Người đàn ông 50 tuổi, sống ở thành phố Geneve, Thụy Sĩ, được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 1990. Giống 5 bệnh nhân đã khỏi HIV sau khi được cấy ghép tế bào gốc của người hiến tặng có đột biến gene CCR5 nhằm điều trị các loại ung thư nghiêm trọng, bệnh nhân Geneve cũng được cấy ghép tế bào gốc để điều trị một dạng bệnh bạch cầu nguy hiểm cách đây gần hai năm.

Cụ thể, vào năm 2018, bệnh nhân được cấy ghép tế bào gốc để chống lại một dạng bệnh bạch cầu đặc biệt nguy hiểm. Ca cấy ghép đến từ một người hiến tặng không mang đột biến CCR5. Thông tin này được các nhà nghiên cứu Pháp và Thụy Sĩ đưa ra tại cuộc họp báo ở thành phố Brisbane, Australia, nơi diễn ra hội nghị AIDS vừa diễn ra.

Hình ảnh hiển vi các hạt virus HIV màu vàng đang lây nhiễm vào tế bào chủ. Ảnh: NCMIR
Hình ảnh hiển vi các hạt virus HIV màu vàng đang lây nhiễm vào tế bào chủ. Ảnh: NCMIR

Điều này có nghĩa là virus HIV vẫn có thể xâm nhập vào tế bào của bệnh nhân. Tuy nhiên, 20 tháng sau khi người đàn ông ngừng điều trị bằng thuốc kháng virus (làm giảm lượng HIV trong máu), các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Geneve không tìm thấy dấu vết của virus trong cơ thể của người đàn ông này.

Mặc dù không thể loại trừ khả năng virus HIV có thể quay trở lại, các nhà nghiên cứu tin bệnh của ông này sẽ thuyên giảm trong thời gian dài.

Ngoài bệnh nhân Geneva, 5 người trước đó được chữa khỏi HIV gồm các bệnh nhân ở California, New York, Berlin, London và Dusseldorf.

5 bệnh nhân trước đó khỏi HIV nhờ cấy ghép tủy xương từ người hiến chứa đột biến gene CCR5 delta 32. Đây là loại đột biến gene ngăn cản HIV xâm nhập vào hệ miễn dịch nhờ tạo ra các tế bào kháng HIV một cách tự nhiên.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến cuối năm 2022, có 39 triệu người trên thế giới đang sống chung với HIV và 630.000 người đã chết vì HIV/AIDS.