Trong nghị quyết hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông Vận tải, Tư pháp nghiên cứu giải pháp triển khai thí điểm ứng dụng VNeID trong chuyển đổi số.

“Trước mắt, sử dụng tài khoản VNeID để làm sạch dữ liệu và tạo lập tài khoản mới đối với thông tin thuê bao di động; nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử để các tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng, cung cấp dịch vụ chứng thư số công dân”, Nghị quyết của Chính phủ nêu, đồng thời yêu cầu triển khai thí điểm sử dụng GPLX tích hợp trên tài khoản định danh điện tử tại tỉnh Bình Dương. Giải pháp triển khai thí điểm phải được báo cáo Thủ tướng trong tháng 4.

Bộ Công an cũng được giao chủ trì, phối hợp với chuyên gia, đánh giá trải nghiệm người dùng để nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VNeID bảo đảm nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm tạo sự thuận lợi, thân thiện, dễ khai thác sử dụng cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thành trong tháng 5.

“Cần đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án trọng điểm; làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tung tin xấu, độc, sai sự thật. Tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tín dụng đen, cờ bạc, tội phạm trên môi trường mạng...”, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Công an đồng thời yêu cầu tăng cường kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm.

Ứng dụng định danh điện tử VneID hoạt động từ tháng 7/2022, do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, bộ công an phát hành. Mỗi công dân có một tài khoản, được tạo bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an.

Tại ứng dụng này, người dân có thể tích hợp các loại giấy tờ như Giấy phép lái xe, Đăng ký xe, thẻ Bảo hiểm y tế… Hiện với bảo hiểm y tế, người dân đã có thể sử dụng trên VneID mà không cần mang theo giấy tờ gốc đến cơ sở khám chữa bệnh.

Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công.

Khác biệt với thẻ căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử.

Công dân có thể thay thế căn cước công dân và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia, như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu thí điểm tích hợp bằng lái xe trên tài khoản định danh điện tử tại Bình Dương. Ảnh minh họa: Lao Động
Chính phủ yêu cầu nghiên cứu thí điểm tích hợp bằng lái xe trên tài khoản định danh điện tử tại Bình Dương. Ảnh minh họa: Lao Động

Trong đó, tài khoản định danh điện tử cá nhân được chia thành 2 mức độ với những thông tin và giá trị sử dụng không giống nhau.

Trong đó, "Tài khoản định danh điện tử cá nhân mức độ 1" gồm các thông tin về số định danh cá nhân; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; trường hợp là người nước ngoài thì có thêm thông tin về số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.

Đối với "Tài khoản định danh điện tử mức độ 2" có đầy đủ thông tin cá nhân như mức độ 1, ngoài ra còn có thêm thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung và dấu vân tay.

Sau khi có tài khoản định danh mức độ 2 mới có thể tích hợp các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc giấy tờ khác vào thẻ CCCD gắn chíp.

Để đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2, người dân cần trực tiếp đến cơ quan Công an và làm thủ tục đăng ký.

Khi đi đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2, người dân cần mang theo thẻ căn cước công dân gắn chíp và các giấy tờ có nhu cầu tích hợp hiển thị lên ứng dụng VNeID như thẻ Bảo hiểm y tế, Giấy phép lái xe, Đăng ký xe, thông tin về mã số thuế.

Sau khi làm thủ tục, chờ kết quả phê duyệt, cấp tài khoản định danh điện tử của Bộ Công an. Nếu kết quả đạt, người dân sẽ nhận được tin nhắn SMS gửi đến số điện thoại đã đăng ký.