Long An: Nhiều vi phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch

Theo kết luận vừa được Thanh tra tỉnh Long An công bố, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm... phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh trong năm 2020 và 2021 đã xảy ra nhiều sai sót.

Cụ thể, tổng giá trị đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine, thuốc... trong 2 năm 2020-2021 là gần 875 tỷ đồng. Trong đó, Sở Y tế Long An triển khai thực hiện 37 gói thầu với tổng kinh phí gần 220 tỷ đồng; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Long An thực hiện 15 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế với tổng kinh phí hơn 128 tỷ đồng; các đơn vị trực thuộc Sở Y tế thực hiện 438 gói thầu với tổng kinh phí thực hiện là gần 381 tỷ đồng; UBND địa phương cấp huyện thực hiện 165 gói thầu với tổng kinh phí thực hiện hơn 146 tỷ đồng.

Thanh tra tỉnh Long An đã chỉ ra nhiều hạn chế, thiếu sót của các đơn vị, địa phương. Cụ thể, Sở Y tế đã đăng tải không kịp thời kế hoạch lựa chọn nhà thầu; báo cáo đánh giá hồ sơ đề xuất vượt thời gian theo quy định một số gói thầu trang thiết bị y tế. Việc tổ chức chỉ định thầu rút gọn các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế cho các Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện Đa khoa khu vực, Trung tâm y tế huyện,…

Sở Y tế chưa có sự phối hợp, chưa tham khảo giá bán thiết bị, vật tư y tế tương tự với mức giá bình quân thị trường, các đơn vị mua sắm trên địa bàn tỉnh, thu thập giá được đăng tải kết quả trúng thầu trên www.congkhaiketquathau.moh.gov.vn,... dẫn đến chênh lệch giá các trang thiết bị y tế các gói thầu gần 3,6 tỷ đồng, chênh lệch giá vật tư y tế hơn 543 triệu đồng; giá trang thiết bị y tế tính toán lại theo Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ Tài chính gần 17,7 tỷ đồng.

Thanh tra tỉnh Long An kết luận còn nhiều sai sót trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa
Thanh tra tỉnh Long An kết luận còn nhiều sai sót trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh minh họa

Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Long An thực hiện việc thay đổi trang thiết bị có xuất xứ Mỹ sang xuất xứ Trung Quốc không đúng như chủ trương ban đầu được UBND tỉnh phê duyệt; một số gói thầu việc thực hiện hợp đồng có chi phí không phù hợp với thực tế thi công, nghiệm thu, với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Trung tâm y tế các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa chưa có sự phối hợp, chưa tham khảo giá bán vật tư y tế tương tự của các đơn vị mua sắm trên địa bàn tỉnh dẫn đến các vật tư y tế các gói thầu có chênh lệch giá hơn 602 triệu đồng…

Từ những sai phạm trên, Chánh Thanh tra tỉnh Long An kiến nghị UBND tỉnh Long An tổ chức kiểm điểm Giám đốc Sở Y tế (giai đoạn năm 2020-2021); Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (giai đoạn năm 2021) về các hạn chế, thiếu sót đã phát hiện và chỉ ra qua thanh tra; đồng thời kiến nghị Sở Y tế, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, các cá nhân có liên quan đối với những hạn chế, thiếu sót như đã nêu trên; thực hiện rà soát, chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót qua thanh tra nêu ra.

Đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Hồi sức Bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc; Trung tâm y tế các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức, Thủ Thừa tổ chức kiểm điểm đối với chủ đầu tư và các cá nhân có liên quan trong việc thực hiện các gói thầu để hạn chế, thiếu sót.

Riêng đối với các gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, đoàn thanh tra chỉ thu thập số liệu các gói thầu mua sắm để tổng hợp báo cáo, không tiến hành kiểm tra, thẩm tra, xác minh. Theo đó, căn cứ hồ sơ, chứng từ do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc cung cấp cho đoàn thanh tra, trong năm 2020-2021, trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị thực hiện mua sắm sản phẩm xét nghiệm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á với tổng số lượng hơn 109.000 test, với các mức giá 525.000 đồng/test; 509.250 đồng/test; 470.000 đồng/test và 367.500 đồng/test với tổng giá trị gần 45 tỷ đồng. Trong đó có 9 gói thầu đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với số lượng hơn 66.000 test, tổng giá trị gần 29 tỷ đồng và 3 gói thầu chưa được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với số lượng hơn 43.000 test, tổng giá trị gần 16 tỷ đồng.

