Hà Nội quyết 'trảm' dự án chậm tiến độ

Theo báo cáo, Hà Nội hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý. Trong đó có 30 dự án được kiến nghị thu hồi (đến nay đã thu hồi 10 dự án); 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật Đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng.

Những quận, huyện chiếm số lượng dự án chậm tiến độ nhiều nhất ở Hà Nội là Hoài Đức với 51 dự án, Mê Linh 47 dự án, Nam Từ Liêm 48 dự án, Hoàng Mai 25 dự án...

Từng một thời "gây sốt" trên thị trường bất động sản nhưng hiện nay, nhiều dự án ở huyện Mê Linh vẫn "giẫm chân tại chỗ". Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Tiền Phong có khá nhiều khu đất dự án bị bỏ hoang từ nhiều năm qua. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định thu hồi một số dự án do các nhà đầu tư 10 năm không triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh như khu đô thị mới Prime Group, khu đô thị mới BMC, khu đô thị mới Việt Á...

Trong đợt kiểm tra gần đây nhất, cơ quan liên ngành của TP Hà Nội kiến nghị UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động đối với 8 dự án đang bị "treo". Hiện các quận, huyện, thị xã tiếp tục bổ sung các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, dự án vi phạm và tiếp tục đề xuất, kiến nghị xử lý đối với 173 dự án. Trong số này, 120 dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng chậm triển khai.

Nhiều dự án được giao đất ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội nhưng vẫn “án binh bất động”. Ảnh Người Lao động
Nhiều dự án được giao đất ở huyện Mê Linh, TP Hà Nội nhưng vẫn “án binh bất động”. Ảnh Người Lao động

Không chỉ Hà Nội, tình trạng dự án bỏ hoang còn xảy ra ở nhiều địa phương khác. Như tại Thanh Hóa, qua thanh tra, kiểm tra đối với 654 dự án cho thấy có 164 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm quy định tại Luật Đất đai năm 2013. UBND tỉnh này đã quyết định thu hồi đất 21 dự án, với tổng diện tích lên tới 89,88 ha.

Theo TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các dự án "treo", chậm tiến độ sẽ khiến hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất kém, trong khi hiệu suất sử dụng các nguồn lực đầu vào nói chung và nguồn lực đất đai nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nói việc dự án chậm tiến độ, dự án "treo" gây lãng phí rất lớn. Do đó, các cấp chính quyền cần vào cuộc quyết liệt, kiên quyết xử lý, thu hồi.

Để xử lý "mạnh tay" với các dự án chậm tiến độ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan, địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tăng cường thẩm tra về năng lực của chủ đầu tư về vốn, khả năng huy động vốn, năng lực quản lý và nhân sự.

Theo quy định hiện hành, sau 24 tháng kể từ khi giao đất, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời hạn này, không ít chủ đầu tư vẫn không "buông" đất dù dự án không hề triển khai.

Tại Hà Nội, dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng - Licogi làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là trên 1.700 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh lên hơn 4.000 tỉ đồng. Dự án được phê duyệt từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống.

Để ngăn chặn tình trạng này, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng bên cạnh việc thu hồi thì cần có chế tài mạnh hơn để xử phạt các chủ đầu tư chậm triển khai dự án. Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để giao đất. Cơ sở để đánh giá năng lực tài chính là báo cáo kiểm toán nội bộ, báo cáo tài chính trong vòng 3 năm gần nhất.

1.251 căn nhà ở xã hội tại Đà Nẵng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà

“TP. Đà Nẵng có 7 khu chưng cư nhà ở xã hội, theo số liệu rà soát thống kê đến thời điểm hiện nay, khẳng định không có hồ sơ trễ hạn về việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các khu chưng cư nhà ở xã hội. Việc thực hiện cấp hồ sơ này được thực hiện kịp thời đảm bảo theo quy trình ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận”.

Đây là lời khẳng định của ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng.

Cũng theo ông Hùng, thực trạng người mua bán phản ánh việc chậm trễ nhận cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở xuất phát từ phía chủ đầu tư; việc chủ đầu tư không tích cực trong việc hoàn thành các thủ tục để đảm bảo điều kiện cấp giấy chứng nhận, dẫn đến phát sinh nhiều trường hợp không còn phù hợp so với trước đây, có sự sai khác về đối tượng được mua nhà ở xã hội theo quy định.

“Đơn cử, chủ đầu tư và người mua ký hợp đồng thì 2-3 năm sau chủ đầu tư mới nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận do thời gian quá lâu nên hồ sơ kèm theo đã hết hạn, phải làm xác nhận lại. Thậm chí, nhiều trường hợp khi nộp hồ sơ cấp giấy chứng nhận thì chủ sử dụng không còn phù hợp với quyết định phê duyệt. Đây là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ”, ông Hùng cho biết thêm.

