Mỗi ngày chậm nộp tiền sử dụng đất, DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bị phạt hơn 1 tỉ đồng

Chiều 7/4, ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, TP HCM đã họp báo về kết quả kinh tế - xã hội quý I/2022 và kỳ họp này.

Tại cuộc họp báo, cơ quan chức năng thông tin việc đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức). Theo đó, quy định khi đấu giá thành công phải ban hành quyết định công nhận kết quả đấu giá và ký hợp đồng mua bán tài sản đối với các lô đất của doanh nghiệp (DN) đấu giá. Quy định cho phép DN nộp tiền theo quy định và trong hợp đồng cũng ghi rõ DN nào có đơn xin chấm dứt thì phải bỏ cọc.

Đến nay, cơ quan chức năng nhận được đơn của Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh thương mại Bình Minh và Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt đề nghị chấm dứt hợp đồng mua bán. UBND TP HCM đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp sở, ngành liên quan tham mưu giải quyết. Còn 2 DN là Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega chưa nộp đơn và vẫn còn trong thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Bản tin bất động sản 8/4: DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bị phạt hơn 1 tỉ đồng/ngày vì chậm nộp tiền sử dụng đất
Vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm - TP HCM sẽ cưỡng chế thu hồi nợ. Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, nói Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega đã trúng đấu giá 2 lô đất ở Thủ Thiêm đều chưa nộp tiền sử dụng đất theo thông báo của cơ quan thuế và ngân sách nhà nước. Đến sáng 7/4, Cục Thuế TP HCM nhận được 2 văn bản của 2 DN đề nghị cho phân kỳ nộp tiền sử dụng đất từ tháng 4 đến tháng 9/2022, chia thành 6 đợt để nộp.

Lý do được các DN đưa ra là diễn biến sau thời điểm đấu giá ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kế hoạch phát triển dự án của DN. DN khó sắp xếp tài chính nếu chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan như: Sự lây lan của biến chủng Omicron ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế; các biến động chính trị như xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư…

Tuy nhiên các lý do, khó khăn mà DN nêu đều không thuộc danh mục được gia hạn nộp thuế. Do vậy, Cục Thuế TP HCM sẽ tiếp tục tính tiền chậm nộp và ban hành các quyết định cưỡng chế thu hồi nợ. Mỗi ngày chậm nộp tiền sử dụng đất, DN bị phạt hơn 1 tỉ đồng.

Liên quan việc chậm cấp sổ hồng cho người dân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết sở này đã xây dựng kế hoạch rất cụ thể, dự kiến trong 2 năm 2021 và 2022, TP HCM cấp sổ hồng cho 37.000 đến 38.000 nhà ở trên địa bàn. Trong đó từ đầu năm 2022 đến nay, TP HCM cấp được trên 3.500 sổ hồng.

Tiền Giang: Đầu tư gần 300 tỉ đồng xây dựng Công viên trái cây ven sông

UBND huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đang triển khai dự án xây dựng Công viên trái cây ven sông Tiền có quy mô lớn. Công trình có giá trị kinh tế - văn hóa nhằm thu hút du lịch, phát huy giá trị kinh tế vườn của vùng ĐBSCL.

Theo đó, Công viên trái cây ven sông Tiền được xây dựng trên diện tích 9,5 ha đất bãi bồi ven sông Tiền thuộc địa bàn thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè với nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh gần 300 tỉ đồng.

Các hạng mục đầu tư bằng vốn ngân sách gồm: Nhà điều hành, vườn ươm cây giống, bãi đỗ xe, đường giao thông, trạm biến áp - hệ thống cấp điện, 2 nhà vệ sinh công cộng, cổng chính - cổng phụ, biểu tượng trái cây, hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, địa phương còn kêu gọi đầu tư xã hội hóa các hạng mục: nhà hàng món ăn thời khai hoang ở Nam Bộ, nhà hàng món ăn dân tộc vùng ĐBSCL, khách sạn cao cấp, sân khấu ngoài trời, ki ốt bán hàng lưu niệm, nhà quê miệt vườn Nam Bộ, hồ bơi, quảng trường, khu triển lãm...

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành sau năm 2025 và đưa vào khai thác nhằm phục vụ hoạt động du lịch gắn kết giữa chợ nổi Cái Bè - Làng cổ Đông Hòa Hiệp, các điểm du lịch sinh thái sông nước miệt vườn của tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long. Đồng thời, Công viên trái cây ven sông Tiền còn là nơi bảo tồn, cung cấp cây giống, mua bán trái cây đặc sản của địa phương, phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch của người dân trong vùng.

