Các 'ông lớn' bất động sản nêu hàng loạt kiến nghị với Chính phủ để gỡ khó

Trong cuộc họp cùng hai Phó thủ tướng Lê Văn Thành và Lê Minh Khái vừa qua, hàng chục kiến nghị của các tập đoàn bất động sản lớn được nêu ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường này.

"Cuộc họp ở TP.HCM do Phó thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh với 19 chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp và HoREA. Phía Hà Nội do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cùng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cùng với 15 chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn, doanh nghiệp" - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) trao đổi với PLO.

Về tinh thần cuộc họp ngày 8/11, ông Châu có văn bản thông tin một số nội dung cho thành viên trong Hiệp hội và cơ quan báo chí.

Theo văn bản, các đại biểu dự họp tại TP.HCM đã tập trung vào nhiều vấn đề. Thứ nhất là vướng mắc pháp lý được nhận định là lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS, nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, mà nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất.

Tuy nhiên, việc giải quyết vướng mắc pháp lý cần phải có thời gian, mà giải pháp lớn nhất, có tính quyết định nhất là thực hiện đúng mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo nghị quyết đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất” nhằm phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững”.

Do vậy trong 12 tháng tới đây, trong lúc chờ Luật Đất đai và một số luật liên quan (mới) có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1/7/2024), kiến nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11/2022 hai dự thảo.

Đó là “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai”, để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc của các dự án đô thị, nhà ở.

Thị trường bất động sản đang được nhận định là gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Thị trường bất động sản đang được nhận định là gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Thứ hai, đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy trình chuẩn về thủ tục đầu tư dự án đô thị, nhà ở thương mại theo Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng. Chỉ thị nêu, yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành quy định hướng dẫn trình tự triển khai thực hiện đối với dự án nhà ở, khu đô thị.

Thứ ba, các doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng xem xét thành lập “Ban công tác đặc biệt” hoặc “Tổ công tác đặc biệt” để tháo gỡ khó khăn cho một số doanh nghiệp và dự án điển hình, làm tiền lệ để giải quyết các trường hợp tương tự, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và thị trường. Trong đó có 64 dự án tại TP.HCM theo chủ trương “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự” và thực hiện “thu hồi triệt để tài sản nhà nước bị thất thoát do tham nhũng, tiêu cực”.

Thứ tư, các doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần (room) tín dụng thêm khoảng từ 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ pháp lý, có tính khả thi của các doanh nghiệp có uy tín thương hiệu, thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, nhất là các dự án nhà ở giá vừa túi tiền.

Thứ năm, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách cấp bù lãi suất cho bốn ngân hàng Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank được Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho đối tượng hưởng chính sách vay ưu đãi với lãi suất 4,8%/năm để mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, còn nhiều kiến nghị liên quan đến tạm nộp tiền sử dụng đất, xác định tiền sử dụng đất bổ sung, tách thành dự án độc lập đối với các diện tích đất do Nhà nước quản lý... cũng được các doanh nghiệp nêu ra.

"Hiệp hội được biết, Bộ Xây dựng sẽ khẩn trương tổng hợp ý kiến của lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp trong hai cuộc họp trên đây để báo cáo ngay Thủ tướng xem xét các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản vượt qua khó khăn để phát triển minh bạch, lành mạnh, ổn định, an toàn và bền vững" - văn bản do ông Châu cung cấp nêu.

Hà Nội: Cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong 7 ngày làm việc

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4135/QĐ-UBND về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo quyết định, UBND thành phố công bố danh mục 35 thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp tỉnh. Trong đó, đáng chú ý, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội quy định, thời hạn giải quyết đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu không đồng thời là người sử dụng đất trong 30 ngày làm việc; cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong 7 ngày làm việc.