Ông Tô Văn Hùng cũng công bố số liệu qua rà soát về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại các khu chung cư nhà ở xã hội đến thời điểm hiện nay (tháng 7/2022) tại TP. Đà Nẵng. Theo đó, Khu chung cư thu nhập thấp Blue House đã cấp 498/739 căn hộ; Khu chung cư Phong Bắc đã cấp 295/300 căn hộ; Khu chung cư nhà ở xã hội - KCN Hòa Khánh đã cấp 537/578 căn hộ; Khu chung cư thu nhập thấp tại cuối tuyến đường Bạch Đằng đã cấp 662/669 căn hộ; Khu chung cư An Trung có 957 căn chưa được cấp (vì lý do còn vướng xác nhận giá thuê đất làm cơ sở để TP. Đà Nẵng ban hành quyết định miễn giảm).

Trước con số thống kê trên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết để hoàn tất việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đảm bảo thủ tục pháp lý cũng như quyền lợi của người dân, thời gian qua đơn vị đã có nhiều văn bản đôn đốc, khuyến cáo các chủ đầu tư phải khẩn trương hoàn thiện thủ tục nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cũng khuyến cáo đối với người mua căn hộ phải xem hợp đồng mua bán và điều khoản để xác định trách nhiệm chủ đầu tư trong vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, đây là cơ sở để người dân đòi quyền lợi.

Gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng

Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), trị giá gần 10.000 tỉ đồng (gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng) khởi công tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành tháng 4/2018. Đến nay, tổng khối lượng thi công đạt khoảng 93% nhưng do một số nguyên nhân, dự án vẫn chưa được triển khai trở lại.

Dự án giúp kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân phía bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố được hưởng lợi. Với dự án này, thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước các dự án thoát nước đô thị (theo Quy hoạch 752). Trước mắt, dự án giải quyết ngập do triều cho 4 đường Huỳnh Tấn Phát, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn và Quốc lộ 50.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (doanh nghiệp dự án), tính đến nay, dự án đã tạm dừng thi công 3 lần vào các năm 2018, 2019 và 2020. Một trong những nguyên nhân khiến dự án chưa thể tái khởi động là phát sinh một số vướng mắc dẫn đến phụ lục hợp đồng vẫn chưa được ký kết.

Theo phụ lục hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) số 4769/PL-UBND ký ngày 18/11/2019 giữa UBND TP HCM và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, thời gian thực hiện hợp đồng đã hết hạn vào ngày 26/6/2020 nhưng đến nay các bên vẫn chưa ký kết phụ lục hợp đồng gia hạn. Vì vậy, không có cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai dự án. Cũng do chưa có phụ lục hợp đồng gia hạn này nên nguồn vốn của dự án (do Ngân hàng Nhà nước cấp vốn thông qua BIDV) sẽ không thể gia hạn thời gian giải ngân thêm.

Với tính chất quan trọng, cấp bách, tháng 4/2021, Chính phủ đã có Nghị quyết 40/NQ-CP "giải cứu" dự án. Theo đó, UBND TP HCM được tiếp tục triển khai dự án theo cơ chế đặc thù được Thủ tướng Chính phủ đồng ý trước đó và các thủ tục được cơ quan thẩm quyền chấp thuận. Nghị quyết nêu rõ trách nhiệm toàn diện của UBND TP HCM: "Bảo đảm yêu cầu về chất lượng, an toàn công trình, tiến độ dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí ngân sách và tài sản nhà nước".

Sau khi Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 40/NQ-CP về tiếp tục triển khai dự án, UBND TP HCM tổ chức họp về việc thực hiện nghị quyết và đến tháng 10/2021 ban hành quyết định điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2016-2020 thành 2016-2023. Tháng 1/2021, UBND TP HCM làm việc với Ngân hàng Nhà nước về các nội dung liên quan đến dự án. Theo đó, để có cơ sở thực hiện việc tháo gỡ khó khăn, tái cấp vốn cho dự án, thành phố cần phải duyệt điều chỉnh dự án, ký kết phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư.

Để dự án sớm tái khởi động, UBND TP HCM đã giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư làm tổ trưởng tổ đàm phán khẩn trương phối hợp với các sở, ngành liên quan để tổ chức đàm phán phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư. Trong đó, điều chỉnh thời gian giải ngân tái cấp vốn, gia hạn thời gian đến tháng 9/2023; điều chỉnh thời gian thanh toán đầu kỳ đến khi công trình hoàn thành (tháng 11/2023) kèm theo điều kiện giá trị thanh toán căn cứ vào giá trị được Kiểm toán Nhà nước thực hiện.

