Bộ Y tế hướng dẫn mới nhất, F1 không còn phải cách ly

Ngày 15/4, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần (F1).

Theo đó, trong văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ban hành gửi đến các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế cho biết, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đã đạt tỷ lệ bao phủ cao trên phạm vi toàn quốc; Tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong liên quan đến COVID-19 giảm sâu, phần lớn các ca mắc COVID-19 không có biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ. Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thực hiện Nghị quyết 38 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng chống dịch COVID-19, nhằm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế xã hội và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện các nội dung dưới đây điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh COVID-19 và người tiếp xúc gần (F1).

F1 không còn phải cách ly.
F1 không còn phải cách ly.

Theo đó, ca bệnh COVID-19 nghi ngờ là một trong số các trường hợp sau:

Là người có yếu tố dịch tễ và có biểu hiện triệu chứng (sốt và ho hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở).

Là người có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2.

Là trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng nghi do virus có chỉ định nhập viện.

Người có yếu tố dịch tễ bao gồm người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định, người có mặt trên các phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện nơi làm việc, lớp học... với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền.

Ca bệnh COVID-19 (F0) xác định là một trong số các trường hợp sau:

Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 bằng phương pháp RT-PCR

Là người có triệu chứng lâm sàng và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với COVID-19.

Là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với COVID-19.

Người tiếp xúc gần (F1) là một trong số các trường hợp sau:

Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền của F0.

Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 1 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 đang trong thời kỳ lây truyền.

Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 1 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với F0 đang trong thời kỳ lây truyền.

Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị F0 khi đang trong thời kỳ lây truyền định mà không sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

F0, F1 đều thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định

Theo Bộ Y tế tất cả các ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ), ca bệnh xác định (F0) đều thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm, cách ly, xét nghiệm, điều trị, chăm sóc theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với F1, trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với F0 đang trong thời kỳ lây truyền, F1 phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau:

Bảo đảm biện pháp phòng tránh lây nhiễm: đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch/dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác, đặc biệt là tránh tiếp xúc người có nguy cơ cao, người mắc bệnh nặng; không dùng chung vật dụng trong sinh hoạt, làm việc, học tập; hạn chế đến những nơi tập trung đông người.

Tự theo dõi sức khỏe (đối với trẻ em, học sinh thì cha mẹ/người giám hộ/giáo viên theo dõi sức khỏe cho trẻ em, học sinh) khi có triệu chứng của bệnh sốt và ho; hoặc có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở) cần báo ngay cho cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc sức khỏe theo quy định.

Khi có kết quả dương tính với COVID-19 phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được tư vấn, chăm sóc, điều trị và thực hiện các biện pháp phòng,chống lây nhiễm theo quy định.

Bộ Y tế nêu rõ, hướng dẫn mới này thay thế các hướng dẫn tại Công văn 11042 ngày 29/12/2021 và công văn 762 của Bộ Y tế về các nội dung liên quan đến điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần.

Ngày 15/4: Số mắc COVID-19 giảm còn 20.076 ca

Tính từ 16h ngày 14/4 đến 16h ngày 15/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 20.076 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 20.076 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.936 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 15.555 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.425), Phú Thọ (1.094), Bắc Giang (935), Yên Bái (895), Quảng Ninh (887), Nghệ An (865), Vĩnh Phúc (813), TP. Hồ Chí Minh (743), Tuyên Quang (687), Đắk Lắk (671), Hải Dương (610), Bắc Kạn (595), Lào Cai (548), Quảng Bình (532), Thái Nguyên (528), Thái Bình (511), Bắc Ninh (506), Lạng Sơn (405), Gia Lai (361), Sơn La (353), Cao Bằng (336), Hưng Yên (309), Lâm Đồng (302), Quảng Trị (269), Ninh Bình (265), Nam Định (262), Hà Nam (262), Hà Tĩnh (255), Bình Định (248), Tây Ninh (231), Quảng Nam (226), Lai Châu (225), Hòa Bình (215), Bình Phước (210), Điện Biên (206), Hà Giang (202), Vĩnh Long (196), Đà Nẵng (190), Cà Mau (184), Phú Yên (150), Đắk Nông (148), Bình Dương (147), Thanh Hóa (119), Quảng Ngãi (110), Hải Phòng (106), Bà Rịa - Vũng Tàu (106), Bình Thuận (97), Bến Tre (94), Thừa Thiên Huế (92), An Giang (71), Long An (62), Khánh Hòa (61), Trà Vinh (33), Bạc Liêu (31), Kon Tum (25), Kiên Giang (23), Cần Thơ (14), Đồng Nai (13), Ninh Thuận (8), Hậu Giang (7), Đồng Tháp (2).