Hà Nội: Cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong 7 ngày làm việc. Ảnh minh họa
Hà Nội: Cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong 7 ngày làm việc. Ảnh minh họa

UBND thành phố cũng công bố danh mục 15 thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện; áp dụng đối với cá nhân. Trong đó, quy định thời hạn giải quyết đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu trong 20 ngày làm việc; đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu không đồng thời là người sử dụng đất trong 20 ngày làm việc; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đã đăng ký quyền sử dụng lần đầu trong 20 ngày làm việc.

UBND thành phố công bố danh mục 1 thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp xã; áp dụng đối với tổ chức, cá nhân. Cụ thể, thời hạn giải quyết hòa giải tranh chấp đất đai trong 45 ngày làm việc.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan có trách nhiệm rà soát, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính được công bố tại quyết định này, trình Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt theo quy định.

Lâm Đồng chấp thuận đầu tư Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim gần 12.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Theo đó, mục tiêu của dự án là xây dựng khu đô thị kiểu mẫu chất lượng cao, phát triển nhà ở tập trung, đồng bộ hình thành khu đô thị xanh - sạch - đẹp; đảm bảo sự đồng bộ, có tính kết nối, bền vững cho khu vực đô thị mới phía Nam sông Đa Nhim; đáp ứng nhu cầu ở và môi trường sống chất lượng cao cho khu vực huyện Đức Trọng và các khu vực lân cận.

Cùng với đó, góp phần phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật, phát triển nhà ở tập trung, tạo việc làm cho lao động, đóng góp cho nguồn thuy ngân sách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Dự án có quy mô 153,65 ha, gồm 44,3 ha đất ở, 6,4 ha đất công trình công cộng dịch vụ đô thị, 4,5 ha đất công cộng đơn vị ở, 24,8 ha đất cây xanh, 67,3 ha đất giao thông, bãi đỗ xe và công trình hạ tầng kỹ thuật,...

Dự án dự kiến gồm 3.565 căn nhà ở thương mại với tổng diện tích sàn khoảng 1,6 triệu m2 (gồm 180 căn biệt thự và 3.385 nhà liền kề); công trình thương mại dịch vụ cao ba tầng và 15 tầng; công trình công cộng đơn vị ở cao 3 tầng;…

Ngoài ra chủ đầu tư xây thêm trường mầm non, tiểu học, THCS; phòng khám đa khoa; công viên; bãi đỗ xe và công trình thể dục thể thao khác,...

Tổng vốn đầu tư dự án khoảng gần 11.842,97 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng, trang thiết bị, chi phí khác khoảng 9.632,3 tỷ đồng và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 2.210,67 tỷ đồng.

Lâm Đồng chấp thuận đầu tư Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim gần 12.000 tỷ đồng
Lâm Đồng chấp thuận đầu tư Khu đô thị mới Nam sông Đa Nhim gần 12.000 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, vốn đầu tư của dự án nêu trên chỉ là dự kiến, làm cơ sở để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định; không sử dụng để tính toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư trúng thầu dự án. Việc xác định tiền sử đụng đất, tiền thuê đất của dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, với tiến độ thực hiện trong 5 năm kể từ ngày có văn bản chấp thuận nhà đầu tư.UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án theo quy định.

Về tiến độ, dự án thực hiện trong vòng 5 năm kể từ ngày có văn bản chấp thuận nhà đầu tư. Vốn góp của nhà đầu tư là 3.283,59 tỷ đồng; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác khoảng 8.559,38 tỷ đồng.

Được biết năm 2019, lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC về phương án ý tưởng quy hoạch và đầu tư khu đô thị Nam sông Đa Nhim.

Tại buổi làm việc này, FLC đề nghị chia khu đô thị Nam sông Đa Nhim thành 4 dự án thành phần, tương ứng với 4 với phân khu theo quy hoạch, thực hiện thủ tục công bố danh mục đồng thời 4 dự án thành phần trên để triển khai công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Trong văn bản báo cáo hồi tháng 3/2022, UBND huyện Đức Trọng từng cho biết Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có văn bản về việc dừng xem xét hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Nam sông Đa Nhim.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2022, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng lại có văn bản cho ý kiến về năng lực tài chính đối với dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Trong văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng tham gia ý kiến thẩm định về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC vào tháng 5/2022, UBND huyện Đức Trọng đánh giá việc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đề xuất tiến độ thực hiện dự án từ quý I/2022 đến quý II/2027 là chưa phù hợp với tiến độ triển khai công trình trọng điểm của tỉnh. Địa phương đề nghị công ty xem xét, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án.