Ðến ngày 19/4/2022, UBND TP HCM chấp thuận về nguyên tắc theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Ðầu tư về kết quả đàm phán đã được các thành viên thống nhất, thông qua; đồng thời giao Sở Nội vụ tham mưu chủ tịch UBND thành phố ủy quyền giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư xem xét, ký kết phụ lục hợp đồng theo đúng quy định trước ngày 23/4. Bên cạnh đó, UBND thành phố giao Sở Tài chính tham mưu về nội dung xác nhận biểu báo cáo cho vay và thanh toán của dự án để chuẩn bị cho buổi làm việc giữa UBND thành phố và Ngân hàng Nhà nước (sau khi phụ lục hợp đồng BT và phụ lục hợp đồng tín dụng của dự án được ký kết).

Cống kiểm soát triều Tân Thuận thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Tiền Phong
Cống kiểm soát triều Tân Thuận thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng. Ảnh: Tiền Phong

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định UBND thành phố sẵn sàng ký lại phụ lục hợp đồng để gia hạn thời gian hoàn thành dự án. Còn việc chưa ký lại phụ lục là do nhà đầu tư đề xuất thêm một số nội dung mới. Những nội dung này phát sinh nhiều vấn đề phải xin ý kiến, có vấn đề phải bàn bạc kỹ nếu không sẽ thay đổi bản chất của hợp đồng.

"Sở Xây dựng báo cáo khối lượng công việc của dự án đã hoàn thành 93%. Nhà đầu tư có điều kiện nếu thanh toán tiền cho họ đủ thì sẽ đẩy nhanh tiến độ, cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm sau hoàn thành dự án. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào kết quả ký phụ lục hợp đồng, phụ thuộc vào kết quả trên hiện trường. Mốc thời gian trên là hai bên thống nhất với nhau để phấn đấu. Tất nhiên để đạt được mục tiêu này thì hai bên phải tháo gỡ vướng mắc" - ông Phan Văn Mãi nói.

Theo Chủ tịch UBND thành phố, quá trình tháo gỡ các vướng mắc phải làm đúng, không để nảy sinh những vấn đề pháp lý mới vì không có thời gian "sửa sai".

Khi được hỏi liệu người dân có phải chờ đến năm 2023 thì dự án mới hoàn thành, ông Phan Văn Mãi nói trước mắt, thành phố phấn đấu hoàn thành dự án vào cuối năm nay. "Quá trình giải quyết phải vừa bảo đảm mốc thời gian đề ra, không phát sinh những vấn đề mới và bảo đảm chất lượng dự án" - Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.

Dự án khu đô thị Minh Mạng Residence tại Thừa Thiên Huế có giá từ 17 triệu đồng/m2

Dự án Khu đô thị Minh Mạng Residence có vị trí tại số 11 đường Minh Mạng, phường Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án Minh Mạng Residence cách trường trung cấp văn hóa nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế 1,1 km; bệnh viện đa khoa Viết Thắng 1,9 km.

Dự án Khu đô thị Minh Mạng Residence có diện tích 3.500 m2, mật độ xây dựng 70% được triển khai theo mô hình khu nhà phố liền kề. Dự án có quy mô 22 căn shophouse, 1 căn biệt thự có diện tích từ 100 - 160 m2, đường nội khu dự án rộng 5,5 m (lộ giới 6,5 m).

Tiện ích dự án Khu đô thị Minh Mạng Residence cách trường chính trị Nguyễn Chí Thanh 1,5 km, trường mầm non Hồng Đức 790 m, trường cao đẳng giao thông Huế 862 m, công viên Nam Giao Park 639 m, công viên Trường An 1,7 km…

Dự án khu đô thị Minh Mạng Residence tại Thừa Thiên Huế.
Dự án khu đô thị Minh Mạng Residence tại Thừa Thiên Huế.

Dự án Minh Mạng Residence Thừa Thiên Huế do Công ty TNHH Tisco Huế làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Bất động sản Eco Real Đà Nẵng làm đơn vị phân phối.

Công Ty TNHH Tisco Huế có trụ sở chính tại tầng 3 tòa nhà Hana, 22 Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Công ty thành lập ngày 21/01/2016 do ông Lê Hồng Quang làm người đại diện pháp luật, hoạt động chính trong các lĩnh vực xây dựng nhà ở, dịch vụ lưu trú ngắn ngày xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác…

Các sản phẩm tại dự án Minh Mạng Residence Thừa Thiên Huế có giá bán trên thị trường từ 17 triệu đồng/m2.