Nhiều tỉnh thành cho trẻ trở lại trường học bắt đầu từ tháng 4

Sau thời gian gần 2 tháng phải học trực tuyến để phòng, chống dịch COVID-19, ngày 30/3, UBND tỉnh Hà Nam có công văn 663/UBND-KGVX đồng ý cho trẻ Mầm non, lớp 1 đến lớp 6 trên địa bàn tỉnh đi học trực tiếp tại trường từ ngày 1/4.

UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức cho trẻ Mầm non, học sinh, đi học trực tiếp trở lại bảo đảm an toàn, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của UBND tỉnh về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam cho biết, dịch tại địa phương đã được kiểm soát và tỉnh đang thực hiện chuyển sang trạng thái bình thường mới. Việc cho các em trở lại trường là cần thiết. Sở đã yêu cầu các trường chủ động trong công tác tiêm phòng vaccine cho cán bộ, giáo viên, học sinh trên địa bàn. Hiện hơn 98,9% giáo viên và học sinh đã tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 và đang tiến hành tiêm mũi 3 cho các trường hợp đủ điều kiện.

Từ tháng 4, nhiều tỉnh thành cho trẻ trở lại trường học. Ảnh: Vietnamnet
Từ tháng 4, nhiều tỉnh thành cho trẻ trở lại trường học. Ảnh: Vietnamnet

Tại hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định với các huyện, thành phố diễn ra chiều 30/3, căn cứ tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn có chuyển biến tốt, số ca mắc mới mỗi ngày giảm mạnh, tỉnh Nam Định quyết định cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường từ ngày 4/4. Tuy nhiên, tỉnh Nam Định chưa tổ chức ăn bán trú. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ ở nhà cho đến khi có thông báo mới.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định cũng quyết định dừng hoạt động cơ sở cách ly y tế tại khách sạn Hồi An (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) và đóng cửa các cơ sở cách ly tuyến huyện từ ngày 1/4.

Chiều 30/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đã ký Công văn 298 /UBND-KGVX thống nhất chủ trương cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi trở lại trường từ ngày 4/4/2022.

Theo đó, UBND tỉnh An Giang giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện, phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chí an toàn về phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định khi cho trẻ trở lại trường.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh tại các địa phương, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra các tiêu chí về an toàn trường học, đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch trong nhà trường và các điểm giữ trẻ theo quy định...

Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục căn cứ cấp độ dịch của địa phương và điều kiện về cơ sở vật chất của đơn vị, xây dựng phương án đón trẻ đảm bảo các tiêu chí phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Hai bé ở Quảng Ninh mắc hội chứng hậu COVID-19 hiếm gặp

Đại diện Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận 2 ca bệnh nhỏ tuổi (bé gái 10 tuổi, bé trai 11 tuổi) cùng trú tại TP Hạ Long mắc hội chứng MIS-C hiếm gặp/hậu COVID-19.

Theo đại diện gia đình 2 bệnh nhân, các cháu bị mắc COVID-19 và sau khoảng 2-3 tuần khỏi bệnh. Khi khỏi bệnh, các cháu xuất hiện sốt cao (39-40 độ), dùng thuốc hạ sốt thông thường không có chuyển biến, người mệt mỏi, ăn kém, có đau bụng, buồn nôn, đi ngoài.

Đặc biệt, 2 cháu này nổi ban đỏ rải rác toàn thân toàn thân, mắt đỏ (xung huyết giác mạc), phù nề bàn tay, bàn chân, nổi hạch vùng góc hàm... và được người thân đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy.

Sau khi tiếp nhân bệnh nhân, các bác sĩ tiến hành thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết và cho kết quả như như sau: D-Dimer, Ferritin, Pro-calcitonin... cao hơn gấp nhiều lần so với các chỉ số thông thường; bạch cầu, tiểu cầu xu hướng giảm. Lúc này bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán hội chứng viêm đa hệ thống liên quan COVID- 19 ở trẻ em (Multissystem Inflammatory Syndrome In Children – MIS –C)/ Hậu COVID-19.

