Tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: Không có ca phản ứng nặng hay tai biến

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 18/4 cho biết những ngày qua, cả nước đã tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi gần 20.000 liều vaccine ngừa COVID-19 (mũi 1). Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, tính đến chiều tối 18/4, chưa địa phương nào báo cáo có ghi nhận ca phản ứng nặng hoặc tai biến sau tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.

Bên cạnh đó, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã có quyết định phân bổ vaccine phòng COVID-19 đợt 143 gồm 1.382.400 liều vaccine Moderna (tính theo liều 0,25ml) do Chính phủ Úc viện trợ cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành trong cả nước để phục vụ công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi.

Theo quyết định này, TP HCM được phân bổ 193.800 liều, tiếp đến là Hà Nội với 104.000 liều; các tỉnh thành khác như Thanh Hóa được phân bổ 51.000 liều, Nghệ An 48.600 liều, Bình Dương 28.200 liều, Đồng Nai 44.400 liều, Bà Rịa - Vũng Tàu 13.600 liều, Quảng Ninh 24.000 liều...

Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương yêu cầu các đơn vị tiếp nhận vaccine và tổ chức tiêm ngay số vaccine phòng COVID-19 được phân bổ và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Y tế dự phòng, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur và trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố theo phân vùng quản lý.

Ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký Quyết định số 457/QĐ-BYT, trong đó quy định vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là loại do Pfizer sản xuất, liều lượng 0,2ml.
Không có ca phản ứng nặng hay tai biến khi tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ảnh minh họa

Vaccine Moderna phân bổ đợt này rã đông lúc 23h ngày 13/4/2022, tiêm liều lượng 0,25ml mỗi trẻ.

Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ TW cũng đã phân bổ 921.600 liều vaccine Moderna phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi do Chính phủ Úc viện trợ cho trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh thành trong cả nước.

TP HCM và Hà Nội đã tiêm khoảng 78.000 mũi 1 vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi

Từ hôm nay - 19/4,tỉnh Bạc Liêu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, ước tính trên địa bàn tỉnh có 105.959 trẻ trong độ tuổi từ 5 - dưới 12 tuổi.

Trước đó, ngày 18/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã phân bổ 6.400 liều vaccine phòng COVID-19 Moderna cho 8 đơn vị thực hiện tiêm ngừa cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi. Theo đó, Bệnh viện Quân dân y được phân bổ 1.200 liều, Trung tâm Y tế TP. Bạc Liêu được 760 liều, Trung tâm Y tế TX. Giá Rai và Trung tâm Y tế các huyện được bổ 740 liều/đơn vị.

Cũng trong hôm nay, Hải Dương tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi tại điểm tiêm lưu động Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương). Dự kiến có 158 trẻ khối lớp 6 của trường sẽ được tiêm. Từ điểm tiêm thí điểm đầu tiên này sẽ nhân rộng các điểm khác trong toàn tỉnh.

Việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhóm trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành trong quý II/2022. Điểm tiêm chủng cố định được đặt ở 235 trạm y tế và tiêm chủng lưu động ở các trường học.

Đợt 1 sẽ tiêm cho trẻ học lớp 6, tại điểm tiêm lưu động trường THCS. Đợt 2 tiêm cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 5, tại điểm tiêm lưu động trường tiểu học, hạ dần độ tuổi theo chỉ đạo và tiến độ cấp vaccine của Bộ Y tế. Đợt 3 tiêm cho tất cả số trẻ còn lại, tại điểm tiêm cố định.

Những trẻ thận trọng trong tiêm chủng theo qui định được tiêm tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã hoặc tại các điểm tiêm chủng của Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Qua rà soát toàn tỉnh Hải Dương có 134.188 trong tổng số 237.810 trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm vaccine phòng COVID-19.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi, đến nay đã có hàng chục tỉnh, thành triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi này gồm Quảng Ninh, TP HCM, TP Hà Nội, Hà Nam, Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Bình Dương, Cao Bằng...

Khán giả xem thi đấu tại SEA Games 31 không phải xét nghiệm COVID-19

Các quan chức, trọng tài, vận động viên, thành viên đoàn thể thao dự SEA Games 31 không cần cách ly. Khán giả tham dự theo dõi trực tiếp thi đấu không phải lấy mẫu xét nghiệm COVID -19.

Đó là nội dung văn bản khẩn Bộ Y tế vừa gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 phục vụ SEA Games 31.

Theo đó, về nguyên tắc phòng chống dịch, các trường hợp có xét nghiệm dương tính hoặc mắc COVID-19 không tham gia thi đấu, phục vụ SEA Games 31 và thực hiện việc cách ly, điều trị theo hướng dẫn.

Những trường hợp có xét nghiệm âm tính thì thi đấu, làm việc theo chương trình và thực hiện theo hướng dẫn phòng chống dịch.