Cao ốc 11 tầng sẽ "thế chỗ" dãy nhà Pháp cổ ở Hà Nội có gì đặc biệt?

Chiều tối 6/4, tại cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội về tình hình KT-XH quý I/2022, Phó Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, việc di dời nhà máy ra khỏi khu trung tâm để xây dựng công trình đa năng tại 61 Trần Phú (quận Ba Đình) đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận.

Về vấn đề pháp lý, để một công trình từ chủ trương ra đến hiện trạng thì có nhiều bước, từ chủ trương, quy hoạch, giấy phép… gói ở trong chức năng nhiệm vụ của nhiều sở ngành. Tất cả các ngành đều căn cứ quy định của luật, của nhà nước, thành phố.

Quy mô công trình cần thực hiện đúng quy hoạch được duyệt, tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6 m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Bản tin bất động sản 8/4: DN trúng đấu giá đất Thủ Thiêm bị phạt hơn 1 tỉ đồng/ngày vì chậm nộp tiền sử dụng đất
Phối cảnh dự án Công trình đa chức năng Postef. (Ảnh: Báo Đấu thầu).

Theo ông Kỳ Anh, công trình tại 61 Trần Phú là công trình công nghiệp của người Pháp xây dựng, kết cấu không có gì đặc biệt. Đối với kiến trúc mái hình răng cưa cũng có nhiều công trình có kiến trúc tương tự.

"Công trình xây mới đã được xác định là tòa nhà đa chức năng 11 tầng, đưa vào khu vực này là phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố. Công trình được đánh giá nghiên cứu nghiêm túc và kiến trúc tương đối đẹp", ông Kỳ Anh nhận định.

Theo Sở QH-KT, tòa nhà Pháp cổ ở 61 Trần Phú không phải công trình kiến trúc cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, công trình này không nằm trong "Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa".

Khu đất này có tổng diện tích khoảng 9.078m2 trong đó 1.555m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ, không được xây dựng công trình; 7.523m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất là 50 năm kể từ ngày 15/11/2004.

Phân Khu The Link – Sun Riverside Village Sầm Sơn có giá từ 75 triệu đồng/m2

Phân khu The Link có vị trí tọa lạc tại đại lộ Nam Sông Mã, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra dự án còn có một mặt giáp sông Đơ và liền kề với các trục đường lớn như đường đi bộ ven biển 48 m vỉa hè mỗi bên 7,5 m, đường Tây Sầm Sơn 3 rộng 40 m vỉa hè mỗi bên 6 m, đường Tây Sầm Sơn 5 rộng 42 m vỉa hè mỗi bên 7.5 m.

Phân khu The Link có tổng diện tích đất là 14,64 ha với mật độ xây dựng chỉ 25,56%, nằm trong dự án Sun Riverside Village Sầm Sơn rộng 29 ha và thuộc quần thể du lịch nghỉ dưỡng Sun Group Sầm Sơn.

Sản phẩm thuộc Phân khu The Link bao gồm 244 căn biệt thự và shophouse. Trong đó, có 112 căn shophouse tiêu chuẩn với diện tích 112,5 m2 được xây dựng 5 tầng, 68 căn shophouse art-decor, 34 căn biệt thự song lập diện tích mỗi căn 180 m2, 30 căn biệt thự song lập với diện tích 300 m2.

Phối cảnh
Phối cảnh Khu The Link – Sun Riverside Village Sầm Sơn.

Dự án Phân khu The Link có các tiện ích như câu lạc bộ thể thao trong nhà, sân thể thao đa năng, quảng trường vũ hội, vườn dạo cảnh quan, vườn âm nhạc, công viên giải trí, bến du thuyền, trường học…

Chủ đầu tư dự án Phân khu The Link do Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời (Sun Group) làm chủ đầu tư. Sun Property Management là đơn vị vận hành và quản lý dự án.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Mặt Trời thành lập từ năm 1998, được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở nhiều tỉnh thành phát triển du lịch như: Sun Plaza Cầu Mây, Sun Onsen Vilage, Sun Grand City Feria, Sun World Hạ Long, Sun Premier Village Ha Long Bay, Sun Premier Village Primavera, Sun Grand City New An Thới, Sun Premier Village Kem Beach Resort…

Trong năm 2021, dự án Sun Riverside Village đã ra mắt 3 phân khu là The Harbor, Festival Avenue và The River. Ngày 23/1/2022, Sun Group chính thức ra mắt Phân khu The Link dự án Sun Riverside Village.

Sản phẩm thuộc Phân khu The Link có mức giá tham khảo trên thị trường từ 75 triệu đồng/m2.