Cà phê đá của Việt Nam nằm trong danh sách những món ăn, đồ uống ngon trong khu vực và thế giới theo chuyên trang ẩm thực Taste Atlas. Vị cà phê Việt đang chiếm trọn niềm tin của du khách nước ngoài chỉ sau 1 lần uống thử.

Khác với những loại cà phê khác được pha máy, cà phê của Việt Nam được pha bằng phin từ những hạt cafe robusta hảo hạng xay mịn. Cà phê chảy từ từ qua phin, tạo ra những giọt tinh tuý nhất.

Có 2 cách để thưởng thức. Một là uống cafe đen đá trực tiếp và hai là pha với sữa đặc, món này được gọi là cà phê sữa đá. Sau đó khuấy đều lên, vị ngọt của sữa quyện với vị đắng của cafe, rất tuyệt vời.

Trước đó, trang The Travel, một tạp chí chuyên về du lịch, đã xếp Việt Nam vào top 10 quốc gia có văn hóa thưởng thức cà phê độc đáo nhất thế giới.

Từ những hàng quán sang trọng đến những góc phố với vài chiếc ghế nhỏ được xếp ngẫu hứng cho thực khách vừa ngồi vừa làm bàn để đôi ba ly cà phê, người dân Việt Nam vẫn có thể ngồi nhâm nhi ly cà phê với bạn bè, tán gẫu với người quen và kể cả những người không quen biết.

Cà phê đá Việt Nam ngon thứ 2 thế giới
Cà phê đá Việt Nam ngon thứ 2 thế giới.

Ở Việt Nam, cà phê không chỉ đơn thuần là một loại thức uống, mà đó còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Vị trí số 1 trong danh sách là ristretto của Ý. Món cà phê này khác với cà phê espresso tiêu chuẩn không chỉ ở lượng nước được sử dụng để pha chế (chỉ bằng một nửa) mà còn ở hương vị, ít đắng hơn cà phê espresso thông thường.

Khi được pha chế trong máy pha cà phê espresso, lượng cà phê xay mịn được chiết xuất bằng một nửa lượng nước được sử dụng cho cà phê espresso cổ điển. Kết quả là tạo ra một loại đồ uống đậm đặc hơn với sự cân bằng các hợp chất khác với cà phê espresso tiêu chuẩn.

Tiếp theo là cappuccino, loại cà phê Ý được pha bằng cà phê espresso và sữa tạo bọt. Nhiều người tin rằng, món này được phát triển từ kapuziner - loại đồ uống làm từ cà phê phổ biến trong các quán cà phê của Áo vào thế kỷ 18. Lần đầu tiên từ cappuccino được đề cập đến ở Ý vào những năm 1930.

Macchiato góp mặt trong danh sách với vị trí thứ năm. Món uống cũng của người Ý này được thưởng thức vào buổi chiều, trong khi cà phê cappuccino chủ yếu được uống vào buổi sáng.

Theo Bộ Công thương, Việt Nam xuất khẩu cả cà phê robusta, arabica và cà phê chế biến sang thị trường Ý. Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta năm 2022 đạt 135.610 tấn, trị giá 278 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng gần 29% về trị giá so với năm 2021. Đặc biệt cà phê arabica đạt 3.330 tấn, trị giá 14 triệu USD, tăng 110% về lượng và tăng 228% về trị giá. Ngược lại, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang Ý giảm 12% so với năm 2021, đạt 3,37 triệu USD.

Ý nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong năm 2022 tăng khoảng 16% về lượng và 80% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Ý tăng hơn 1% lên mức 21,36%.

Trong tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Ý tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể đạt 17.270 tấn, trị giá gần 36 triệu USD, tăng 79% về lượng và tăng 81,5% về trị giá so với tháng 12.2022; nếu so với tháng cùng kỳ năm 2022 tăng 30,5% về lượng và tăng 27% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Ý đạt mức 2.067 USD/tấn, tăng 1,4% so với tháng 12/2022.