Không đồng ý chuyển 930 tỉ đầu tư từ y tế sang giao thông

Chiều 29/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường để xem xét hai vấn đề quan trọng gồm việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách trung ương kế hoạch năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị phân bổ 176.000 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình. Trong đó, dự kiến dành hơn 147.000 tỉ đồng để phân bổ cho 94 nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của chương trình. Còn 169 dự án với số vốn gần 28.000 tỉ đồng chưa đủ thủ tục đầu tư theo quy định sẽ được tiếp tục rà soát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ.

Chính phủ cũng kiến nghị cho điều chỉnh hơn 930 tỉ đồng còn dư của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm sang lĩnh vực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng để đầu tư cho ba dự án thuộc ngành giao thông.

Cụ thể, bổ sung hơn 407 tỉ đồng cho dự án đầu tư đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu; bố trí 230 tỉ đồng cho dự án đường tránh phía đông TP Đông Hà (Quảng Trị); bổ sung hơn 295 tỉ đồng cho dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, đa số ý kiến trong ủy ban cho rằng việc điều chuyển để phân bổ từ lĩnh vực y tế và an sinh xã hội, lao động việc làm sang lĩnh vực giao thông vận tải là “vượt cơ cấu vốn, không phù hợp theo quy định của Nghị quyết 43 của Quốc hội”. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị không điều chuyển sang lĩnh vực khác số vốn nêu trên.

Với ba dự án thuộc lĩnh vực giao thông, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cho rằng có thể bố trí từ nguồn hơn 11.400 tỉ đồng chưa phân bổ thuộc lĩnh vực đầu tư hạ tầng để bảo đảm tuân thủ quy định mức tối đa hơn 113.500 tỉ đồng Quốc hội đã quyết nghị.

Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Plo.vn
Ông Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: Plo.vn

Giải trình sau đó, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết trong hơn 930 tỉ đồng của lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm, Chính phủ dự kiến bố trí cho Bộ Xây dựng, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 130 tỉ đồng nhưng hai đơn vị này có văn bản xin không sử dụng. Hơn 800 tỉ đồng còn lại của lĩnh vực y tế, sau rà soát, Bộ Y tế cũng xin chưa sử dụng.

“Nếu giữ lại thì mất nhiều thời gian tìm dự án phù hợp với tiêu chí, nguyên tắc và triển khai thủ tục tiếp theo” - ông Phương nói và cho hay Chính phủ đề xuất cho ba dự án giao thông sắp hoàn thành để “sử dụng đồng vốn hiệu quả”.

Trước kiến nghị này, ông Phương giải thích số tiền vốn đầu tư công trung hạn hơn 11.000 tỉ đồng thực tế đã được thông báo làm thủ tục đầu tư cho sáu dự án phân cấp cho địa phương thực hiện...

Giải trình thêm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay Bộ Y tế đã rà soát rất kỹ, họp nhiều lần, có văn bản “trao đi đổi lại” để bảo đảm các dự án phải đúng tiêu chí, tiêu chuẩn của Nghị quyết 43. Số dự án đã giảm từ con số 272 xuống còn 144. Do đó, tổng mức đầu tư dự kiến chỉ còn gần 13.200 tỉ đồng, thấp hơn con số dự kiến ban đầu là hơn 800 tỉ đồng. “Nhu cầu đầu tư cho y tế rất lớn nhưng phải bám vào Nghị quyết 43 của Quốc hội” - ông Tuyên nói.

Nêu quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng trong ba dự án giao thông, chỉ có một dự án là “khẩn cấp”. Ông Phong cũng bày tỏ qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, thấy anh em ngành y đang khổ, việc nhiều, đón nhiều đoàn thanh tra, kiểm toán... nên nhiều khi rà soát, chuẩn bị thủ tục dự án không kịp.

Ông Phong nhấn mạnh ngành y tế đang cần được đầu tư. “Nhân lực y tế nghỉ việc rất lớn và hàng loạt vấn đề khác đặt ra nữa” - ông Phong nói và cho rằng nếu lấy số tiền trên chuyển cho giao thông, “đứng ở phía người làm trong ngành y sẽ tủi thân”. Ông đề nghị tiếp tục rà soát để báo cáo bổ sung dự án sau này cho ngành y.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đồng tình với đề xuất trên của Chính phủ. “Vốn dành cho hạ tầng giao thông cần nhiều, bao nhiêu cũng không đủ, trong khi ngành y cũng đang rất cần nhưng do đang vướng nên chưa thể triển khai” - ông Tùng nói và đề nghị ngành y tế rà soát để có thể bố trí vốn cho các dự án của ngành này.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để bố trí vốn, sử dụng số tiền hơn 930 tỉ đồng cho các lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, lao động việc làm. “Không nên chuyển từ chỗ này sang chỗ kia” - ông Huệ nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, góp ý của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện, phân bổ số vốn hơn 147.000 tỉ đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án ngay trong tuần này.

