Bình Định: Đề nghị bổ sung hai quy định liên quan đến dự án bất động sản

Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bình Định vừa kiến nghị 2 nội dung liên quan đến khó khăn, vướng mắc trong phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản, nhà ở.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 42, Luật quy hoạch đô thị năm 2009 và Điều 31, Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 7/4/2010 của Chính phủ quy định về việc thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch đô thị và thực hiện thẩm định theo cơ chế Hội đồng thẩm định.

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Bình Định, 2 quy định trên không quy định rõ việc các nội dung có liên quan đến Hội đồng thẩm định như kinh phí hoạt động; quy trình hoạt động; cơ chế hoạt động và các biểu mẫu thẩm định; phiếu tham gia ý kiến của thành viên hội đồng; biên bản họp hội đồng….nên khó khăn trong việc triển khai.

Do vậy, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định về kinh phí hoạt động; quy trình hoạt động; cơ chế hoạt động và các biểu mẫu thẩm định (như phiếu tham gia ý kiến của thành viên hội đồng, biên bản họp hội đồng….); các chế tài trong việc không thực hiện thẩm định theo cơ chế Hội đồng thẩm định… để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Bản tin bất động sản ngày 28/8: Dự kiến hợp nhất huyện Hoa Lư vào TP Ninh Bình
Ninh Bình: Dự kiến hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình

Ninh Bình: Dự kiến hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình

Ninh Bình dự kiến hợp nhất huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình theo định hướng 'Đô thị Cố đô - di sản', tập trung phát triển du lịch - dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Tràng An.

Đây là một trong những nội dung trọng tâm theo Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2023 - 2030.

Một số điểm nhấn đáng chú ý là việc hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư; xây dựng một số xã lên phường, trở thành thành phố trực thuộc tỉnh với định hướng là “Đô thị Cố đô - di sản”, tập trung phát triển du lịch - dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Tràng An, để trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế.

Đồng thời, sẽ mở rộng địa giới hành chính, phát triển thành phố Tam Điệp theo định hướng đô thị công nghiệp - dịch vụ, kết nối và chuyển tiếp hài hòa, phù hợp với vùng Di sản Tràng An, tạo động lực phát triển vùng Đông Nam huyện Nho Quan.

Thanh Hóa: Phê duyệt quy hoạch đô thị gần 2.000ha tại huyện Thiệu Hóa

UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa có Quyết định số 2931/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Giang Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã Thiệu Giang, Thiệu Quang và một phần diện tích xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa. Cụ thể, phía Bắc giáp các xã Định Thành, Định Công, huyện Yên Định; phía Đông giáp xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa; phía Tây giáp các xã Thiệu Duy, Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa.

Đô thị Giang Quang có tính chất là trung tâm kinh tế xã hội khu vực Đông Bắc huyện Thiệu Hóa, khu vực phụ cận và và đầu mối giao thông quan trọng của huyện, có nút giao đường cao tốc Bắc - Nam tại Thiệu Giang; tuyến đường nối Quốc lộ 1 - Quốc lộ 45 (đường Hoằng Xuân - Thiệu Long).

Định hướng phát triển đô thị Giang Quang theo mô hình 01 trục động lực, 02 vùng phát triển, 03 đơn vị ở. Trong đó, phát triển 01 Trục động lực Hoằng Xuân - Thiệu Long là trục giao thông trọng điểm của tỉnh, phía Đông kéo đến khu vực ven biển, phía Tây đến các huyện miền núi phía Tây của tỉnh.

Khánh Hòa: Quy hoạch huyện Khánh Vĩnh theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Khánh Vĩnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch sẽ xác định vùng kinh tế động lực, vùng đô thị hóa tập trung, vùng phát triển du lịch, vùng phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, vùng sinh thái... của huyện theo hướng cân bằng và bền vững. Hệ thống đô thị của huyện phát triển theo mô hình tiểu đô thị sinh thái núi rừng, ưu tiên phát triển chú trọng hình thành các đô thị có mật độ cây xanh sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu và hệ thống rừng đặc trưng. Đồng thời, đưa huyện Khánh Vĩnh là trung tâm du lịch và văn hóa - sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó cần bảo tồn đa dạng sinh học rừng. Nhiệm vụ quy hoạch cũng cần đề xuất phát triển hệ thống các khu, cụm công nghiệp tập trung trên cơ sở khai thác lợi thế riêng của huyện Khánh Vĩnh...