Bình Thuận 'bêu tên' 43 dự án chây ì, chậm tiến độ

Đây là kết quả kiểm tra của Tổng cục Quản lý đất đai về việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ… trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Phần lớn các dự án này ở ven biển thuộc địa bàn TP Phan Thiết, thị xã La Gi, các huyện Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Tuy Phong.

Tổng diện tích đất của 43 dự án trên là gần 645ha. Mục đích sử dụng đất của các dự án này là thương mại dịch vụ, đất ở và thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh, rừng sản xuất và thương mại dịch vụ, trồng rừng phòng hộ kết hợp với kinh tế. Trong đó, phần lớn là các dự án thương mại dịch vụ.

Trong đó, tại TP Phan Thiết (13 dự án): Khu du lịch sinh thái Oscar, Khách sạn nghỉ dưỡng Bình An - Mũi Né, Khách sạn du lịch Hữu Lợi, Dự án Sentosa Villa, The Balé, Khu biệt thự Revera Park, Khu du lịch Minh Sơn, Khu du lịch Thành Hưng, Khu du lịch Mũi Né Infity, Khu du lịch Ngọc Khánh, Dự án Resort Hotel Lamuine 2, Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết, Nhà hàng và dịch vụ kết hợp nghỉ dưỡng Phương Trang.

Tại thị xã Lagi (8 dự án): Khu du lịch sinh thái Whale Hill, Khu du lịch E DEN, Khu du lịch Thu Hằng, Khu du lịch Làng Tre La Gi, Khu du lịch Sài Gòn - Hàm Tân, Khu du lịch Song Thành, Khu du lịch Mũi Đá, Khu du lịch Việt Chăm.

Tại huyện Hàm Thuận Nam (10 dự án): Khu du lịch Huy Hoàng, Khu du lịch Cẩm Thái, Khu du lịch Honey Beach, Khu du lịch Đại Tây Dương, Khu nghỉ dưỡng Amina Phan Thiết, Khu du lịch sinh thái Kê Gà, Khu du lịch Thuận Quý I, Khu du lịch Liên Hương - Sài Gòn, Khu du lịch Ngọn Hải Đăng, Khu du lịch Hòn Lan (Golden Orchid).

Huyện Bắc Bình (8 dự án): Khu du lịch Hawaii, Dự án du lịch Hòn Nghề 1, Khu du lịch sinh thái Francisco Bay, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Cát, Khu du lịch Tazon Resort, Khu du lịch sinh thái Delverton, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bàu Trắng - Hòn Hồng, Khu du lịch sinh thái Hồng Quang - Phan Thiết.

Huyện Tuy Phong (5 dự án): Khu nghỉ dưỡng Cà Ná, Khu tổ hợp khách sạn cao cấp Utisys, Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Lòng Sông, Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Châu Lê, Khu du lịch Hải Yến.

Trong số trên, có những dự án “đội sổ” chậm tiến độ từ 20 năm trước; hoặc những dự án sai phạm về chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định, xây dựng hạ tầng đô thị khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng đất sai mục đích.

Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nằm trong những khu đất đắc địa nhất của TP. Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Báo Đầu tư
Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết nằm trong những khu đất đắc địa nhất của TP. Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Báo Đầu tư

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, đơn vị này đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động công bố công khai, cập nhật thông tin về vi phạm pháp luật đất đai đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Đồng thời khẩn trương tham mưu kiểm tra, xử lý đối với 67 dự án chậm tiến độ sử dụng đất khác mà đoàn kiểm tra chưa trực tiếp kiểm tra trong đợt này.

Nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh tiếp tục cho phép gia hạn tiến độ sử dụng đất đối với các dự án chậm tiến độ đã được gia hạn nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa kịp thời đưa đất vào sử dụng.

Tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra các tồn tại, hạn chế, vi phạm liên quan đến công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của Sở.

