Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.540.478 ca mắc COVID-19, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 15.621 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.534.979 ca, trong đó có 1.105.145 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (494.683), Bình Dương (289.175), Đồng Nai (94.928), Tây Ninh (64.014), Long An (39.663).

Bản tin Covid-19 sáng 20/12: F0 tại Hà Nội vẫn tăng mạnh
Ảnh minh họa

Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.107.962 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.587 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 5.291 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.240 ca; Thở máy không xâm lấn: 175 ca; Thở máy xâm lấn: 860 ca; ECMO: 21 ca

Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 247 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 29.566 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 32/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 132/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 28.863.393 mẫu cho 72.701.838 lượt người.

Tình hình tiêm vaccine phòng COVID-19

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 138.772.562 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 75.697.403 liều, tiêm mũi 2 là 61.890.281 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 1.184.878 liều.

Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.

Trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.

F0 tại Hà Nội vẫn tăng mạnh

Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 19-12, TP ghi nhận 1.400 ca mắc Covid-19, trong đó có 500 ca cộng đồng, 747 ca ở khu cách ly và 153 ca trong khu phong tỏa.

Trong đó, 500 ca cộng đồng phân bố tại 156 xã, phường thuộc 26/30 quận huyện: Thanh Trì (162); Nam Từ Liêm (105); Gia Lâm (42); Đống Đa (29); Hà Đông (27); Hai Bà Trưng (19); Hoàng Mai (18); Bắc Từ Liêm (15); Cầu Giấy (13); Thanh Xuân (11); Long Biên (10); Hoàn Kiếm (9); Ba Đình (9); Tây Hồ (7); Hoài Đức (6); Đông Anh (4); Thường Tín (2); Sóc Sơn (2); Quốc Oai (2); Đan Phượng (2); Ứng Hòa (1); Mê Linh (1); Chương Mỹ (1); Thanh Oai (1); Thạch Thất (1); Phú Xuyên (1).

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 27.053 ca mắc Covid-19, trong đó có 10.265 ca cộng đồng và 16.788 ca đã cách ly. Hà Nội có 2 quận vùng cam (cấp độ 3) là Đống Đa và Hai Bà Trưng, trong đó số ca mắc của Đống Đa hôm nay là 48 và Hai Bà Trưng là 131. Tính từ ngày 11-10 đến nay, quận Đống Đa ghi nhận 2.580 ca và quận Hai Bà Trưng 1.828

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu ngành y tế TP phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho người dân trên 18 tuổi trước ngày 31-1-2022. Việc tiêm bổ sung và nhắc lại là hết sức cần thiết nhằm duy trì hiệu quả kháng thể để bảo vệ trước Covid-19, nhất là các đối tượng cao tuổi hoặc làm việc trong những môi trường có nguy cơ cao.

Đà Nẵng triển khai trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp

Trạm y tế lưu động được đặt tại 2 khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh và An Đồn để kịp thời điều trị, cách ly các F0 được phát hiện khi đang có mặt tại các doanh nghiệp thuộc KCN, ngăn chặn kịp thời việc lây lan trong doanh nghiệp và cộng đồng.

Trạm y tế lưu động đặt tại KCN Hòa Khánh phục vụ cho KCN Hòa Khánh, Hòa Khánh mở rộng, khu công nghệ cao với diện tích 400 m2, quy mô 40 giường cách ly, điều trị tạm thời F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ; giai đoạn 2 trong trường hợp số lượng bệnh nhân F0 nhiều sẽ mở rộng triển khai 100-200 giường tại khu vực sân bóng.

Trạm thứ hai là tại KCN An Đồn phục vụ cho KCN An Đồn, khu vực dịch vụ thủy sản, KCN Hòa Cầm, diện tích 300 m2 với quy mô 30 giường cách ly, điều trị tạm thời F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. Giai đoạn 2 trong trường hợp số lượng bệnh nhân F0 nhiều sẽ triển khai mở rộng thêm.

Tính từ ngày 16/10 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.372 ca mắc COVID-19, trong đó 172 ca ngoại tỉnh.

Tính đến nay, thành phố đã tiêm 1.890.130 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 966.856 người, mũi 2 cho 922.807 người và mũi 3 cho 467 người.

Hiện có 316 khu vực phong tỏa với 1.468 hộ (6.279 nhân khẩu), duy trì 18 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 366 người.