa mặt hàng nông sản của nông dân địa phương vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị trên địa bàn.