Từng được xem là mỏ vàng tỷ USD của thương mại điện tử, ngành livestream bán hàng giờ đây đang phải đối mặt với làn sóng khủng hoảng niềm tin và hiệu quả.
Ngành livestream bán hàng từng được xem là mỏ vàng tỷ USD của thương mại điện tử Trung Quốc, giờ đây đang phải đối mặt với làn sóng khủng hoảng niềm tin và hiệu quả. Những hình ảnh hào nhoáng trên sóng trực tuyến dường như không còn phản ánh thực tế đằng sau hậu trường – nơi mà nhiều streamer "nói khô cả cổ" nhưng vẫn không bán nổi một sản phẩm.
Gần đây, việc nhiều tên tuổi lớn như Dong Yuhui – giáo viên tiếng Anh từng nổi tiếng nhờ livestream – rút lui khỏi lĩnh vực, càng khiến giới quan sát đặt dấu hỏi lớn về tương lai của ngành. Một số người như Crazy Little Brother Yang đã chuyển hướng sang điều hành doanh nghiệp và mở rộng sang các mảng như du lịch, đào tạo. Những người khác như Lý Giai Kỳ quay lại lĩnh vực giải trí truyền thống.
Trên thực tế, khi thị trường livestream trở nên bão hòa và người tiêu dùng ngày càng cảnh giác hơn, nhiều doanh nghiệp và streamer chuyển sang mô hình đào tạo. Các khóa học dạy livestream mọc lên như nấm sau mưa, hứa hẹn “đổi đời” chỉ sau vài ngày học. Tuy nhiên, theo điều tra của tờ Worker’s Daily, nhiều lớp học thực chất chỉ là công cụ thu phí, giảng dạy sơ sài, thiếu thực hành và hiệu quả thực tế gần như bằng không. Không ít học viên sau khóa học vài nghìn nhân dân tệ vẫn không thể thu hút người xem hay tạo doanh thu.
Không chỉ những streamer nhỏ lẻ bị ảnh hưởng. Theo công ty tư vấn iiMedia Research, thu nhập trung bình của các streamer ở các thành phố lớn như Thượng Hải hay Hàng Châu đã giảm khoảng 30% từ năm 2022 đến 2023. Người tiêu dùng trở nên dè dặt, việc “xuống tiền” giờ không còn dễ dàng như trước.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, các nền tảng livestream cũng phải cắt giảm nhân sự. Chính phủ Trung Quốc, lo ngại tình trạng lạm phát nội dung và tác động xã hội, đã bắt đầu siết chặt quản lý ngành công nghiệp phát trực tiếp.
Bởi những lý do đó, ngành từng được xem là hình thức thương mại đột phá, livestream bán hàng tại Trung Quốc giờ đang đối mặt với giai đoạn chuyển mình khó khăn. Khi các tên tuổi lớn rút lui, các lớp đào tạo chất lượng kém bùng phát, còn người xem ngày càng khó tính, ngành công nghiệp này đứng trước nguy cơ từ bong bóng trở thành… "ảo vọng".
Đáng nói, ngành livestream bán hàng tại Trung Quốc vốn từng là hình mẫu và nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Gần đây, vụ bê bối liên quan đến các KOL mạng như Hằng Du mục, Quang Linh Vlogs,... chính là tiếng chuông cảnh tỉnh cho dư luận về hoạt động livestream tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, trong vài năm qua, livestream bán hàng bùng nổ trên các nền tảng như Facebook, TikTok và Shopee Live. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp nhỏ đã nhanh chóng tận dụng hình thức này để tiếp cận người tiêu dùng, nhờ chi phí thấp, tương tác cao và mang tính cá nhân hóa.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chóng mặt là tình trạng cạnh tranh khốc liệt, nội dung nhàm chán, thông tin sai lệch và sự bão hòa của thị trường. Hàng nghìn livestream mỗi ngày nhưng không phải ai cũng bán được hàng – tình trạng “nói khản cổ, không bán nổi sản phẩm” cũng không còn xa lạ ở Việt Nam.
Đặc biệt, việc các khóa học “dạy làm giàu nhờ livestream” xuất hiện tràn lan – từ online đến offline – có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc. Một số lớp học được quảng bá quá mức, hứa hẹn thu nhập khủng sau vài buổi huấn luyện, nhưng lại thiếu nội dung thực tế, không phù hợp với bối cảnh và năng lực học viên. Nếu không được kiểm soát chặt chẽ, đây có thể trở thành “lò lừa đảo” đúng nghĩa, như đã xảy ra ở thị trường tỷ dân.
