Hà Nội giải thể 13 cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19

UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định giải thể các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Cụ thể, các Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ bị giải thể bao gồm:

- Cơ sở thu dung tại Dự án nhà ở cao tầng khu đô thị Đền Lừ III, quận Hoàng Mai.

- Cơ sở thu dung tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai.

- Cơ sở thu dung tại ký túc xá Trường Đại học Phenikaa, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông.

- Cơ sở thu dung tại Khu nhà ở tái định cư phường Thượng Thanh, quận Long Biên.

- Cơ sở thu dụng tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai.

- Cơ sở thu dung tại chung cư 4A - Dự án Nam Đại Cồ Việt, số 8, Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng.

Hà Nội giải thể 13 cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN
Hà Nội giải thể 13 cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN

- Cơ sở thu dung tại khu tái định cư phường Xuân La, quận Tây Hồ.

- Cơ sở thu dung tại nhà B, C - khu tái định cư phường Trần Phú, quận Hoàng Mai.

- Cơ sở thu dung tại Khu nhà tái định cư cao tầng C13/DD1, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai.

- Cơ sở thu dung tại Dự án xây dựng nhà 30T1, 30T2 ô đất A14 thuộc khu đô thị Nam Trung Yên, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy.

- Cơ sở thu dung tại tòa nhà CT3, dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai.

- Cơ sở thu dung tại tòa nhà CT2, dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai.

- Cơ sở thu dung tại tòa nhà CT1, dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai.

Gần 1 tháng nay, số ca mắc mới của Hà Nội dưới 1.000 ca/ngày. Đặc biệt trong gần 1 tuần nay số ca ghi nhận mỗi ngày ở Thủ đô chỉ dưới 500 ca. 28 ngày qua Hà Nội không có bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Từ nhiều tháng nay, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp thành phố và quận/huyện đã không còn bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vào điều trị.

Thủ đô còn hơn 90.000 ca COVID-19 đang điều trị, theo dõi. Trong đó chỉ còn 143 ca điều trị tại các bệnh viện, số còn lại theo dõi tại nhà.

Sáng 18/5: Bệnh nhân COVID-19 nặng cả nước chỉ còn 206 ca

Theo Bộ Y tế, ngày 17/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.785 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (tăng 237 ca so với ngày trước đó) tại 48 tỉnh, thành phố (có 1.206 ca trong cộng đồng).

Tại Hà Nội, hôm qua là ngày thứ 28 thành phố không ghi nhận bệnh nhân COVID-19 tử vong. Từ nhiều tháng nay, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cấp thành phố và quận/huyện đã không còn bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng vào điều trị. Thủ đô còn hơn 90.000 ca COVID-19 đang điều trị, theo dõi. Trong đó chỉ còn 143 ca điều trị tại các bệnh viện, số còn lại theo dõi tại nhà.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 2.251 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.699.965 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.108 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.692.210 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.595.957), TP. Hồ Chí Minh (609.009), Nghệ An (483.670), Bắc Giang (386.462), Bình Dương (383.719).

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước chỉ còn 206 bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh minh họa
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước chỉ còn 206 bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh minh họa

Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi ở nước ta đến nay là: 9.364.857 ca. Còn hơn 1,29 triệu người mắc COVID-19 đang theo dõi, điều trị, trong số đó có 206 ca nặng đang điều trị gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 172 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 19 ca; Thở máy không xâm lấn: 2 ca; Thở máy xâm lấn: 11 ca; ECMO: 2 ca. Con số này giảm gần 90 trường hợp so với ngày 16/5.

Bộ Y tế cho biết, tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về các biến chủng.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và điều tra, xử lý ổ dịch COVID-19 kịp thời, đặc biệt là các ổ dịch mới, bất thường (phạm vi, tốc độ lây lan, số mắc, tỷ lệ ca bệnh nặng, tử vong, có biến thể mới...) liên quan đến người nhập cảnh.

