Bộ Y tế: Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tiêu cực trong xác nhận hộ chiếu vaccine

Ngày 1/5/2022, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký công văn số 2228 về hộ chiếu vaccine gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.

Theo Bộ Y tế, ngày 19/04/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 1975/BYT-CNTT về việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và triển khai ký xác nhận hộ chiếu vaccine.

Để đảm bảo quyền của người dân được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vaccine và hộ chiếu vaccine khi tham gia tiêm chủng COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm việc quán triệt nhân viên y tế và các cán bộ thuộc quyền quản lý của đơn vị có liên quan đến công tác ký điện tử chứng nhận tiêm chủng COVID-19 và hộ chiếu vaccine, không được cản trở, gây khó khăn và có các hành vi trục lợi trong việc hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi người dân được cấp chứng nhận tiêm chủng COVID-19 và xác nhận hộ chiếu vaccine.

Đẩy mạnh truyền thông tới toàn dân được biết về quyền được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng và hộ chiếu vaccine khi đã tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Bộ Y tế quán triệt tới tất cả các tổ chức/cá nhân có liên quan không được gây khó khăn cho người dân trong việc cấp chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và xác nhận hộ chiếu vaccine, nếu để xảy ra các biểu hiện tiêu cực thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Theo thống kê của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, đến chiều ngày 28/4, đã có hơn 3,5 triệu người Việt Nam đã có hộ chiếu vaccine.

Trước 1/6, các địa phương phải hoàn thành việc cập nhật xác thực thông tin tiêm chủng phục vụ xác nhận hộ chiếu vaccine.

Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tiêu cực trong xác nhận hộ chiếu vaccine. Ảnh minh họa
Tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tiêu cực trong xác nhận hộ chiếu vaccine. Ảnh minh họa

Trước đó, tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc 'làm sạch' dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 do liên Bộ Y tế - Bộ Công an tổ chức kết nối đến hơn 11.000 điểm cầu trên toàn quốc vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết kết quả triển khai liên thông dữ liệu dân cư quốc gia và dữ liệu tiêm chủng hiện chưa đạt được như mong muốn.

Dẫn chứng thực tiễn Bộ trưởng cho biết cả nước đến ngày 25/4 đã tiêm tiêm hơn 212 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người dân theo hướng dẫn, song vẫn còn 7,6 triệu mũi tiêm chưa cập nhật lên hệ thống phần mềm, dù Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần thúc giục.

Bên cạnh đó, trong số hơn 73,4 triệu người có căn cước công dân/chứng minh nhân dân còn 43.491.814 mũi tiêm đã xác minh nhưng còn sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác.

Cũng theo Bộ trưởng, việc liên thông dữ liệu, xác thực thông tin không chỉ phục vụ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, ký xác nhận hộ chiếu vaccine mà còn có ý nghĩa quan trọng về sau này khi đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với ngành y tế (bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử...). Điều này nhằm tạo mọi tiện ích cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị, các địa phương hết sức khẩn trương kiện toàn Tổ công tác 06 của Chính phủ theo đúng mô hình, hướng dẫn mà Trung ương đã ban hành. Các địa phương phải quán triệt nhiệm vụ của các Tổ công tác tại các cấp.

Với Bộ Y tế, nhiệm vụ quan trọng là cập nhật thông tin tiêm chủng trên nền tảng Tiêm chủng Quốc gia để đồng bộ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, các điểm tiêm chủng được tổ chức tại các xã phường, các cấp này phải cập nhật được thì cấp Trung ương mới làm được.

Các địa phương phải xác thực, chính xác hóa thông tin này; nếu chưa đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu dân cư, phải rà soát lại những thông tin nào chưa phù hợp, phải thay đổi thì phải cập nhật và chuyển cho trạm y tế xã để cập nhật lên hệ thống tiêm chủng…

Ngày 1/5: Chỉ còn 3.717 ca COVID-19, giảm xuống thấp nhất trong khoảng 270 ngày qua

Tính từ 16h ngày 30/4 đến 16h ngày 01/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.717 ca nhiễm mới đều ở trong nước (giảm 1.392 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 2.597 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (795), Nghệ An (210), Yên Bái (200), Quảng Ninh (198), Phú Thọ (170), Tuyên Quang (161), Hưng Yên (150), Gia Lai (134), Thái Nguyên (127), Thái Bình (123), Lào Cai (121), Vĩnh Phúc (98), Bắc Kạn (91), Quảng Bình (89), Nam Định (77), Lâm Đồng (76), Bắc Giang (73), Bà Rịa - Vũng Tàu (58), Cao Bằng (57), Lạng Sơn (53), Đà Nẵng (51), Quảng Trị (49), Sơn La (47), TP. Hồ Chí Minh (42), Thanh Hóa (42), Lai Châu (40), Bình Phước (35), Hà Nam (33), Bình Thuận (31), Hòa Bình (29), Hà Giang (28), Bình Định (26), Hải Dương (22), Phú Yên (21), Đắk Nông (19), Điện Biên (18), Hải Phòng (17), Tây Ninh (16), Quảng Ngãi (15), Quảng Nam (14), Kiên Giang (11), Bến Tre (8 ), Thừa Thiên Huế (8 ), Vĩnh Long (6), Cà Mau (6), Bình Dương (5), Trà Vinh (4), Cần Thơ (4), Hậu Giang (3), Khánh Hòa (2), Bạc Liêu (2), Long An (1), An Giang (1).

