Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp là nhiễm chủng virus Enterovirus 71 (EV71).

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, tác nhân EV71 thường gây bệnh tay chân miệng nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

TạiBệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt trong đó số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước, và đã có 4 ca tử vong.

Ngày 23/6, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã họp trực tuyến về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tại điểm cầu Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) - Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh với 20 điểm cầu tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tại cuộc họp này, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc tay chân miệng mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 5 ca từ vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71), 2 trường hợp tử vong khác.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cho biết, hiện thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều. Trong đó, số ca mắc tay chân miệng chủng EV71 chiếm ưu thế. Đặc biệt phân độ tay chân miệng hiện chưa được báo cáo rõ ràng, 81% ca bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa được phân bổ lâm sàng, gây ảnh hưởng đến đánh giá lâm sàng, xác định xu hướng bệnh tật.

Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cũng cho biết có 50% người lớn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em. Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng. Do vậy, cần lưu ý đưa chẩn đoán quan tâm phát hiện sớm, trẻ nhập viện sớm phòng biến chứng, tử vong.

Trong số các ca mắc tay chân miệng tại bệnh viện, có 20 - 30% nhiễm virus EV71. Ảnh: BVCC
Trong số các ca mắc tay chân miệng tại bệnh viện, có 20 - 30% nhiễm virus EV71. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

Được biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người và có thể bùng phát thành dịch rất nguy hiểm. Bệnh gây ra do virus đường ruột, hai tác nhân thường gặp là coxsakievirus và Enterovirus (EV71).

Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu qua đường tiêu hoá từ nước bọt, phân hoặc qua phỏng nước của trẻ. Do vậy, bệnh dễ lây lan khi sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, nơi chơi đùa tập trung…

Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, tuy nhiên bệnh có xu hướng tăng cao khoảng vào đầu mùa mưa (T3 – T5) và đầu mùa khô (T9 – T12).

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng là nổi mụn nước lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, khuỷu tay, ở mông, quanh miệng, môi, nền họng, niêm mạc miệng lưỡi, nướu,.. khi vỡ thành loét; có thể có sốt hoặc không có sốt. Có những trường hợp người nhà thấy bé ăn uống kém hơn, chảy nước dãi cũng có thể là biểu hiện của loét miệng nên cần tới bác sĩ thăm khám. Ngoài ra, khi có các dấu hiệu như trẻ sốt cao liên tục không hạ; co giật mình, rùng mình; tay chân yếu đi lại loạng choạng; bứt rứt, hoảng hốt; thở nhanh, thở gắng sức, mệt nhọc hoặc môi tím tái… thì phải đưa ngay trẻ đến bệnh viện để điều trị kịp thời.

Bệnh tay chân miệng có nhiều mức độ, nếu nhẹ thì bé tự hồi phục và khỏi hoàn toàn sau 7 ngày. Tuy nhiên cũng có những trường hợp biến chứng nặng. Biến chứng nặng thường xảy ra ở trẻ bị nhiễm chủng virus EV71. Các biến chứng này bao gồm:

Biến chứng não: viêm não, viêm thân não, viêm não tuỷ. Biểu hiện như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê,…; Biến chứng tim mạch, hô hấp bao gồm: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời.

Với sự gia tăng nhanh chóng của các ca bệnh trong giai đoạn hiện nay đặc biệt là xuất hiện của Enterovirus 71 (EV71), các địa phương khu vực phía Nam đang tích cực triển khai các giải pháp phòng chống dịch cũng như trong công tác điều trị.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần phối hợp trong phòng ngừa để hạn chế số ca mắc mới trong thời gian tới. Trong đó, cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ; Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất. Theo dõi sát khi trẻ bị bệnh, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để kịp thời điều trị.

Hiện nay, ngoài bệnh tay chân miệng, thì mùa hè này trẻ cũng dễ mắc các bệnh lý đường hô hấp (viêm họng, viêm hô hấp trên, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen phế quản), sốt xuất huyết, thuỷ đậu, tiêu chảy cấp, cúm mùa…

Để phòng tránh các bệnh này, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ăn chín, uống sôi; rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang khi đến chỗ đông người; cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ theo lịch khuyến cáo; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; rửa tay và đồ chơi của trẻ thường xuyên; hạn chế cho trẻ đến nơi đông người để tránh lây nhiễm chéo.