Những người tiếp xúc gần với trường hợp có xét nghiệm dương tính hoặc mắc COVID-19 trong thời gian thi đấu, phục vụ sẽ được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện xử lý theo hướng dẫn.

Phải thường xuyên đeo khẩu trang sử dụng dung dịch sát khuẩn tay. Hạn chế tối đa tập trung đông người ở các khu vực công cộng. Hạn chế ra khỏi khu vực lưu trú nếu không cần thiết. Thực hiện di chuyển một chiều từ nơi lưu trú đến nơi tập luyện, thi đấu và ngược lại.

Về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi lưu trú, hướng dẫn lưu ý một số điểm quan trọng như: thiết lập các kênh liên lạc với ban tổ chức hoặc cơ quan y tế theo quy định của địa phương.

Đảm bảo tách riêng từng khu vực hoặc từng khách sạn để hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn thể thao và người lạ; có phân chia khu vực nhà ăn riêng hoặc bố trí chỗ ngồi ăn hợp lý, giữ khoảng cách an toàn trong trường hợp cần thiết, nên bố trí đường di chuyển một chiều.

Đồng thời, cung cấp đủ khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn tay cho đoàn thể thao, đội thi đấu, đại biểu, khách mời, nhân viên phục vụ, người lao động... thường xuyên đeo khẩu trang khi ra vào và khi làm việc, khi tham dự.

Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 phải bố trí phòng cách ly y tế tạm thời trong khi chờ lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên nhanh... bố trí khu vực xét nghiệm tại nơi lưu trú theo quy định.

Khán giả xem thi đấu tại SEA Games 31 không phải xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa
Khán giả xem thi đấu tại SEA Games 31 không phải xét nghiệm Covid-19. Ảnh minh họa

Đồng thời, bố trí phòng trực cấp cứu, phòng an toàn thực phẩm và phòng phòng, chống dịch COVID-19. Tại các địa điểm lưu trú cũng cần thiết lập phòng cách ly, điều trị cho các trường hợp dương tính không có dấu hiệu, triệu chứng hoặc trường hợp mắcCOVID-19 có triệu chứng nhẹ vẫn tự phục vụ được...

Về vấn đề đưa đón các đoàn thể thao, các đội thi đấu, hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 phục vụ SEA Games 31 cũng có những hướng dẫn cụ thể như: thực hiện hoạt động theo cơ chế "khép kín" trong quá trình tham dự thi đấu tại SEA Games 31: di chuyển từ nơi lưu trú - sân tập, điểm tập luyện, nơi thi đấu, sân vận động - nơi lưu trú; lái xe, người trên xe phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển, bố trí dung dịch sát khuẩn tay trên xe, tiến hành khử khuẩn toàn bộ xe 1 lần trước khi đưa vào sử dụng để đưa đón các đoàn...

Tại lễ khai mạc, bế mạc cần chia khu vực sân vận động và kiểm soát ra vào, bố trí lối đi riêng cho khách mời, đại biểu, đoàn thể thao, tổ chức vệ sinh, khử khuẩn bên trong khu vực sân vận động trước ngày tổ chức, đồng thời phải bố trí khẩu trang, dung dịch sát khuẩn ở vị trí thuận lợi, bố trí tổ phòng, chống dịch hoặc tổ y tế, phòng trực cấp cứu và phòng, chống dịch, phòng cách ly tạm thời khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19... và chỉ lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19.

Trong khi thi đấu, ngoài vận động viên, trọng tài không phải đeo khẩu trang thì các thành phần khác phải đeo khẩu trang liên tục...

Khi kết thúc thi đấu các vận động viên, thành viên đoàn cũng phải thực hiện đeo khẩu trang, trừ trường hợp tham gia họp báo và phỏng vấn, trao nhận huy chương...

Hơn 8,94 triệu người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh

Trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 cho biết ngày 18/4 đã ghi nhận 12.012 ca mắc COVID-19, trong đó 1 ca nhập cảnh và 12.011 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.649 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố, trong đó có 7.752 ca trong cộng đồng). Chỉ còn duy nhất Hà Nội ghi nhận ca mới trên 1.000 ca/ ngày. Đây là ngày có số ca mắc mới thấp nhất trong 2,5 tháng qua ở nước ta.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.475.819 ca mắc mới, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 105.918 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.468.071 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.534.767), TP. Hồ Chí Minh (606.963), Nghệ An (476.612), Bình Dương (382.811), Bắc Giang (380.590).

Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở nước ta là 8.941.064 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.491.811 trường hợp, trong đó có 1.008 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: (1) Thở ô xy qua mặt nạ: 726 (2) Thở ô xy dòng cao HFNC: 123; (3) Thở máy không xâm lấn: 32; (4) Thở máy xâm lấn: 124 (5) Thở ECMO: 3.

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 18 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.957 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).