Tính từ 16h ngày 12/4 đến 16h ngày 13/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 24.623 ca nhiễm mới. Ảnh minh họa

Ngày 15/4: Số mắc COVID-19 giảm còn 20.076 ca. Ảnh minh họa

Ngày 15/4/2022, Sở Y tế Nghệ An đăng ký bổ sung 53.858 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-252), Lào Cai (-200), Lâm Đồng (-187).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (+253), Hà Giang (+89), Phú Yên (+68).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 25.163 ca/ngày.

Chính phủ đồng ý mua vaccine COVID-19 tiêm cho trẻ

Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký Nghị quyết số 55/NQ-CP cho biết Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Y tế về việc tiếp nhận vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, viện trợ từ chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cho Việt Nam.

Bộ Y tế căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, tiến độ tiêm vaccine, nguồn viện trợ, nguồn vaccine có thể mua thương mại để xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, loại vaccine nhận viện trợ, mua thương mại bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ, an toàn, chất lượng, hiệu quả; không để bị động, không thừa, thiếu hụt vaccine trong mọi hoàn cảnh.

Trường hợp cần mua vaccine thương mại, Bộ Y tế chủ động xác định và chịu trách nhiệm về số lượng, thời gian và chủng loại cần mua phù hợp với tiến độ, báo cáo Thủ tướng. Nghị quyết cũng nêu rõ đồng ý áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt như đối với người lớn. Bộ Y tế chịu trách nhiệm tiếp nhận viện trợ, mua và tổ chức tiêm chủng vaccine bảo đảm hợp lý, an toàn, khoa học, hiệu quả và đặc biệt là tiến độ.

Sáng cùng ngày, tại Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), Bộ Y tế và tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng năm 2022. Sau lễ phát động, lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Quảng Ninh kiểm tra công tác tiêm chủng cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại Trường THCS Trần Quốc Toản.

Bộ Y tế hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi
Chính phủ đồng ý mua vaccine COVID-19 cho trẻ. Ảnh minh họa

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh hiện nay tiêm chủng liều cơ bản cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên tại Việt Nam đã đạt tỉ lệ cao và đang khẩn trương hoàn thành việc tiêm liều thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên. Với tỉ lệ bao phủ vaccine cao cho nhóm đối tượng, lứa tuổi có nguy cơ cao, Việt Nam đủ điều kiện để tiếp tục mở rộng đối tượng tiêm chủng và triển khai tiêm chủng cho các nhóm đối tượng khác, bao gồm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bậc cha mẹ hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng. Mỗi cán bộ y tế cần nâng cao trách nhiệm, thực hiện đầy đủ quy trình tiêm chủng, hiểu rõ, hiểu sâu về thực hành tiêm chủng an toàn. Các bệnh viện cần tham gia phối hợp xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Ngay sau lễ phát động, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tiêm chủng cho gần 200 trẻ khối 6 của Trường THCS Trần Quốc Toản đủ điều kiện tiêm chủng.

Cùng ngày, UBND TP Đà Nẵng ban hành kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại tất cả xã, phường trên địa bàn. Triển khai tiêm dự kiến chia 2 đợt. Đợt 1 bắt đầu trong tháng 4, tiêm cho các trẻ không bao gồm trẻ đã mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng qua. Đợt 2 triển khai sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về thời điểm tiêm chủng cho trẻ mắc COVID-19, tiến hành tiêm cho trẻ đã mắc COVID-19 có chỉ định trì hoãn tiêm chủng.