Hà Nội: Thay thế thủ tục hành chính trong kinh doanh bất động sản

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2602/QĐ-UBND, công bố danh mục thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh vực kinh doanh BĐS thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Xây dựng Hà Nội.

Cụ thể, UBND TP Hà Nội đã công bố danh mục các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở Xây dựng Hà Nội, với danh mục 48 thủ tục hành chính cấp TP, gồm: 22 thủ tục thuộc lĩnh vực hoạt động xây dựng; 4 thủ tục kinh doanh bất động sản; 14 thủ tục nhà ở và công sở; 1 thủ tục vật liệu xây dựng; 1 thủ tục hạ tầng kỹ thuật; 3 thủ tục giám định tư pháp; 3 thủ tục quản lý chất lượng công trình thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp TP và 8 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện trong lĩnh vực hoạt động xây dựng.

Căn cứ theo các quy định mới của Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh BĐS, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2602/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 4206/2021/QĐ-UBND. Quyết định mới có hiệu lực kể từ ngày 26/7/2022.

Nội dung chính được thay thế là quy định việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư (thời hạn giải quyết thủ tục 45 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ) và chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc đầu tư (thời hạn giải quyết thủ tục là 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ).

Hà Nội thay đổi cơ chế kinh doanh bất động sản. Ảnh minh họa
Hà Nội thay đổi thủ tục hành chính trong kinh doanh bất động sản. Ảnh minh họa

Trước đó, vào đầu tháng 3/2022, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 94/QĐ-BXD công bố thủ tục hành chính được thay thế trong lĩnh vực kinh doanh BĐS thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ, thay thế 2 thủ tục hành chính tại Quyết định số 705/2021/QĐ-BXD, gồm: Thủ tục Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư (theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014); Thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc đầu tư (theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS năm 2014)

Đồng thời thay thế 2 thủ tục tại Quyết định số 832/2016/QĐ-BXD, gồm: Thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư; Thủ tục Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS đối với dự án do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định việc đầu tư.

Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế để bổ sung, thay thế các quyết định cũ cho phù hợp với quy định mới tại Nghị định định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định về sử dụng đất ở huyện Đồng Phú và Chơn Thành, tỉnh Bình Phước

Thanh tra tỉnh Bình Phước vừa có thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong việc quản lý, sử dụng đất trên địa bàn huyện Đồng Phú và huyện Chơn Thành giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2020.

Theo kết luận thanh tra tại huyện Đồng Phú về việc lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: một số hạng mục công trình đã đăng ký kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng không thực hiện hoặc chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và chuyển mục đích theo quy định. Kết quả thực hiện cho thấy còn một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp và đạt tỷ lệ thấp so với chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, quá trình lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất ở một số hộ dân đã xảy ra sai sót như: trích lục bản đồ địa chính không ghi ngày tháng năm Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đồng Phú ký duyệt, biên bản xác minh thực địa xin chuyển mục đích sử dụng đất không ghi hiện trạng sử dụng đất, không có đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất, biên bản xác minh thực địa... Mặt khác, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể hiện diện tích hạn chế quyền sử dụng đất là không đúng quy định.

Qua kiểm tra, đoàn thanh tra thấy còn tình trạng thay đổi hiện trạng sử dụng đất diễn ra trên địa bàn các xã Đồng Tiến, Tân Lợi…

Việc thu tiền dịch vụ của người dân áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp tính thuế suất giá trị gia tăng 10% và hạch toán nộp thuế theo tỷ lệ 5% trên tổng doanh thu cũng chưa đúng với quy định tại Thông tư số 219 của Bộ Tài chính và Nghị định số 209 của Chính phủ, với tổng số tiền gần 1,2 tỷ đồng.

Tại huyện Chơn Thành, Thanh tra tỉnh Bình Phước cũng chỉ ra nhiều vi phạm của UBND huyện và Phòng Tài nguyên & Môi trường, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cùng các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan.

Cụ thể, qua thanh tra, kết luận thanh tra nêu đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở mà tại thời điểm xin chuyển mục đích đã có nhà trên đất nhưng không có tài liệu thể hiện việc xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.

Trong quá trình lập hồ sơ chuyển mục đích, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành đã để xảy ra thiếu sót như: tờ trích lục bản đồ địa chính không có chữ ký của Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, phiếu chuyển thông tin địa chính ghi sai diện tích đất chuyển nhượng. Việc giải quyết hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất cho người dân, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành và Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh có chậm trễ thời gian so với quy định.

Đáng chú ý Thanh tra chỉ ra, trên địa bàn huyện Chơn Thành có tình trạng các đơn vị kinh doanh bất động sản tự thiết kế, vẽ bản đồ quy hoạch, tự đặt tên các dự án khu dân cư (không được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện) để quảng cáo, chào bán đất đã tách thửa.

Kết luận yêu cầu UBND huyện Chơn Thành kiểm điểm đối với những sai sót mà đoàn thanh tra nêu; chủ trì, phối hợp phòng kinh tế và hạ tầng, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện và UBND xã, thị trấn tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng; đẩy mạnh thực hiện quyết liệt việc ngăn chặn tình trạng quảng cáo, mua bán bất động sản không đúng thực tế…

Sở Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu chỉ đạo chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Chơn Thành kiểm điểm các sai phạm, đồng thời nộp số tiền hơn 1,4 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của thanh tra tỉnh với lý do: thu tiền dịch vụ của người dân áp dụng tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp tính thuế suất giá trị gia tăng 10% và hạch toán nộp thuế theo tỷ lệ 5% trên tổng doanh thu là chưa đúng với quy định.