Hai cháu bé ở Quảng Ninh mắc hội chứng MIS-C hiếm gặp/hậu COVID-19. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống
Hai cháu bé ở Quảng Ninh mắc hội chứng MIS-C hiếm gặp/hậu COVID-19. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Đại diện bệnh viện cho biết, hai bệnh nhân mắc hội chứng nói trên đã đưa đến bệnh viện kịp thời, đó đó được chẩn đoán sớm, điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên đây là bệnh đòi hỏi phải có các loại thuốc đặc trị nên các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy đã tư vấn cho gia đình chuyển tuyến.

Liên quan đến hội chứng nói trên, bác sĩ Nguyễn Thị Huyền - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy cho hay, tỷ lệ trẻ mắc hội chứng MIS-C hiếm gặp, nhưng thường diễn tiến nặng có thể gây tử vong sau khi mắc COVID-19 ở trẻ nhỏ. Hai 2 bệnh trên cũng là trường hợp đầu tiên Bệnh viện Bãi cháy tiếp nhận mắc hội chứng này trong 1 tuần nay.

Do đó, với trẻ đã từng mắc COVID-19, các gia đình không được chủ quan. Sau khi trẻ có kết quả âm tính từ 2- 6 tuần, nếu có biểu hiện như: sốt cao trở lại, phát ban, rối loạn tiêu hóa… cần cho trẻ đi khám và điều trị kịp thời.

Được biết, hội chứng MIS-C là tình trạng viêm đa cơ quan sau mắc COVID-19, thường xảy ra sau mắc COVID-19 khoảng 2-3 tuần với các triệu điển hình như: sốt cao khó hạ, đau bụng, nôn, tiêu chảy, đỏ mắt (xung huyết giác mạc), phát ban, phù nề bàn tay, bàn chân…

Cả nước 85.765 ca, 114.685 ca khỏi bệnh

Tính từ 16h ngày 29-3 đến 16h ngày 30-3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 85.765 ca COVID-19 mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 85.759 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.619 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 62.336 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (8.141), Bắc Giang (3.999), Nghệ An (3.731), Phú Thọ (3.580), Đắk Lắk (3.381), Yên Bái (3.206), Lào Cai (3.081), Lạng Sơn (2.625), Quảng Ninh (2.564), Quảng Bình (2.389), Hà Giang (2.356), Vĩnh Phúc (2.326), Thái Bình (2.067), Sơn La (2.023), Bắc Kạn (1.907), Bắc Ninh (1.854), Hải Dương (1.783),

Tuyên Quang (1.747), Hưng Yên (1.735), Cao Bằng (1.640), Cà Mau (1.618), Quảng Trị (1.590), Lâm Đồng (1.530), Vĩnh Long (1.454), Bình Định (1.391), Tây Ninh (1.391), Thái Nguyên (1.341), Hòa Bình (1.328), Hà Nam (1.308), Điện Biên (1.295), Bình Dương (1.210), Lai Châu (1.056), Ninh Bình (1.047), Bình Phước (1.034),TP.HCM (984), Bến Tre (899),

Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến chiều 30/3.
Biểu đồ số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam đến chiều 30/3.

Hà Tĩnh (784), Đà Nẵng (783), Quảng Ngãi (766), Bà Rịa - Vũng Tàu (712), Nam Định (695), Thừa Thiên Huế (672), Trà Vinh (642), Thanh Hóa (570), Hải Phòng (466), Khánh Hòa (466), Đắk Nông (452), Bình Thuận (423), Phú Yên (320), Quảng Nam (276), Kon Tum (201), An Giang (189), Bạc Liêu (163), Kiên Giang (135), Long An (117), Sóc Trăng (112), Đồng Tháp (54), Đồng Nai (49), Cần Thơ (41), Hậu Giang (29), Ninh Thuận (26), Tiền Giang (5).

Trong ngày 29/3 có 386.237 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 205.882.049 liều, trong đó:

+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 188.708.919 liều: Mũi 1 là 71.231.603 liều; Mũi 2 là 68.034.244 liều; Mũi 3 là 1.502.593 liều; Mũi bổ sung là 14.902.166 liều; Mũi nhắc lại là 33.038.313 liều.

+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.173.130 liều: Mũi 1 là 8.802.438 liều; Mũi 2 là 8.370.692 liều.