Đến tháng 6/2022, UBND huyện Đức Trọng tiếp tục có văn bản cho biết UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở ngành đang xem xét hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư khu đô thị Nam sông Đa Nhim của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản khẳng định không chấp nhận hồ sơ chủ trương đầu tư dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC do không đáp ứng các điều kiện.

Dự án villa nghỉ dưỡng Luxnam tại Phú Quốc

Dự án Luxnam Phú Quốc với loại hình villa, penthouse có vị trí nằm tại ấp Rạch Tràm, xã Bãi Thơm, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Dự án nghĩ dưỡng Luxnam Phú Quốc được triển khai trên quỹ đất có tổng diện tích khoảng 27ha. Với 2 khu A và B.

Khu A là khu nghỉ dưỡng trên biển có phía Bắc, Đông và Tây giáp biển, phía Nam giáo vườn quốc gia.

Khu B là khu hậu cần và dịch vụ du lịch có phía Nam giáp dự án Công ty TNHH Nam Bá và Quỹ đầu tư Quốc tế Vinchi Capital, phía Đông giáp biển và phía Tây giáp vườn quốc gia.

Dự kiến dự án Luxnam Phú Quốc cung cấp ra thị trường khoảng 126 villa, trong đó 109 căn villa được xây dựng trên mặt nước, 13 căn villa biển, 02 căn penthouse, 02 dinh thự hướng biển từ 01 – 05 phòng ngủ với diện tích đa dạng từ 500 – 900m2.

Dự án sở hữu những tiện ích nội khu gồm: quảng trường trung tâm, khu vực tản bộ, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, hồ bơi, sân vườn, khu vực nướng BBQ, khu vực tập thể thao, khu mua sắm, nhà hàng, hệ thống an ninh khu vực,…

Dự án villa nghỉ dưỡng Luxnam tại Phú Quốc
Dự án villa nghỉ dưỡng Luxnam tại Phú Quốc.

Từ Luxnam Phú Quốc cư dân có thể dễ dàng di chuyển đến các khu vực lân cận, chẳng hạn: đến UBND xã Bãi Thơm 8,0km; cách Ban Quản lý Dự án Rạch Tràm 6,3km; đến Trường Mầm non Bãi Thơm 9,3km; di chuyển đến Sân bay Quốc tế Phú Quốc khoảng 40km;…

Dự án Luxnam Phú Quốc được đầu tư bởi Công ty Cổ phần P Q Hải Quốc, được thành lập vào ngày 28.04.2014, đặt trụ sở tại: Thửa đất số 25, tờ bản đồ 20, tổ 5, ấp Cây Sao, xã Hàm Ninh, TP. Phú Quốc, tỉnh Phú Quốc, do ông Trần Anh Duy và Vũ Đức Bảo là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Ngày 07/10/2022 - Tập đoàn khách sạn toàn cầu The Lux Collective đã ký kết thỏa thuận chiến lược với Công ty Cổ phần PQ Hải Quốc về việc quản lý khu nghỉ dưỡng sang trọng, được xây dựng theo phong cách Maldives, với những villa nằm nổi trên mặt nước tại vùng biển Phú Quốc, Việt Nam.

Dự án có đơn vị vận hành và quản lý là Tập đoàn Lux Maldives.

Giá villa, penthouse tại Luxnam sẽ được chủ đầu tư công bố trong thời gian đến. Dự án Luxnam Phú Quốc đang trong giai đoạn triển khai cơ sở hạ tầng và dự kiến được bàn giao vào quý II/2024.