Hậu COVID-19 "loạn" thực phẩm hỗ trợ bảo vệ sức khỏe

Sau điều trị COVID-19 thay vì phục hồi sức khỏe bằng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý thì nhiều người lại tìm đến các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo với rất nhiều công dụng như bổ phổi, tăng cường sức khỏe, tốt cho người bệnh có các di chứng hậu COVID-19… để sức khỏe được phục hồi nhanh chóng hơn.

Một đồn mười, mười đồn trăm, chưa rõ thực hư công dụng như thế nào, cứ nghe mọi người quảng cáo, truyền tai nhau là mua về, khiến các mặt hàng này trở nên khan hiếm hơn, giá cả cũng theo đó mà tăng.

Chia sẻ với báo Sức khỏe và Đời sống, sau 7 ngày mắc COVID-19 xét nghiệm âm tính, chị T.T.N.A kế toán một công ty thời trang ở Thanh Xuân quay trở lại làm việc. Đến công ty, thấy nhiều đồng nghiệp tâm sự sau khi khỏi bệnh bị các di chứng hậu COVID như khó thở, ho nhiều, người dễ mệt mỏi… Chưa biết mình có bị các di chứng này hay không, nhưng để chắc ăn, N.A nhờ đồng nghiệp đặt cho 2 lọ thực phẩm chức năng có tinh chất đông trùng hạ thảo được nhập khẩu từ Úc với giá 1,6 triệu đồng.

N.A cho biết, phòng kế toán của chị có 7 người thì có đến 5 người mắc COVID-19, và tất cả đều mua loại thực phẩm chức năng này. Thậm chí có người còn đặt mua tận 10 hộp để dự trữ cho gia đình và biếu người thân.

Theo khảo sát của PV báo Sức khỏe và Đời sống, một số hiệu thuốc tại TP. Hà Nội, với mong muốn mua một loại thực phẩm bổ sung để phục hồi cơ thể sau COVID-19, chúng tôi được nhân viên tại một nhà thuốc (Cầu Giấy) giới thiệu loại thực phẩm chức năng có giá 240 nghìn đồng. Theo lời nhân viên, loại thực phẩm này có chứa thành phần của các loại dược liệu cao cấp như nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, nhân sâm… rất tốt cho sức khỏe. Uống vào có tác dụng bồi bổ, kích thích ăn ngon, ngủ ngon, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

Di chuyển sang cửa hàng khác, chúng tôi cũng được giới thiệu về loại thực phẩm chức năng có các thành phần như ở trên nhưng với giá 330 nghìn đồng và một loại nhập khẩu giá 850 nghìn. Người bán hàng cho biết ngoài tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, thực phẩm bổ sung này còn giúp làm đẹp da nên rất được ưa chuộng, mỗi ngày hiệu thuốc của chị bán gần trăm hộp, có ngày không còn hàng để bán.

Anh Đ. chủ cửa hàng thuốc tại Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm cho biết, thời gian gần đây, lượng người hỏi mua kít xét nghiệm, hay các loại thuốc điều trị COVID ít hơn hẳn so với cách đây 2 tuần, thay vào đó là các loại thực phẩm giúp bồi bổ cơ thể sau COVID lại có nhu cầu rất cao. Hiệu thuốc chưa có con số thống kê cụ thể, tuy nhiên con số cũng khá lớn khoảng vài chục lượt khách mỗi ngày.

Tràn làn các loại thực phẩm chức năng bổ phổi được quảng cáo trên mạng.. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống
Tràn làn các loại thực phẩm chức năng bổ phổi được quảng cáo trên mạng. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Theo anh Đ. các loại thực phẩm giúp bồi bổ cơ thể sau mắc COVID rất đa dạng, giá cả cũng tùy loại thấp nhất từ vài chục đến vài trăm, đắt hơn là loại nhập khẩu giá lên đến hàng triệu.

Không chỉ tại các cửa hàng thuốc truyền thống, trên các trang mạng xã hội, các loại thực phẩm chức năng được quảng cáo với tác dụng bồi bổ cơ thể, tốt cho phổi cũng được rao bán tràn lan với đủ các loại từ sản xuất trong nước đến các loại nhập khẩu từ Anh, Úc, Nhật, Hàn Quốc...

Tuy nhiên các loại thực phẩm bán trên không gian "ảo" rất khó kiểm định chất lượng. Nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cơ thể không tốt lên mà ngược lại tình trạng bệnh còn nặng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tiếp bắt giữ nhiều lô hàng thực phẩm chức năng buôn lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hơn nữa, việc sử dụng thực phẩm chức năng giống như "dao hai lưỡi", nếu bổ sung dư thừa cũng gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.

BS Trần Công Bình, khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: "Nếu sau khi khỏi COVID-19, bệnh nhân vẫn bị ho nặng kéo dài không dứt, ho có đờm, mất ngủ, khó thở, cơ thể mệt mỏi thì nên đến bệnh viện khám để biết rõ về tình trạng sức khỏe.