Ngày 13/4: Cả nước có 24.623 ca mắc mới COVID-19, tăng hơn 1.800 ca so với 12/4

Tính từ 16h ngày 12/4 đến 16h ngày 13/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 24.623 ca nhiễm mới, trong đó 0 ca nhập cảnh và 24.623 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.819 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 19.823 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.727), Phú Thọ (1.627), Vĩnh Phúc (1.147), Nghệ An (989), Yên Bái (972), Đắk Lắk (943), Quảng Ninh (914), Hải Dương (897), Bắc Kạn (850), TP. Hồ Chí Minh (848), Tuyên Quang (779), Lào Cai (752), Bắc Giang (730), Thái Nguyên (566), Lâm Đồng (562), Cao Bằng (548), Lạng Sơn (513), Thái Bình (511), Quảng Bình (472), Hưng Yên (464), Bắc Ninh (434), Sơn La (425), Hòa Bình (422), Nam Định (390), Đà Nẵng (383), Tây Ninh (357), Quảng Trị (336), Lai Châu (316), Gia Lai (287), Cà Mau (286), Hà Tĩnh (286), Bình Dương (260), Bình Phước (255), Vĩnh Long (248), Ninh Bình (245), Quảng Nam (239), Hà Nam (238), Quảng Ngãi (237), Điện Biên (235), Bà Rịa - Vũng Tàu (228), Bình Định (169), Hải Phòng (169), Bình Thuận (149), Thanh Hóa (136), Đắk Nông (136), Bến Tre (135), Hà Giang (118), Thừa Thiên Huế (116), Khánh Hòa (98), Phú Yên (88), Kiên Giang (81), An Giang (61), Long An (59), Trà Vinh (58), Bạc Liêu (32), Đồng Tháp (32), Kon Tum (22), Sóc Trăng (17), Đồng Nai (15), Cần Thơ (4), Ninh Thuận (4), Hậu Giang (3), Tiền Giang (3).

Tính từ 16h ngày 12/4 đến 16h ngày 13/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 24.623 ca nhiễm mới. Ảnh minh họa
Tính từ 16h ngày 12/4 đến 16h ngày 13/4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 24.623 ca nhiễm mới. Ảnh minh họa

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Giang (-282), Lào Cai (-236), Hà Nội (-215).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Dương (+377), Phú Thọ (+243), Vĩnh Phúc (+232).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 31.181 ca/ngày.

Trong ngày 12/4 có 214.550 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 208.810.706 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.580.356 liều: Mũi 1 là 71.384.931 liều; Mũi 2 là 68.497.377 liều; Mũi 3 là 1.505.597 liều; Mũi bổ sung là 15.019.368 liều; Mũi nhắc lại là 35.173.083 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.230.350 liều: Mũi 1 là 8.824.064 liều; Mũi 2 là 8.406.286 liều.

Việt Nam xây dựng 2 kịch bản phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh mới

Bộ Y tế sẽ xây dựng song song hai kịch bản phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh COVID-19 trở thành bệnh lưu hành và dự phòng khi xuất hiện tình huống mới nghiêm trọng để không bị động khi dịch có diễn biến mới.

Thông tin trên được GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trong bối cảnh đi lại nhiều trên toàn thế giới, việc phòng chống dịch COVID-19 không phải của một địa phương, một quốc gia mà của toàn thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra các kịch bản có thể xảy ra.

Cụ thể, ở kịch bản thứ nhất, biến thể Omicron dần dần giảm bớt động lực, bên cạnh đó việc có miễn dịch sẵn có (do mắc, tiêm vắc xin) sẽ giảm tối đa các trường hợp chuyển nặng và tử vong. Đây là kịch bản có xu thế xảy ra nhiều hơn. “Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới hay sang bệnh lưu hành, để các hoạt động trong xã hội có thể trở về bình thường. Một cá nhân trong xã hội biết được các nguy cơ của mình, từ nguy cơ đó nếu thực hiện tốt họ sẽ trở lại cuộc sống bình thường. Chúng ta chủ yếu tập trung can thiệp vào nhóm đối tượng nguy cơ", GS Lân cho hay.

Kịch bản thứ 2, theo GS Lân là xuất hiện các biến thể mới trong bối cảnh hiểu biết của thế giới về virus SARS-CoV-2 chưa toàn diện. “Khi sự giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện các biến thể mới vẫn còn có khả năng xảy ra. Điều này có thể làm giảm đi hiệu quả của vắc xin, xuất hiện sự tái nhiễm, đặc biệt có thay đổi chuyển nặng, lây lan mạnh. Khi đó, chúng ta sẽ phải triển khai lại các biện pháp cấp bách như chúng ta đã từng làm. Hiện nay chúng ta đã có các vũ khí như vắc xin, thuốc điều trị, kinh nghiệm của các biện pháp phòng chống dịch. Tuy nhiên chúng ta phải thường xuyên cập nhật, kể cả về thuốc điều trị, đặc biệt là công nghệ vắc xin", chuyên gia dịch tế Phan Trọng Lân thông tin.

Việt Nam xây dựng 2 kịch bản
Việt Nam xây dựng 2 kịch bản phòng dịch COVID-19 trong bối cảnh mới. Ảnh minh họa

Bộ Y tế nhận định, tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Từ cuối tháng 12/2021, sau khi ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay. Điều này cũng tương đồng với một số nước trong khu vực như Malaysia và Singapore. Dịch đạt đỉnh vào khoảng 8 đến 9 tuần sau khi ghi nhận biến thể Omicron xâm nhập.

Trong 3 tuần qua số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày do Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Việc triển khai chiến dịch được thực hiện trên quan điểm thống nhất "tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả và phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để đảm bảo không bỏ sót đối tượng tiêm chủng đặc biệt với người nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật, phụ nữ mang thai, người không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi, đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm lao động di cư ở các thành thị…