Bài học từ Trung Quốc cho thấy: Livestream không còn là “chiếc đũa thần” để ai cũng có thể làm giàu. Người bán cần có chiến lược nội dung bài bản, sản phẩm chất lượng và kỹ năng tương tác thực sự. Đồng thời, cần sự điều tiết từ cơ quan quản lý để ngăn chặn các mô hình đào tạo trá hình, tạo môi trường minh bạch, lành mạnh cho thương mại số.
Trong bối cảnh kinh tế đang chịu nhiều áp lực, nếu không thay đổi kịp thời, ngành livestream tại Việt Nam hoàn toàn có thể rơi vào vết xe đổ như Trung Quốc – nơi một thị trường từng trị giá hàng trăm tỷ USD giờ đang phải vật lộn để duy trì lòng tin người tiêu dùng.
Việt Nam đang hướng tới điều chỉnh, củng cố hệ thống pháp lý, minh bạch hóa thông tin và chuẩn hóa hành vi của người livestream.
Hiện nay hoạt động livestream tồn tại rất nhiều bất cập. Dù các cá nhân bán hàng qua mạng đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế và công bố thông tin hàng hóa theo quy định, nhưng việc giám sát, xử lý vi phạm còn lỏng lẻo.
Nhiều buổi livestream giới thiệu hàng kém chất lượng, không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc, thậm chí vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn ngang nhiên tồn tại. Một số cá nhân lợi dụng kẽ hở để “trốn thuế” bằng hình thức giao dịch ngoài nền tảng.
Vì vậy, các cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung pháp lý riêng cho thương mại qua livestream, bao gồm đăng ký kinh doanh, kiểm soát nội dung, xử lý quảng cáo sai sự thật và nghĩa vụ thuế.
Đáng chú ý, về minh bạch thông tin, người livestream cần có trách nhiệm công bố rõ ràng các thông tin liên quan đến sản phẩm như: nguồn gốc, giá cả, chính sách đổi trả, bảo hành...
Việc này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn xây dựng lòng tin lâu dài với khách hàng. Đồng thời, các nền tảng cũng cần có cơ chế xác minh danh tính người bán, đánh giá chất lượng nội dung và cảnh báo sớm các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo.
Đặc biệt, về chuẩn mực giao tiếp, một bộ phận streamer hiện nay có hành vi phản cảm, dùng lời lẽ thiếu kiểm soát, thậm chí xúc phạm người xem hoặc đối thủ nhằm thu hút tương tác. Đây là hành vi cần lên án, bởi livestream không chỉ là hoạt động thương mại mà còn là nội dung công khai trên môi trường mạng.
Streamer, đặc biệt là những người có sức ảnh hưởng, cần có đạo đức nghề nghiệp, ngôn từ lịch sự, tôn trọng người xem và tuân thủ các giá trị văn hóa Việt Nam.
Hiện, đã có bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, cụ thể là Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nhưng trong thời gian tới, cơ quan chức năng có thể cân nhắc ban hành bộ quy tắc ứng xử riêng dành cho ngành livestream, kết hợp với tuyên truyền giáo dục từ sớm để định hướng nghề nghiệp lành mạnh cho giới trẻ.
Tóm lại, livestream là cơ hội lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ khi có khung pháp lý vững chắc, thông tin minh bạch và hành vi chuẩn mực, ngành này mới có thể phát triển bền vững, tạo ra giá trị thật cho cả người bán và người mua.
Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 quy định:
Điều 3. Quy tắc ứng xử chung (áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng)
1. Quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật: Tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
2. Quy tắc Lành mạnh: Hành vi, ứng xử trên mạng xã hội phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
3. Quy tắc An toàn, bảo mật thông tin: Tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin.
4. Quy tắc Trách nhiệm: Chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.
Điều 4. Quy tắc ứng xử cho tổ chức, cá nhân
1. Tìm hiểu và tuân thủ các điều khoản hướng dẫn sử dụng của nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trước khi đăng ký, tham gia mạng xã hội.
2. Nên sử dụng họ, tên thật cá nhân, tên hiệu thật của tổ chức, cơ quan và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên lạc khi tham gia, sử dụng mạng xã hội.
3. Thực hiện biện pháp tự quản lý, bảo mật tài khoản mạng xã hội và nhanh chóng thông báo tới các cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ khi tài khoản tổ chức, cá nhân bị mất quyền kiểm soát, bị giả mạo, lợi dụng và sử dụng vào mục đích không lành mạnh, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
4. Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy.
5. Có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo.
6. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mĩ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
7. Khuyến khích sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt.
8. Vận động người thân trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.
© thitruongbiz.vn