Bệnh nhân không nên tự mua và dùng thuốc vì việc tự điều trị có thể gây nguy hiểm. Không ít trường hợp bị tổn thương phổi diễn tiến nặng, bệnh nhân không đến bệnh viện khám mà tự chữa trị với nhiều loại thuốc khác nhau, hoặc mua các loại thực phẩm chức năng trôi nổi trên thị trường, tới khi vào viện thì tình trạng bệnh đã nghiêm trọng hơn.

Điều quan trọng sau mắc COVID-19 là cần bổ sung dinh dưỡng lành mạnh và tập luyện hợp lý để cơ thể được phục hồi nhanh hơn. Người bệnh có thể thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy, squat,... với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn.

Việt Nam thử nghiệm vaccine xịt mũi phòng COVID-19

Ngày 1/4, Viện Pasteur Nha Trang cho biết, dự kiến tuyển khoảng 3.000 tình nguyện viên, từ 18 tuổi trở lên thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 ở Khánh Hòa và Quảng Nam.

Những người đăng ký tham gia phải đảm bảo tiêu chí khỏe mạnh, bệnh nhẹ ổn định; tiêm liều vaccine COVID-19 cuối cùng cách đây ít nhất 3 tháng; chưa từng nhiễm COVID-19 và sẵn sàng tuân thủ 4 lần thăm khám của nghiên cứu.

Thời gian thử nghiệm giai đoạn 3 kéo dài từ nay tới hết tháng 4. Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm dự kiến kéo dài một năm, từ ngày sử dụng vaccine COVID-19 dạng phun sương xịt mũi.

Khi đăng ký, tình nguyện viên sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe, sau đó phun 2 liều vaccine COVID-19 vào mũi, mỗi liều cách nhau 14 ngày. Họ sẽ được theo dõi sức khỏe trong một năm với bốn lần thăm khám sức khỏe định kỳ. Một tình nguyện viên nhận hỗ trợ 900.000 đồng/một lần thăm khám.

Ảnh minh họa: scitechdaily.com
Ảnh minh họa: scitechdaily.com

Theo lãnh đạo Viện Pasteur, các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng 1 và 2 của vaccine COVID-19 dạng phun sương xịt mũi đã chứng minh tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch tốt. Nghiên cứu được xem xét và phê duyệt của cơ quan quản lý các cấp và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học.

Người dân có nhu cầu ứng tuyển có thể liên hệ trực tiếp Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố nơi đang sinh sống; Viện Pasteur Nha Trang, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam hoặc liên hệ tư vấn qua các số điện thoại đường dây nóng.

Thử nghiệm phòng vaccine COVID-19 dạng phun sương xịt mũi giai đoạn 3 hiện có 5 quốc gia là Colombia, Philippines, Nam Phi, Indonesia và Việt Nam.

Nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi nào cần trì hoãn tiêm vaccine COVID-19?

Liên quan đến việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết thông qua việc triển khai tiêm vaccine COVID-19 ở các quốc gia đối với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cho thấy các phản ứng xảy ra không có sự khác biệt nhiều so với nhóm trẻ lớn từ 12 đến dưới 18 tuổi và người lớn.

Tuy nhiên, trước khi tiêm vaccine cho nhóm trẻ này phải khám sàng lọc kỹ sức khỏe. Theo đó, nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chống chỉ định tiêm chủng là nhóm có tiền sử phản vệ với vaccine COVID-19 hoặc các thành phần của vaccine.

Đối tượng cần trì hoãn tiêm chủng là nhóm trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển hoặc các vấn đề khác phải trì hoãn.

Cụ thể, trẻ có bệnh mạn tính hoặc các bệnh cấp tính tiến triển như đang có sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng; trong đợt điều trị của bệnh mạn tính như đang hóa trị ung thư,… cần trì hoãn cho đến khi kết thúc tình trạng bệnh cấp tính, mạn tính, hoặc kết thúc đợt điều trị của bệnh mạn tính.

Cũng theo bác sĩ Ngãi, Hội đồng tư vấn khuyến cáo với trẻ từng mắc COVID-19 cần trì hoãn tiêm trong thời gian 3 tháng kể từ ngày khởi phát bệnh. Tuy nhiên, tùy từng huống cụ thể, các đơn vị tiêm chủng có thể xem xét hoàn cảnh từng cá nhân, so sánh giữa lợi ích của việc tiêm và không tiêm để quyết định trẻ có cần tiêm sớm hơn thời gian 3 tháng này không. Nhưng việc này phải được sự đồng thuận của cha mẹ, người chăm sóc.

"Thời gian gần đây đã xuất hiện một số trẻ sau mắc COVID-19 gặp hội chứng viêm đa cơ quan MIS-C (tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa). Với những trường hợp này Hội đồng tư vấn khuyến cáo, khi trẻ bị MIS-C, cần trì hoãn đến khi bệnh nhi hồi phục hoàn toàn tình trạng bệnh lý này"- bác sĩ Ngãi nói.