Hoàn thiện bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi đến Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

Tại báo cáo này, đối với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất nâng Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp lên thành Luật, trong đó có nội dung tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh, Bộ Y tế thông tin, Bộ đang tập trung hoàn thiện bộ Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh trên cơ sở tổng kết 15 năm thi hành Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Trong đó tập trung rà soát, tổng hợp các khó khăn, bất cập trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm đặc biệt là phòng chống dịch COVID-19 có liên quan đến quy định của pháp luật để xem xét, đề xuất, sửa đổi Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong dự án Luật Phòng bệnh;

Các bài học kinh nghiệm và cơ sở triển khai thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 9/2022 để xem xét, cho ý kiến trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 12/2022.

FDA cấp phép sử dụng bộ kít xét nghiệm COVID-19, cảm cúm không cần đơn

Theo FDA, mọi cá nhân có thể tự mua bộ kít xét nghiệm COVID-19, cảm cúm tại nhà, tự lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm để lấy kết quả xét nghiệm mà không cần tư vấn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Mới đây, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng bộ kit xét nghiệm tại nhà đối với các bệnh đường hô hấp như COVID-19 hay cúm mùa.

FDA đã cấp phép sử dụng cho bộ xét nghiệm RT-PCR DTC đối với virus gây bệnh hô hấp mùa do công ty Labcorp nghiên cứu và sản xuất.

Giám đốc Trung tâm thiết bị và y tế phóng xạ thuộc FDA Jeff Shuren cho biết mặc dù cơ quan này đã cấp phép nhiều xét nghiệm COVID-19 mà không cần đơn thuốc, nhưng đây là xét nghiệm đầu tiên được phép lưu hành dành cho xét nghiệm bệnh cúm và virus gây bệnh hợp bào hô hấp (RSV), cùng với COVID-19.

Ông nêu rõ mọi cá nhân có thể tự mua, tự lấy mẫu và gửi đến phòng thí nghiệm để lấy kết quả xét nghiệm mà không cần tư vấn của chuyên gia chăm sóc sức khỏe.

Việc lấy mẫu sử dụng bộ kit RT-PCR DTC giống như việc lấy dịch mũi khi xét nghiệm COVID-19. Sau khi gửi mẫu xét nghiệm đến phòng thí nghiệm, người dân có thể nhận kết quả trên một trang web.

Ngoài virus SARS-CoV-2, bộ kit xét nghiệm của Labcorp có thể xác định virus gây cúm A, cúm B, RSV.

Bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 được sản xuất tại Draper, Utah, Mỹ. Ảnh: AFP
Bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 được sản xuất tại Draper, Utah, Mỹ. Ảnh: AFP

Cùng ngày, FDA cũng từ chối cấp phép sử dụng thuốc chống trầm cảm fluvoxamine trong điều trị COVID-19, cho rằng dữ liệu hiện có không cho thấy tính hiệu quả của loại thuốc này trong việc chống virus SARS-CoV-2.

FDA nêu rõ dựa trên việc xem xét các bằng chứng khoa học hiện có, cơ quan này xác định rằng dữ liệu không đủ để kết luận rằng thuốc fluvoxamine có thể có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19 ngoại trú nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc nguy cơ nhập viện.

Trước đó, Giáo sư David Boulware thuộc Đại học Minnesota đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp lên FDA, nhằm cho phép các bác sĩ kê đơn fluvoxamine, tên gọi đầy đủ là fluvoxamine maleate, để điều trị COVID-19 ở những bệnh nhân không nhập viện.

Trong phác đồ này, fluvoxamine không được dùng để điều trị trầm cảm mà sẽ có tác dụng tương tự một thuốc kháng virus.

Đơn xin cấp phép của ông Boulware dựa trên dữ liệu của 3 cuộc thử nghiệm lâm sàng , đặc biệt trong đó có cuộc thí nghiệm với 1.497 bệnh nhân COVID-19 không nhập viện tại Brazil.

Nghiên cứu tại Brazil đã cho thấy số lần nhập viện giảm khoảng 30% ở nhóm bệnh nhân sử dụng thuốc fluvoxamine.

Tuy nhiên, FDA cho biết có những điểm không chắc chắn về việc đánh giá, đo lường mức độ giảm các lần khám tại khoa cấp cứu kéo dài hơn 6 giờ.

Trước đó, FDA đã phê duyệt một số loại thuốc kháng virus khác nhằm hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà, đầu tiên là Molnupiravir và mới đây là Paxlovid.