Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về "Thực trạng, thách thức và giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 23/11, tại Hà Nội.

Tại Hội thảo, Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm – đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã chia sẻ một số khuyến cáo đối với những sản phẩm thuốc lá mới.

Các nhóm sản phẩm thuốc lá mới hiện nay như thuốc lá điện tử có nicotine; Thuốc lá nung nóng; Nhóm sản phẩm hỗn hợp. Theo ông Lâm, thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống, thuốc nung nóng cũng chứa nhiều chất độc giống như khói thuốc lá.

Điều đáng lo ngại là hiện nay, nhiều người đang có một số hiểu lầm về tác hại trong thuốc lá điện tử ENDS.

“Gần đây có thông tin đưa ra con số thuốc lá điện tử giảm hại 95% chỉ là do một nhóm các chuyên gia tự phong đưa ra, mà không có bằng chứng đáng tin cậy nào. WHO trong tuyên bố ngày 27/7/2020 nêu rõ việc giảm phơi nhiễm một số hóa chất trong khói thuốc lá nung nóng (HTPs) so với thuốc lá không đồng nghĩa giảm nguy cơ sức khỏe với con người. Mặt khác, một số chất độc trong khói HTPs còn cao hơn so với trong khói thuốc thông thường và còn có một số hóa chất mới không có trong khói thuốc thông thường", Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm cho biết.

Theo Khuyến cáo của WHO, việc giảm phơi nhiễm một số hóa chất trong khói HTPs so với thuốc lá không đồng nghĩa giảm nguy cơ sức khỏe với con người. Mặt khác, một số chất độc trong khói HTPs còn cao hơn so với trong khói thuốc thông thường, và còn có một số hóa chất mới không có trong khói thuốc thông thường.

Thực tế, có nhiều tác hại cấp tính: Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử. Thuốc lá điện tử gây tổn thương nhu mô phổi, liên quan đến các ca viêm phổi tăng bạch cầu ái toan cấp tính.

Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây chấn thương nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ bắt đầu hút thuốc lá truyền thống và sử dụng đồng thời. Hơn nữa, nguy cơ sử dụng ma túy đối với người sử dụng thuốc lá điện tử cũng hiện hữu.

Một số loại thuốc lá thế hệ mới. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một số loại thuốc lá thế hệ mới. Ảnh: AFP

Tại hội thảo, bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, tại điều tra mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2020 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam giảm chậm và còn cao. Việt Nam vẫn nằm trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường.

Cũng theo bà Trần Thị Trang, thuốc lá mới (thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng) được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay… Điều đáng nói, các sản phẩm đang được quảng cáo khá phổ biến trên mạng xã hội và người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, các trang mạng xã hội.

Trước thực trạng này, WHO khuyến nghị Việt Nam nên làm mọi cách để ngăn chặn thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới để bảo vệ sức khỏe của giới trẻ, tránh việc tạo ra một thế hệ tương lai nghiện các sản phẩm thuốc lá rất có hại này.

Cũng theo bà Trần Thị Trang, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chưa có quy định điều chỉnh đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Khái niệm thuốc lá chưa được quy định, chưa bao quát phù hợp với đặc điểm cấu tạo của sản phẩm.

Việt Nam chưa có cơ sở kiểm nghiệm đủ năng lực kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh, an toàn đối với thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Hơn nữa, việc cho phép thí điểm lưu hành thuốc lá mới có những tác động tiêu cực, đặc biệt là tăng chi phí quản lý và tổ chức thực hiện. Bà Trần Thu Trang nhấn mạnh quan điểm của Bộ Y tế, đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới vì: Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. WHO dự báo đến năm 2030, co số này sẽ tăng lên tới 70.000 người tử vong/năm nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện. Hiện có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.

Nghiên cứu của Bệnh viện K cho thấy tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Chi phí điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra trên thế giới khoảng 1-2% GDP, tại Việt Nam khoảng 1% GDP.

Số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.