Tỉnh nay cũng Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động tham mưu tỉnh rà soát, thống kê, theo dõi, cập nhật thông tin đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn; Sở Xây dựng có nhiệm vụ chủ động, tích cực đôn đốc việc lập, phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500 trên địa bàn tỉnh để các dự án có căn cứ cấp phép xây dựng, triển khai thực hiện đầu tư, xây dựng của các dự án.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi, quản lý đối với các dự án đầu tư trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính về quy hoạch, xây dựng để các dự án sớm hoàn tất thủ tục, tiến hành đầu tư xây dựng để hoàn thành công trình đưa đất vào sử dụng...

Trước đó, ngay 22/10 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã phát đi Công văn số 4241 về việc công bố công khai danh sách các dự án có vi phạm tiến độ sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, thực hiện Thông báo kết luận kiểm tra số 69 (ngày 21/6/2022) của Tổng cục Quản lý đất đai, về việc quản lý, sử dụng đất đối với dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất, các dự án có sử dụng đất được cho gia hạn hoặc bị chấm dứt hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc công khai trên cổng thông tin điện tử của tỉnh Bình Thuận và của Sở Tài nguyên và Môi trường đối với Danh sách công khai 43 dự án vi phạm.

Đà Nẵng đấu giá 14 khu đất lớn

Đà Nẵng vừa phê duyệt danh mục 14 khu đất lớn đưa ra đấu giá đợt 2 năm 2022. Căn cứ danh mục quỹ đất đấu giá này, Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng sẽ triển khai các thủ tục để đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2022 và năm 2023.

Các khu đất đưa ra đấu giá lần này chủ yếu gồm đất thương mại dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh, đất xây trường mẫu giáo và đất làm bãi đỗ xe. Cụ thể các khu đất xây trường mẫu giáo gồm Khu đất A8 thuộc Khu E mở rộng - KDC Nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ rộng hơn 2,2 ngàn m2; khu đất A2-2 thuộc dự án Khu dân cư Phía Nam đường Bùi Tá Hán, phường Khê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn diện tích 1480 m2.

Các khu đất làm bãi đỗ xe gồm khu đất thu hồi của Công ty CP thực phẩm Á Long, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ rộng hơn 3 ngàn m2; khu đất 172 Nguyễn Chí Thanh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu rộng 1653m2; khu đất A3 Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu 3 mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh và Lê Đình Dương, rộng 3113 m2 (Dự án công viên, bãi đỗ xe công cộng kết hợp thương mại dịch vụ).

Bản tin bất động sản ngày 27/10: Bình Thuận 'bêu tên' 43 dự án chây ì, chậm tiến độ
"Tam giác vàng" 3 mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh - Phan Châu Trinh - Lê Đình Dương được TP.Đà Nẵng đưa ra đấu giá, Ảnh: Thanh Niên

Ngoài ra còn nhiều khu đất lớn khác đưa ra đấu giá mục đích thương mại dịch vụ như Khu phức hợp Trung tâm thương mại - Chung cư cao cấp tại lô đất A-1 thuộc dự án Khu Tái định cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, 3 mặt tiền đường Lê Văn Duyệt, Hồ Hán Thương, Bùi Dương Lịch, rộng 11.371m2. Khu đất thương mại dịch vụ tại lô đất A1-14 thuộc dự án khu C-KDC Nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, 4 mặt tiền đường Nguyễn Xuân Lâm, Đô Đốc Lân, Lê Quang Định, Huỳnh Xuân Nhị, diện tích 4224m2.

Khu đất thương mại dịch vụ tại lô A2.11 thuộc dự án khu E (giai đoạn 2) - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, bốn mặt tiền đường Hoàng Đình Ái - Trần Nam Trung - Lê Quang Định - Nguyễn Xuân Lâm, diện tích hơn 3.600 m2. Dự án Tổ hợp thể thao, giải trí và thương mại Hòa Xuân (phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ), diện tích gần 350.000m2. Khu Trung tâm thương mại (siêu thị) phía Đông Nam ký túc xá sinh viên (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), bốn mặt tiền đường Nguyễn Sinh Sắc - Lê Doãn Nhạ - đường quy hoạch 10,5m - đường quy hoạch 5,5m, diện tích hơn 19.000m2. Chợ đầu mối Hòa Phước (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) với diện tích hơn 300.000 m2.