Nhiều dự án đầu tư công ở Gia Lai vướng giải phóng mặt bằng

Dự án đường liên huyện Chư Sê - Chư Pưh - Chư Prông có chiều dài hơn 32km, vốn đầu tư khoảng 320 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 3-2021, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2022. Đến nay, phần nền, cấp phối, thảm ở nhiều đoạn đã xong, riêng đoạn qua một số khu dân cư ở thị trấn Nhơn Hòa và xã Ia Hla (cùng thuộc huyện Chư Pưh) thì chưa thể triển khai do bị vướng giải phóng mặt bằng.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai (chủ đầu tư dự án), đến ngày 24-8, vẫn còn 1km đường thuộc thị trấn Nhơn Hòa và 300m thuộc xã Ia Hla chưa giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, đơn vị liên quan vẫn chưa di dời 14 trụ điện thuộc hệ thống đường điện cao thế. Việc bàn giao mặt bằng chậm đã gây nhiều khó khăn cho các đơn vị thi công, khiến việc vận chuyển vật liệu phải đi đường vòng, làm phát sinh chi phí cũng như có nguy cơ chậm tiến độ hợp đồng.

Văn phòng UBND huyện Chư Pưh cho biết, vừa qua, đất trên địa bàn huyện lên “cơn sốt”, trong khi dự án đi qua một số vị trí nằm ở mặt đường thị trấn Nhơn Hòa, người dân đòi bồi thường cao gấp nhiều lần giá quy định của nhà nước. Dù huyện đã nhiều lần làm việc, đối thoại nhưng người dân chưa đồng thuận để bàn giao mặt bằng.

Dự án đường Nguyễn Chí Thanh (TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) được khởi công tháng 12-2021, dự kiến hoàn thành tháng 11-2023. Dù công trình đã được bố trí đủ vốn để triển khai, nhưng hiện nay việc giải phóng mặt bằng còn chậm. Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, tại dự án này, hệ thống điện lưới dọc 2 bên tuyến di dời chậm; trên tuyến còn 16 vị trí vướng vật, kiến trúc của các hộ dân nằm trong chỉ giới đường nhưng chưa giải phóng xong.

Ngoài 2 dự án nói trên, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, còn có thêm 3 dự án khác do đơn vị này làm chủ đầu tư cũng đang bị vướng mặt bằng, gồm: dự án cầu qua sông Ayun (huyện Phú Thiện, còn 13 hộ xã Ia Piar chưa đồng ý về giá đất, cây cối và vật kiến trúc); dự án Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Đoa (phê duyệt đầu tư xây dựng trong năm 2022, hiện mặt bằng xây dựng chưa giải phóng); dự án Trường THPT Nguyễn Khuyến (thị xã An Khê, đã ký hợp đồng xây lắp nhưng do chưa giải phóng mặt bằng nên chưa thể khởi công).

Đầu tư 120 tỷ đồng làm Dự án khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên

Theo Nghị quyết vừa được Hội đồng nhân dân thành phố Thái Nguyên phê duyệt, từ nay đến năm 2024 địa phương này sẽ thực hiện giai đoạn 1 Dự án khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng.

Mục tiêu mà thành phố Thái Nguyên hướng đến là từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng quy hoạch Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố, góp phần xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng khang trang.

Đầu tư 120 tỷ đồng làm Dự án khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ảnh minh họa
Đầu tư 120 tỷ đồng làm Dự án khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên. Ảnh minh họa

Theo đó, với tổng mức đầu tư dự kiến là 120 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố Thái Nguyên giao UBND thành phố tổ chức triển khai thực hiện dự án nói trên tại phường Trưng Vương. Nguồn kinh phí trên được dành chủ yếu cho giải phóng mặt bằng với 115 tỷ đồng; trong khi đó kinh phí xây dựng là 1,2 tỷ đồng, chi phí dự phòng là gần 3 tỷ đồng, chi phí tư vấn là 160 triệu đồng, chi phí quản lý là 32 triệu đồng, còn lại là chi phí khác.

Trước đó, ngày 18/3/2022, Sở Xây dựng Thái Nguyên đã có văn bản thông báo chính thức kết quả đánh giá, xếp hạng phương án dự thi ý tưởng quy hoạch Khu đô thị mới, phố đi bộ trung tâm thành phố Thái Nguyên và phương án kiến trúc trụ sở làm việc Khối các cơ quan tỉnh. Theo đó, phương án kiến trúc trúng tuyển có mã số MS-03 của Liên danh Công ty Cổ phần kiến trúc NIWWIN và Văn phòng Tư vấn và chuyển giao công nghệ xây dựng được thực hiện các bước tiếp theo của quy hoạch đô thị và dự án đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có giá từ 5,5 triệu đồng/m2

Dự án Khu công nghiệp Becamex Vsip có vị trí thuộc phân khu 7 và phân khu 8, khu kinh tế Nhơn Hội, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định. Dự án có vị trí nằm cạnh QL 19C, đường sắt Bắc Nam và tuyến tỉnh lộ ĐT 638, cách ga Diêu Trì 9 km, cách Cảng biển Quốc tế Quy Nhơn khoảng 25 km và cách sân bay Phù Cát 31 km.

Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có quy mô 2.308 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 9.000 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (khu A) dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có diện tích khoảng 1.425 ha, trong đó có 1.000 ha đất quy hoạch dành cho khu công nghiệp và 425 ha đất dành để đầu tư xây dựng khu dân cư, thương mại dịch vụ và khu tái định cư. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 dự kiến gần 5.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 (khu B) dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định diện tích khoảng 883 ha, được quy hoạch xây dựng khu đô thị, dịch vụ và thương mại thuộc phân khu 8 khu kinh tế Nhơn Hội, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh. Tổng mức đầu tư dự kiến 4.000 tỷ đồng.

Với tổng vốn đầu tư hơn 1.782 tỷ đồng, nằm trong tổng thể dự án Becamex VSIP Bình Định giai đoạn 1 thuộc phân khu 7, khu kinh tế Nhơn Hội với 4 dự án khu tái định cư gồm:

Khu tái định cư – dân cư Hiệp Vinh 1A (thuộc thôn Hiệp Vinh 1 và An Long 2, xã Canh Vinh), có diện tích 90 ha, tổng mức đầu tư 545 tỷ đồng (chi phí thực hiện dự án là 369 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư 176 tỷ đồng).

Khu tái định cư – dân cư Hiệp Vinh 1B (thuộc thôn Hiệp Vinh 1, xã Canh Vinh), với diện tích là 90,4 ha, tổng mức đầu tư 325 tỷ đồng (chi phí thực hiện dự án 300 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư 25 tỷ đồng).

Khu tái định cư – dân cư Hiệp Vinh 2 (thuộc thôn Hiệp Vinh 2, xã Canh Vinh), với diện tích là 95 ha, tổng mức đầu tư 493 tỷ đồng (chi phí thực hiện dự án là 323 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư 170 tỷ đồng).

Khu tái định cư – dân cư Tân Vinh (thuộc thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh), có diện tích là 100 ha, tổng mức đầu tư 418 tỷ đồng (chi phí thực hiện dự án 363 tỷ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư là 55 tỷ đồng).

Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có giá từ 5,5 triệu đồng/m2. Ảnh minh họa
Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định có giá từ 5,5 triệu đồng/m2.

Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định là một Khu công nghiệp tổng hợp đa ngành gắn liền với các công trình dịch vụ đa dạng như y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm, vui chơi, giải trí, trung tâm văn hóa, thể thao cộng đồng, nhà ở xã hội...

Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định tập trung thu hút các ngành chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao. Ưu tiên các ngành nghề: Công nghiệp hỗ trợ, chế biến thực phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng, công nghiệp tiêu dùng, điện tử, nội thất, công nghiệp ô tô, dệt may…

Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn I công suất 4.000 m3/ngày đêm. Sau khi đi vào hoạt động tạo việc làm cho 120.000 - 150.000 lao động địa phương và khu vực lân cận.

Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định do Tổng Công ty Becamex IDC và VSIP Group (thương hiệu gắn liền với chuỗi các dự án khu công nghiệp và khu liên hợp công nghiệp, đô thị & dịch vụ) hợp tác và phát triển đầu tư.

Tổng Công ty Becamex IDC thành lập năm 1976 với tên gọi Công ty Thương nghiệp tổng hợp Bến Cát, năm 1992 lấy tên chính thức là Công ty Thương mại - Xuất nhập khẩu tỉnh Sông Bé (Becamex). Năm 1999 công ty đã chính thức đổi tên thành Công ty Thương mại - Đầu tư và Phát triển (BECAMEX Corp).

Ngày 28 tháng 04 năm 2006, theo quyết định số 106/2006/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC Corp) được thành lập trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của Công ty Thương mại - Đầu tư và Phát triển.

Hiện nay, Tổng Giám đốc Công ty Becamex IDC là ông Phạm Ngọc Thuận, trụ sở chính công ty nằm tại số 8, đường Hùng Vương, Phường Hoà Phú, Thành phố Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương.

Dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định được chính thức khởi công ngày 29/7/2020. Ngày 6/9/2021, 200 ha giai đoạn 1 dự án Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định được UBND tỉnh phê duyệt giá trị bồi thường diện tích hơn 165,45 ha, phần diện tích còn lại 30,55 ha.

Đối với 2 công trình phụ trợ, phần diện tích 1,3 ha xây dựng trạm điện 110 KV đã bàn giao cho chủ đầu tư thi công, khu nhà máy xử lý nước thải, diện tích 5,6 ha đã bàn giao nhà đầu tư 1 ha để xây dựng.

Khu tái định cư - dân cư Hiệp Vinh 1A, đã thực hiện xong công tác kiểm đếm 89,9 ha, đạt 100% khối lượng công việc, đã chi tiền bồi thường diện tích hơn 88 ha và bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án hơn 82 ha. Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định đạt gần 70% trên diện tích 200 ha giai đoạn 1.

Giá bán đất nền tại khu tái định cư Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định tham khảo trên thị trường dao động từ 5,5 triệu đồng/m2.