Chưa có sandbox đúng nghĩa

Tại hội thảo công bố báo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021- sáng kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 29/3, bên cạnh chủ đề chất lượng của thông tư, công văn, các đại biểu đã tập trung thảo luận sâu về nội dung không gian thử nghiệm pháp lý sandbox.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, cho đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một sandbox theo đúng nghĩa. Điều này gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đang chậm hơn so với thế giới và cả Đông Nam Á trong nhiệm vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trên thế giới, 73 Sandbox đã được thông báo thiết lập trong lĩnh vực Fintech tính đến tháng 8/2020. Trong khu vực Đông Nam Á, 6 nước đã thiết lập sandbox gồm: Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Brunei và Philippines.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 đề cập đến một số thách thức, quan ngại trong việc xây dựng một cơ chế thử nghiệm cũng như mong muốn, kỳ vọng từ cộng đồng doanh nghiệp với cơ chế này.

Các cơ chế thí điểm đã bước đầu có cách tiếp cận tương tự như một sandbox, Tuy vậy, cơ chế thí điểm vẫn có những điểm hạn chế lớn. Các hạn chế này đã cản trở cơ chế thí điểm trở thành một Sandbox, và do đó khó có khả năng nhân rộng đáp ứng mục tiêu hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế sandbox theo đúng nghĩa là rất cần thiết.

"Cần thấy rằng, các sản phẩm, dịch vụ mới ứng dụng công nghệ không phải lúc nào cũng vi phạm các quy định pháp luật, hay bị cấm bởi pháp luật. Đôi khi chỉ là do tính mới nên luật pháp chưa có quy định phù hợp nhằm định dạng sản phẩm, dịch vụ đó. Điều mà doanh nghiệp cần trong trường hợp này là một đầu mối hỗ trợ, cung cấp những giải đáp về pháp lý chính thức cho doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng triển khai hoạt động, yên tâm kinh doanh và thuận lợi trong việc gọi vốn", ông Tuấn nói.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Đến từ khu vực công, bà Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý của Bộ Tư pháp cho biết: Thời gian gần đây, việc ứng xử với vấn đề công nghệ mới dường như rơi vào tình trạng "nói nhiều nhưng làm không được bao nhiêu".

Trong đó, vấn đề tiền ảo là một ví dụ điển hình. Trong chương trình Chính phủ số ban hành năm 2021, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu các vấn đề về tiền ảo. Nhưng thực ra từ năm 2017, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý xử lý các vấn đề phát sinh với tài sản ảo và tiền ảo. Trong đó giao NHNN, Bộ Tài chính, Bộ KHĐT thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Nhưng đến nay chưa có chính sách nào được ban hành.

Việc chưa ban hành sandbox đúng nghĩa gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo bà Hoa, sandbox là không gian thử nghiệm, là nơi để cho DN thử sản phẩm mới nhưng cũng là nơi để cơ quan quản lý học để hiểu rõ về nó. Cơ quan Nhà nước phải đồng hành cùng DN trong quá trình DN thử nghiệm. Và trong thời gian thử nghiệm, cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải hiểu rõ về nó, để sau đó ban hành văn bản điều chỉnh sandbox.

"Tôi rất mong nội dung về sandbox trong báo cáo của VCCI được truyền thông mạnh mẽ để cơ quan quản lý Nhà nước thay đổi cách tiếp cận và Việt Nam có một sandbox đúng nghĩa, một thị trường sử dụng dịch vụ blockchain hay thị trường fintech đúng nghĩa. Hiện mới có đề án gần giống với sandbox chứ chưa hẳn là sandbox, còn trong fintech chưa có sandbox", bà Hoa nêu.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho biết, trong bối cảnh thực tế của Việt Nam, việc tạo sandbox hiện nay là bảo vệ cơ quan Nhà nước khi làm Nghị định. Một số DN Nhà nước muốn làm nhưng không làm được với cơ chế hiện nay, nên chúng ta cần sandbox để bảo vệ những đối tượng này, chứ không phải là bảo vệ DN. Bởi vì trong môi trường số, DN không cần làm ở Việt Nam.

"Việt Nam cũng cần sandbox để bảo vệ lợi ích của người dùng. Trong lĩnh vực fintech đã xảy ra rất nhiều vụ lừa đảo, rất nhiều ứng dụng lừa đảo và người dùng phải chịu thiệt. Nhìn một cách xa hơn nữa, làm sandbox để bảo vệ các DN công nghệ số ở Việt Nam", ông Đồng chia sẻ.

Ông Đồng kiến nghị, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chọn lĩnh vực ưu tiên với hướng bảo vệ các DN Nhà nước và DN tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Trong đó, quan trọng nhất là cơ chế khai thác dữ liệu bởi vì dữ liệu đặc biệt quan trọng, liên quan đến ứng dụng để khai thác nhiều hơn.

Băn khoăn về cách thức tiếp cận

Góp ý về vấn đề xây dựng sandbox, tuy nhiên với góc nhìn khác, chuyên gia kinh tế TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, đặt câu hỏi: "Việt Nam có thực sự cần nhiều sandbox hay không?".

Theo ông Bình, nhu cầu cần có nhiều sandbox ở góc độ nào đó đang một phần thể hiện sự hạn chế, yếu kém của pháp luật Việt Nam, chưa khuyến khích, bảo vệ được hoạt động sáng tạo và đổi mới công nghệ.

Do hệ thống pháp luật còn bất cập nên chưa cho phép chúng ta làm những việc tưởng như bình thường trong một nền kinh tế thị trường đầy đủ. Những chính sách về sandbox do chất lượng quy định pháp luật nên chính sách về thí điểm sandbox trong thời gian vừa qua đã thực sự hiệu quả hay không?

Cách tiếp cận đối với sandbox có lẽ không cần nhất thiết phải đi tìm những biện pháp để đưa ra những quyết định, đề án mới về thử nghiệm sandbox.

“Những hạn chế này bắt buộc chúng ta phải đưa ra biện pháp để thí điểm. Nếu chúng ta có một hệ thống pháp luật tốt, có thể bảo vệ được quyền kinh doanh, quyền tự do sáng tạo, quyền tự do làm những điều pháp luật không cấm thì sẽ không cần nhiều cơ chế thí điểm”, ông Lê Duy Bình nhìn nhận.

Chính sách sandbox nên tiếp cận theo cách thức nào chứ không phải khuyến khích có một loạt chính sách sandbox. Ở đâu cũng có sandbox, trở thành trào lưu, cái gì cũng thử nghiệm. Trong khi cốt lõi của vấn đề là tạo ra nền tảng để khuyến khích DN có thể mạnh dạn sáng tạo đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường, và được pháp luật bảo vệ ở mức cao nhất.

"Cách tiếp cận sandbox là hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, giúp cho các doanh nghiệp cũng như chủ sở hữu của doanh nghiệp mới tự tin sáng tạo mà vẫn phù hợp với quy định của pháp luật cho phép", ông Bình khẳng định.