Bản tin bất động sản ngày 13/9:

Công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1039/QĐ-TTg ngày 12/9/2023 công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái.

Công nhận thành phố Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái (phạm vi gồm toàn bộ thành phố Yên Bái hiện hữu, trong đó khu vực nội thành dự kiến gồm có 9 phường hiện hữu và 3 xã là Giới Phiên, Tân Thịnh và Văn Phú).

Bản tin bất động sản ngày 13/9: TP Yên Bái là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Yên Bái
Một góc TP Yên Bái.

Thành phố Yên Bái nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh-Hà Nội-Hải Phòng, vị trí thuận lợi để kết nối các hoạt động kinh tế với các đô thị nằm trên hành lang Thủ đô Hà Nội, các đô thị cửa khẩu và cảng biển, có tiềm năng lớn trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ đô thị; có cảnh quan thiên nhiên đặc trưng, đa dạng về địa hình, thuận lợi để hình thành một đô thị có bản sắc, tài nguyên du lịch sinh thái và văn hóa phong phú.

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GRDP toàn tỉnh Yên Bái đứng thứ 6/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, trong đó thành phố Yên Bái đóng góp hơn 30%.

Mức tăng trưởng kinh tế 3 năm gần nhất của thành phố Yên Bái đạt 10,36%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 88,41%; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần xuống còn 0,67%; tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 98%.../.

Hà Nội: Cưỡng chế 7 công trình vi phạm đất đai tại Sóc Sơn

Ngày 12/9, UBND huyện Sóc Sơn chỉ đạo xã Mai Đình phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức cưỡng chế thành công 7 công trình vi phạm đất đai dọc tuyến đường nối đường Võ Nguyên Giáp với Khu đô thị vệ tinh thuộc địa bàn thôn Hương Đình Đông.

Theo đó, 7 công trình vi phạm bị cưỡng chế của các gia đình: Nguyễn Đức Quý, Nguyễn Thị Nhan, Đỗ Văn Hòe, Bùi Thị Thiều (2 công trình), Trần Thị Hường và Nguyễn Quang Thắng.

Theo báo cáo của UBND xã Mai Đình, đến chiều cùng ngày, các công trình vi phạm này đã được lực lượng chức năng giải tỏa xong.

Ngoài xử lý các trường hợp này, UBND huyện Sóc Sơn yêu cầu UBND xã Mai Đình tổ chức ra quân xử lý các vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường trên địa bàn; tiếp tục rà soát các vi phạm đất đai có công trình xây dựng tồn đọng và phát sinh năm 2023 để hoàn thiện hồ sơ xử lý dứt điểm theo quy định.

UBND huyện Sóc Sơn giao Công an huyện chủ động nắm tình hình trước, trong và sau cưỡng chế, hỗ trợ lực lượng, phương tiện giúp xã Mai Đình bảo vệ khu vực cưỡng chế và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cưỡng chế.

Công ty Điện lực Sóc Sơn phối hợp với các ngành và UBND xã Mai Đình ngừng cung cấp điện cho công trình vi phạm trước khi tổ chức cưỡng chế, bảo đảm an toàn về người và phương tiện trong quá trình xử lý, cưỡng chế vi phạm…

Hải Phòng: Đề xuất thành lập khu kinh tế ven biển mới

Khu kinh tế mới dự kiến được thành lập ở phía Nam Hải Phòng với diện tích 20.000 ha nằm trên địa bàn các quận Đồ Sơn và huyện An Lão, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

Theo chia sẻ của ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tại Hội thảo 30 năm phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế Hải Phòng và định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng diễn ra sáng 12/9, đây sẽ là khu kinh tế (KKT) ven biển thứ hai của thành phố Hải Phòng sau KKT Đình Vũ - Cát Hải.

Ông Lê Trung Kiên cho biết căn cứ Quy định về việc thành lập KKT, Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Quản lý KKT Hải Phòng đã đề xuất phát triển KKT mới ở phía Nam cửa sông Văn Úc kết nối với đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng dự kiến sẽ hình thành trong tương lai.

Đồng thời, nghiên cứu lồng ghép phát triển khu thương mại tự do trong quá trình nghiên cứu thành lập KKT mới.

Trưởng ban Ban quản lý KKT Hải Phòng cho biết việc thành lập KKT mới nhằm tận dụng những dư địa phát triển của các khu công nghiệp và KKT Đình Vũ – Cát Hải hiện tại; khai thác hiệu quả hạ tầng logistics trong khu vực, kết nối với các KKT lân cận như Thái Bình, Quảng Yên, Vân Đồn để tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Đề án KKT phía Nam Hải Phòng sẽ được vận dụng chính sách, cơ chế theo các khu thương mại tự do. KKT mới sẽ có các công trình hạ tầng như sân bay Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn, hai trung tâm logistics ở Kiến Thụy và Tiên Lãng cùng hệ thống cảng dọc sông Văn Úc.

TP.HCM: Đề xuất bổ sung 26 khu đất xây nhà xã hội

Sở Xây dựng TP HCM cho biết UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đã đề xuất 13 khu đất để phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, 5 khu được Sở đánh giá phù hợp với kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm của thành phố về các tiêu chí như quy hoạch chi tiết, kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại khu vực. Sở cũng rà soát và đề nghị bổ sung 21 vị trí phù hợp để xây dự án nhà xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Tổng cộng có 26 khu đất với diện tích gần 550 ha được Sở Xây dựng kiến nghị bổ sung vào kỳ điều chỉnh Kế hoạch phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, khu vực nội thành hiện hữu (các quận 4, 8, Bình Thạnh, Tân Bình) có 4 khu đất với diện tích gần 11 ha. Khu vực nội thành phát triển (các quận 7, 12, Bình Tân) có 6 khu đất với diện tích gần 15 ha. Khu vực huyện ngoại thành (các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi) có 10 khu đất với diện tích khoảng 188 ha. Ngoài ra có thêm 6 khu đất tại TP Thủ Đức với diện tích hơn 334 ha.

Mục tiêu của thành phố theo chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 là xây dựng 93.000 căn nhà ở xã hội, cao gấp 1,3 lần chỉ tiêu Thủ tướng giao trong đề án xây một triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030. Sở cũng đề xuất điều chỉnh vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội từ gần 1.200 tỷ đồng lên gần 3.800 tỷ đồng.

Những năm gần đây, tốc độ phát triển nhà ở xã hội của thành phố khá chậm. Tổng diện tích xây dựng từ năm 2021 đến tháng 6/2023 mới đạt hơn 30% chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Trong đó, nhà ở xã hội phát triển gần 33.000 m2 sàn, mới chiếm 1,3% so với chỉ tiêu đề ra.