TP HCM tiến hành kiểm tra 61 sàn giao dịch bất động sản

Sở Xây dựng TP HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm tra tình hình chấp hành quy định pháp luật của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn thành phố.

61 sàn giao dịch trong danh sách kiểm tra của Sở Xây dựng nằm ở 16/22 đơn vị hành chính cấp huyện. 6 địa phương không có sàn giao dịch trong danh sách này, gồm quận 5, quận 11, Bình Tân và huyện Củ Chi, Hóc Môn và Cần Giờ.

Việc kiểm tra này cũng nhằm tuyên truyền, hướng dẫn các sàn giao dịch bất động sản chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản; đánh giá tình hình hoạt động, khó khăn, vướng mắc để phối hợp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật…

TP. HCM sẽ tiến hành kiểm tra về hoạt động về giao dịch mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; tổ chức việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; giới thiệu, niêm yết, cung cấp công khai thông tin về bất động sản cho các bên tham gia có nhu cầu giao dịch.

2 tổ kiểm tra của Sở Xây dựng sẽ kiểm tra giấy tờ về bất động sản bảo đảm đủ điều kiện được giao dịch; làm trung gian cho các bên trao đổi, đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản;

Kiểm tra về nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản như điều kiện của bất động sản được đưa lên sàn giao dịch bất động sản để giao dịch; cơ sở vật chất, kỹ thuật và điều kiện hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; chế độ báo cáo…

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Flamingo Tân Trào tại Tuyên Quang

Flamingo Tân Trào có vị trí tọa lạc tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Dự án nằm ngay cạnh Quốc lộ 20C, cây cầu Trắng và nằm dọc 2 bên bờ sông Phó Đáy thuận tiện cho việc di chuyển đến các vùng lân cận.

Flamingo Tân Trào có tổng diện tích quy hoạch 25 ha với tổng vốn đầu tư 663 tỷ đồng. Trong đó: 97.218 m2 diện tích dành cho đất xây dựng homestay (298 lô), shop dịch vụ bán lẻ (32 lô), đất khách sạn, bãi đỗ xe, quảng trường, cây xanh; 152.782 m2 dành cho đất giao thông đường bộ, đất hạ tầng kỹ thuật, đất mặt nước, đất kè.

Dự án được chia làm 3 phân khu: Mùa Hoa, Việt Bắc, Páo Dung:

Mùa Hoa: số lượng 32 sản phẩm, có diện tích từ 72 – 96 m2, chiều cao 3 tầng với 10 mẫu thiết kế khác nhau.

Việt Bắc: số lượng 154 sản phẩm, diện tích đa tạng từ 72 – 106 m2, chiều cao 3 tầng với 11 mẫu thiết kế khác nhau.

Páo Dung: số lượng 144 sản phẩm, diện tích từ 72 – 120 m2, chiều cao 3 tầng với 18 mẫu thiết kế khác nhau.

Phối cảnh dự án Flamingo Tân Trào Tuyên Quang
Phối cảnh dự án Flamingo Tân Trào Tuyên Quang.

Tiện ích dự án Flamingo Tân Trào đa dạng với những thiết kế như: tổ hợp chăm sóc sức khỏe, suối nước nóng, hệ thống bar và nhà hàng, hệ thống bể bơi đa dạng, công viên nước, trung tâm hội nghị, bãi diều, không gian nghệ thuật…

Chủ đầu tư dự án Flamingo Tân Trào Tuyên Quang là Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải (thành viên của Tập đoàn Flamingo). Được thành lập ngày 14/08/2009, đặt trụ sở tại thôn Đại Quang, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo tìm hiểu, dự án Flamingo Tân Trào có tên pháp lý là Làng Văn hóa du lịch và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào tại xã tân Trào, huyện sơn Dương. Dự án được hủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho đại diện Công ty Cổ phần Hồng Hạc Đại Lải vào tháng 08/2022.

Ngày 19/10/2022, Tập đoàn Flamingo tổ chức lễ khởi công dự án Làng văn hóa du lịch và phát huy giá trị lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (tên thương mại là Flamingo Tân Trào) tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.