Các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi từ hôm nay 6/3
Các ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi từ hôm nay 6/3. Ảnh minh họa

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 6/3/2023, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/02/2023 đối với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.

"Việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các ngân hàng thương mại giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên", Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Cụ thể: Vietcombank giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng 0,2%/năm so với mức lãi trước đó. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 6 - 9 tháng ở mức 5,8%/năm, 12 tháng ở mức 7,4%/năm, từ 24 tháng trở lên xuống còn 7,2%/năm…

Cùng nhóm Big4 với Vietcombank gồm Agribank, BIDV, VietinBank và giảm lãi suất huy động thêm 0,2%/năm so với mức hiện hành ở các kỳ hạn từ 6-12 tháng. Hiện 4 ngân hàng này niêm yết kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng là 6%, từ 12 đến 36 tháng là 7,4%.

Theo NHNN, báo cáo của các ngân hàng thương mại, trong tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm; đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Một số ngân hàng cổ phần cũng công bố giảm lãi huy động từ đầu ngày 6/3. Như Sacombank giảm lãi huy động ở kỳ hạn 6 tháng còn 7,5%/năm, 12 tháng còn 7,9%/năm và mức cao nhất là 8,4%/năm thuộc kỳ hạn 36 tháng. Đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, nhà băng này đang huy động từ 5,5 - 6%/năm…

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB), từ ngày 5-3 lãi suất các kỳ hạn 6 và 9 tháng giảm từ 8,3%/năm xuống 7,8%/năm, 12 tháng từ 8,6%/năm xuống 8,1%/năm. Lãi suất cao nhất tại MSB giảm tương ứng, xuống còn 9%/năm dành cho sản phẩm lãi suất đặc biệt kỳ hạn 15 và 24 tháng, gửi tối đa 5 tỉ đồng/khách hàng.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (Bac A Bank) cũng điều chỉnh lãi suất với bước giảm từ 0,3-0,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng tại Bac A Bank giảm 0,5%/năm còn 8,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng có bước giảm tương đương còn 8,7%/năm. Lãi suất cao nhất rời từ mức 9,5%/năm xuống còn 9,2%/năm dành cho khoản tiền gửi trên 1 tỉ đồng kỳ hạn từ 13 tháng.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng (PVcomBank) cũng giảm mạnh lãi suất các kỳ hạn. Đặc biệt, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động online từ 9,2% giảm về 8,4%/năm.

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) cũng đã giảm đồng loạt từ 0,4%-0,5%/năm lãi suất các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên so với trước đó từ ngày 4/3. Hiện lãi suất cao nhất của các ngân hàng này là 9,3%.

Tại LienVietPostBank, với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng thông thường gửi tại quầy, mức lãi suất điều chỉnh giảm từ 8,5% xuống còn 8%; với các kỳ hạn trên 13% giảm còn 8,5%; kỳ hạn 6 tháng còn 7,6% thay vì 8,1% như trước.

Theo các chuyên gia của VNDirect, việc FED có thể đạt đỉnh lãi suất trong quý 2; NHNN chủ động hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản qua nghiệp vụ thị trường mở hoặc mua ngoại tệ và nhu cầu tín dụng đang bị chậm lại sẽ là những nguyên nhân quan trọng để lãi suất huy động giảm.

"Chúng tôi kỳ vọng xu hướng lãi suất tăng sẽ tiệm cận điểm đảo chiều từ quý 2 nhờ lãi suất huy động hạ nhiệt", các chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, kinh tế trưởng của VinaCapital, ông Michael Kokalari, tin rằng nếu lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-12 tháng giảm khoảng 2% xuống còn khoảng 6%, cùng đó là sự mất giá 1-2% giá trị tiền đồng thì sẽ thúc dòng tiền gửi tiết kiệm chạy sang cổ phiếu và bất động sản.

Tuy nhiên, ông Michael Kokalari cho biết, khi tăng trưởng tín dụng đang cao hơn tăng trưởng tiền gửi 3% liên tục trong 3 năm qua khiến tỷ lệ cho vay trên tiền gửi (LDR) toàn hệ thống Việt Nam đã gần 100% cuối năm qua thì lượng tiền gửi cũng khó giảm nhiều trong năm nay.

Năm 2023, VinaCapital kỳ vọng, GDP danh nghĩa (bao gồm cả lạm phát) sẽ tăng khoảng 10%, từ đó có thể hút khoảng 40 tỷ đô la Mỹ tiền gửi vào hệ thống ngân hàng.

TS. Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện đang có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho giảm lãi suất. Với mặt bằng lãi suất cho vay cao 12%-14%/năm như hiện nay, rất ít doanh nghiệp sẵn sàng vay mới để đầu tư, sản xuất - kinh doanh, chủ yếu là các doanh nghiệp vay để giải quyết bài toán thanh khoản.

Dù lãi suất huy động giảm song theo chuyên gia này, lãi suất cho vay cần độ trễ để giảm. Dự kiến phải từ cuối quý II, đầu quý III/2023, làn sóng hạ nhiệt lãi suất mới diễn ra rộng, sâu hơn. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để kéo mặt bằng lãi suất cho vay về quanh khoảng 10%/năm mới hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn tác động cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế.

Ngoài ra, mức điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ có sự phân hóa giữa các ngâ thương mại. Trong đó, làn sóng giảm mạnh lãi vay có thể diễn ra nhiều ở những ngân hàng thương mại lớn vì room tín dụng nhiều và chi phí huy động vốn đầu vào thấp hơn. Còn các ngân hàng thương mại nhỏ, vốn đã huy động tiền gửi với mức lãi suất quanh 10%/năm cho các kỳ hạn dài thời gian qua nên cần độ trễ trong vài tháng tới nếu muốn giảm mạnh lãi suất.