Biều đồ số ca ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 1/5.
Biều đồ số ca ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 1/5.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Thọ (-209), Bắc Ninh (-174), Ninh Bình (-97).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (+31), Đà Nẵng (+21), Quảng Trị (+21).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 6.552 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.653.526 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.686 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.645.777 ca, trong đó có 9.261.549 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.586.929), TP. Hồ Chí Minh (608.450), Nghệ An (481.726), Bắc Giang (385.296), Bình Dương (383.403).

Cả nước đã tiêm hơn 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 an toàn cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Đến chiều ngày 1/5, số liệu báo cáo của 63 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi về Bộ Y tế cho thấy tổng côgj đã có bảo đảm chu đáo, an toàn, với 1.521.234 liều (mũi 1) vaccine đã được tiêm an toàn.

Về vaccine để tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận 6,45 triệu liều vaccine. Cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ hơn 2,3 triệu liều để phục vụ công tác tiêm chủng của các địa phương. Số vaccine còn lại sẽ phân bổ cho các địa phương sau khi hoàn thiện các thủ tục kiểm định chất lượng và theo tiến độ tiêm chủng.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, tại hội nghị trực tuyến quán triệt việc "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng COVID-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 do liên Bộ Y tế - Bộ Công an tổ chức kết nối đến hơn 11.000 điểm cầu trên toàn quốc đã diễn ra mới đây, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Hiện nay tốc độ tiêm đang chậm.

Theo tài liệu "Hướng dẫn triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi" do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia xây dựng, mặc dù khi mắc COVID-19, các triệu chứng ở trẻ em đa phần là nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp phải nhập viện và để lại di chứng kéo dài.

Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi

Cả nước đã tiêm hơn 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 an toàn cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.

Hơn nữa, nếu trẻ không may nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây lan trong môi trường lớp học từ đó lây lan trong cộng đồng. Việc tiêm phòng cho trẻ em là rất cần thiết để giảm nguy cơ nhiễm bệnh; giảm nguy cơ trở nặng nếu nhiễm và giảm khả năng lây bệnh cho người khác.

Hiện nay trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia cho phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi tại Châu Mỹ như Mỹ, Châu Âu, một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Philippines, Malaisia; Campuchia...

Thống kê của Cục Y tế dự phòng cho thấy cả nước có hơn 11,8 triệu trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, trong đó 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 thuộc đối tượng trì hoãn tiêm sau 3 tháng kể từ ngày mắc (dự kiến sẽ tiêm khoảng tháng 7 - 8/2022), 8,2 triệu trẻ còn lại bắt đầu tiêm từ ngày 14/4 và trong quý 2/2022 sẽ tiêm xong 2 mũi cho trẻ.

Công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế trong năm 2022...

Những thông tin cần biết về tiêm vắc xin mũi 4 phòng COVID-19

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4).

Theo đó, Hội đồng đã thống nhất kết luận đối với việc tiêm mũi 4 gồm: Đối tượng tiêm: người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.

Vắc xin sử dụng: vắc xin mRNA (vắc xin do hãng Pfizer hoặc Moderna sản xuất); vắc xin do Astra Zeneca sản xuất; vắc xin cùng loại với mũi 3.

Khoảng cách: ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.

Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: hoãn tiêm 3 tháng sau khi mắc COVID-19.

Đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 214,7 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 các loại cho các đối tượng từ 5 tuổi trở lên. Hiện trẻ cả nước đã tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 với gần 1,46 triệu mũi; 100% người trên 18 tuổi đã tiêm 2 mũi; tỷ lệ tiêm mũi 3 khoảng gần 60%. Đối với trẻ từ 12 - 17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 là 100%; mũi 2 khoảng gần 96,5%.

Bộ Y tế xác định vắc xin phòng COVID-19 vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng, chống dịch, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. "Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của chúng ta đến nay có thể nói là cơ bản thành công, tuy nhiên thời gian gần đây tốc độ tiêm chủng còn chậm. Việc tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người trên 18 tuổi đã đạt tỷ lệ 100%, tuy nhiên tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi rất chậm", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nêu thực trạng. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, tiêm cho trẻ từ 12- 17 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.