Hộ chiếu vaccine Việt Nam sẽ được 27 nước EU công nhận

Ngày 12/5/2022, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi liên quan đến tiến độ công nhận hộ chiếu vaccine của các nước đối với Việt Nam, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt cho biết:

Đến nay, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau với 20 nước, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore, Saint Lucia, Hàn Quốc, Iran, Malaysia và Cộng hoà Dominica.

Hộ chiếu vaccine Việt Nam đã được 20 nước châu Âu chấp nhận. Ảnh minh họa
Hộ chiếu vaccine Việt Nam đã được 27 nước EU công nhận. Ảnh minh họa

Ngày 11/5 vừa qua, Uỷ ban châu Âu (EC) cũng đã ban hành Quyết định công nhận hộ chiếu vaccine điện tử của Việt Nam. Theo đó, hộ chiếu vaccine của Việt Nam sẽ được 27 nước Liên minh châu Âu (EU) công nhận; đồng thời, mã QR của hộ chiếu vaccine này cũng có thể được xác thực tại 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tham gia hệ thống hộ chiếu vaccine của EU.

Như vậy, hộ chiếu vaccine của Việt Nam có thể được sử dụng tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đây là kết quả của nỗ lực phối hợp, trao đổi giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông với các đối tác.

Triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh COVID-19

Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 12/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.949 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (tăng 1.191 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 3.294 ca trong cộng đồng).

Hôm qua Sở Y tế Quảng Ninh đăng ký bổ sung 2.550 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 3.024 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.690.471 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.025 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.682.719 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.593.656), TP. Hồ Chí Minh (608.848), Nghệ An (483.191), Bắc Giang (385.974), Bình Dương (383.595).

Số mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 12/5.
Số mắc COVID-19 tại Việt Nam đến ngày 12/5.

Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi là: 9.334.964 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.309.689 trường hợp, trong đó có 346 trường hợp nặng đang điều trị gồm: Thở ô xy qua mặt nạ: 270; thở ô xy dòng cao HFNC: 42; Thở máy không xâm lấn: 7; Thở máy xâm lấn: 25; Thở ECMO: 2.

Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh vẫn đang được cơ bản kiểm soát trên phạm vi cả nước, trong tuần, cả nước ghi nhận khoảng 2.000 ca trong cộng đồng mỗi ngày và dưới 3 ca tử vong mỗi ngày.

Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Bộ Y tế đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh

Trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ&Đời sống, GS.TS Phan Trọng Lân- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, thời gian qua Bộ Y tế đã lấy ý kiến Hiệp Hội vận tải hàng không quốc tế, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan về việc tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-COv-2 đối với người nhập cảnh theo đường hàng không. Đến nay đề xuất này cơ bản nhận được sự đồng thuận của các đơn vị đã lấy ý kiến.

Theo Cục trưởng Phan Trọng Lân, đề xuất này được đưa ra dựa trên cơ sở thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" cũng như căn cứ bối cảnh tình hình dịch bệnh, kết quả tiêm chủng phòng chống COVID-19 và khả năng đáp ứng với dịch bệnh của nước ta.

Đến nay có khoảng 50% quốc gia, vùng lãnh thổ đã tạm dừng, dừng thực hiện yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh.

"Việc đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh theo đường hàng không cũng là để hài hòa với các nước trên thế giới, tổ chức quốc tế và nhằm thống nhất giữa các đơn vị chuyên môn, kỹ thuật liên quan về áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với người nhập cảnh. Đồng thời việc này cũng được áp dụng triển khai một cách linh hoạt phù hợp từng giai đoạn dịch bệnh"- Cục trưởng Phan Trọng Lân nói.

Bộ Y tế đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh. Ảnh minh họa
Bộ Y tế đề xuất tạm dừng yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh. Ảnh minh họa

Cũng liên quan đến người nhập cảnh, để phù hợp với thực tiễn và căn cứ tình hình dịch COVID-19 và Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế với COVID-19 tại tất cả các cửa khẩu của Việt Nam đối với người nhập cảnh kể từ 00 giờ 00 phút ngày 27/4/2022.

Duy trì giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới...

Trước đó, yêu cầu xét nghiệm sau khi nhập cảnh cũng đã được tạm dừng.

Cùng đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa kể từ 00 giờ 00 phút ngày 30/4/2022.