Thể chế hóa bỏ khung giá đất, điều tiết chênh lệch địa tô

Sáng 29/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi kiện toàn.

Theo Bộ TN&MT, cơ quan chủ trì xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ đã rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong Luật này hoặc đề xuất sửa đổi các luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Theo ông Lê Thanh Khuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đại diện cho tổ biên tập dự án Luật, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương: Bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô.

Dự thảo Luật bổ sung 1 chương về phát triển quỹ đất nhằm xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất; điều tiết giá trị tăng thêm từ đất đai do thực hiện quy hoạch, dự án các công trình hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất.

Tại Chương XIII về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã thể chế chủ trương "Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất" thông qua bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.

Dự thảo Luật đã thể chế hóa chủ trương mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; tạo điều kiện chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch; quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp…

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lao Động
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Lao Động

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho rằng, quan điểm xây dựng dự thảo Luật là thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 18, cũng như các nghị quyết khác của Đảng với 7 nhóm chính sách lớn. Luật phải quyết, tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn, "đưa thực tiễn đi vào luật".

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, Luật Đất đai đã nhiều lần được sửa đổi để phù hợp với thực tiễn phát triển. Kể từ năm 1987 tới nay, Luật Đất đai đã qua 7 lần điều chỉnh, sửa đổi. Mỗi lần sửa đổi, điều chỉnh thì các quy định của pháp luật ngày càng hoàn thiện, tạo tiền đề phát triển thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng. Cũng qua quá trình thực hiện Luật, thì lại xuất hiện tồn tại, hạn chế, thậm chí có quy định lạc hậu, cản trở sự phát triển, cần phải sửa đổi.

Phó Thủ tướng nêu một số yêu cầu trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật. Đó là phải bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Trong đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trong quản lý đất đai, bao gồm phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa nhưng phải đi đôi với kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; khơi thông nguồn lực gắn với chống tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực đất đai.

Phó Thủ tướng đề nghị giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, các bộ, ngành có liên quan sớm tổ chức thẩm định dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và tiến hành song song các thủ tục cần thiết để đảm bảo tiến độ trình dự thảo luật.

Khi tổng kết cần phân tích rõ các tồn tại hạn chế và tìm giải pháp khắc phục. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ TN&MT chủ động lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng tác động, huy động trí tuệ tập thể, kinh nghiệm chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý cần tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn để tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến rộng rãi đối với các nhóm chính sách đặc thù như thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển nhượng đất đai, lấn biển... Đối với những vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau, cần đưa ra các phương án kèm theo phân tích rõ điểm mạnh, điểm yếu để thảo luận.

Dự án khu đô thị Coco Aqua Riverside tại Quảng Nam có giá từ 14 triệu đồng/m2

Coco Aqua Riverside có vị trí nằm tại đường Lạc Long Quân, phường Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Từ dự án cách bãi biển Hà My 500 m, cách sân bay Đà Nẵng và trung tâm thành phố Đà nẵng khoảng 20 km.

Khu đô thị Coco Aqua Riverside có tổng diện tích 19,65 ha, mật độ xây dựng 47,16%. Trong đó, diện tích đất dành cho đất ở 92.678 m2, đất hạ tầng kỹ thuật 68,455 m2, đất thương mại dịch vụ 14.894 m2, phần còn lại dành cho đất cây xanh và các công trình công cộng.

Dự án Coco Aqua Riverside thiết kế xây dựng với loại hình đất nền với diện tích đa dạng từ 100 m2 – 120 m2 – 150 m2 – 350 m2. Đường nội khu được quy hoạch rộng từ 7,5 – 10,5 m.

Dự án khu đô thị Coco Aqua Riverside tại Quảng Nam có giá từ 14 triệu đồng/m2.
Dự án khu đô thị Coco Aqua Riverside tại Quảng Nam có giá từ 14 triệu đồng/m2.

Dự án Coco Aqua Riverside sử hữu những tiện ích nội khu như: công viên cây xanh lên đến 19.449 m2, công viên ven sông Cổ Cò, khu thương mại và dịch vụ, chủ đầu tư dành hơn 1.000 m2 để xây dựng khu tôn giáo tín ngưỡng. Từ dự án cách thành phố Đà Nẵng chỉ 8 km, cách phố cổ Hội An 6 km, kết nối thông suốt từ dự án ra bãi tắm Thống Nhất, sân golf Montgomerie chỉ với 3 km.

Chủ đầu tư dự án Coco Aqua Riverside Quảng Nam là Công ty Cổ phần Tập Đoàn VN Đà Thành, đơn vị phân phối dự án Công ty Cổ phần dịch vụ Bất động sản Kim Phong.

Công ty Cổ phần Tập Đoàn VN Đà Thành được thành lập ngày 14/08/2012, đặt trụ sở tại 105 Lê Lợi, Phường Thạch Thang, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Theo thông báo thay đổi ngày 19/09/2019, doanh nghiệp có tổng vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Dự án Coco Aqua Riverside Quảng Nam được khởi công xây dựng vào quý IV/2020, các sản phẩm tại dự án có mức giá bán từ 14 triệu đồng/m2.