Ngoài ra, những đối tượng phải khám, sàng lọc, tiêm tại bệnh viện từ tuyến huyện trở lên là trẻ từng có hội chứng MIS-C; trẻ mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường hoặc khi khai thác tiền sử thấy trẻ có tiền sử phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào (thức ăn, thuốc,…).

Vaccine Moderna được quyết định dùng để tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi
Vaccine Moderna được quyết định dùng để tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi.

Liên quan đến các phản ứng sau tiêm chủng, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết theo báo cáo trên thế giới, hầu hết trẻ 5 đến dưới 12 tuổi sau khi tiêm vaccine COVID-19 chỉ gặp các phản ứng thông thường. Một số trường hợp có phản ứng bất thường nhưng tỉ lệ rất nhỏ.

Đối với vaccine Pfizer, các phản ứng rất thường gặp khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là: Đau đầu, tiêu chảy, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm, kiệt sức, ớn lạnh, sốt (tần suất cao hơn đối với liều thứ 2), sưng tại chỗ tiêm... Các phản ứng rất thường gặp nhất ở nhóm tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi là: Buồn nôn, tấy đỏ tại vị trí tiêm;

Phản ứng ít gặp là nổi hạch, các phản ứng quá mẫn (phát ban, ngứa, mề đay, phù mạch), giảm cảm giác thèm ăn, mất ngủ, ngủ li bì, tăng tiết mồ hôi, đổ mồ hôi đêm, đau chi, suy nhược, khó chịu, ngứa tại vị trí tiêm;

Đối với vaccine Moderna: các phản ứng rất thường gặp là: Sưng hạch nách ở cùng bên với vị trí tiêm, một số trường hợp sưng hạch bạch huyết khác (ví dụ: Ở cổ, ở trên xương đòn), đau đầu, buồn nôn/nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt, sưng tại vị trí tiêm, ban đỏ tại vị trí tiêm.

Các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ em từ 6 đến dưới 12 tuổi sau liệu trình tiêm cơ bản là đau tại vị trí tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, buồn nôn/nôn mửa, sưng/đau ở nách, sốt, ban đỏ tại vị trí tiêm, sưng tại vị trí tiêm và đau khớp;

Phản ứng thường gặp là: Tiêu chảy, phát ban, nổi mề đay tại vị trí tiêm, phát ban tại vị trí tiêm, phản ứng muộn tại vị trí tiêm. Phản ứng ít gặp là: Chóng mặt, ngứa tại vị trí tiêm. Phản ứng rất hiếm gặp là: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhà sản xuất, đến nay gần 70 quốc gia/vùng lãnh thổ đã cấp phép lưu hành và sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi.

Một số quốc gia đã triển khai tiêm điển hình là Mỹ, Úc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Nhiều quốc gia châu Âu đã tiêm vaccine Pfizer và Moderna cho trẻ nhóm tuổi này.

Ngày 4/1: Số mắc mới COVID-19 giảm sâu

Tính từ 16h ngày 31/3 đến 16h ngày 01/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 72.556 ca nhiễm mới, trong đó 1 ca nhập cảnh và 72.555 ca ghi nhận trong nước (giảm 8.272 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 51.351 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (7.734), Nghệ An (3.226), Đắk Lắk (3.099), Phú Thọ (3.087), Yên Bái (2.998), Lào Cai (2.804), Bắc Giang (2.705), Quảng Ninh (2.450), Hà Giang (2.294), Vĩnh Phúc (2.202), Quảng Bình (2.030), Thái Bình (1.922), Lạng Sơn (1.890), Bắc Kạn (1.770), Tuyên Quang (1.588), Sơn La (1.569), Bắc Ninh (1.375), Vĩnh Long (1.331), Cao Bằng (1.273), Bình Định (1.226), Hải Dương (1.215), Hà Nam (1.188), Hưng Yên (1.181), Thái Nguyên (1.152), Cà Mau (1.135), Hòa Bình (1.096), Lâm Đồng (1.088), Quảng Trị (1.084), Tây Ninh (1.030), Bình Dương (982), Ninh Bình (951), Lai Châu (937), Bến Tre (919), Điện Biên (854), Hà Tĩnh (737), Đà Nẵng (734), Hồ Chí Minh (725), Bình Phước (667), Nam Định (616), Quảng Ngãi (568), Thừa Thiên Huế (555), Bà Rịa - Vũng Tàu (524), Đắk Nông (494), Thanh Hóa (482), Trà Vinh (419), Phú Yên (394), Hải Phòng (378), Khánh Hòa (323), Bình Thuận (314), Quảng Nam (263), An Giang (170), Bạc Liêu (156), Kon Tum (143), Kiên Giang (125), Long An (120), Đồng Nai (69), Sóc Trăng (59), Cần Thơ (48), Tiền Giang (27), Hậu Giang (25), Ninh Thuận (23), Đồng Tháp (12).

Ngày 01/4/2022, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 13.498 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (-1.649), Hưng Yên (-603), Cao Bằng (-357).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Phúc (+163), Bình Dương (+155), Đắk Nông (+68).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 86.561 ca/ngày.