Chính phủ tháo gỡ vướng mắc bàn giao đất quốc phòng thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3

Ngày 28/7, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao đất quốc phòng để thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3 và dự án đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị đồng ý chủ trương Bộ Quốc phòng bàn giao khoảng 27,85ha đất quốc phòng tại quận Tân Bình cho UBND TPHCM quản lý để thực hiện dự án Nhà ga hành khách T3 (khoảng 16,05ha) và dự án đường giao thông kết nối với Nhà ga hành khách T3 (đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM, khoảng 11,8ha); diện tích đất thu hồi theo số liệu đo đạc thực tế.

Chính phủ giao Bộ Quốc phòng cập nhật, đưa diện tích đất nêu trên vào danh mục đất quốc phòng chuyển mục đích sử dụng, bàn giao cho địa phương quản lý trong Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030; UBND TPHCM cập nhật đưa vào đất giao thông (khoảng 27,58ha) và đất ở tái định cư các hộ gia đình bị thu hồi đất cho dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (khoảng 0,27ha) trong Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) TPHCM. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thu hồi, việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích đất quốc phòng nêu trên, việc xử lý đất, tài sản trên đất sau thu hồi được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Nghị quyết nêu rõ, không thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP đối với diện tích đất nêu trên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, khảo sát dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 9-7-2022. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, khảo sát dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 9/7/2022. Ảnh: TTXVN

Về kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất; tháo dỡ 12 ụ bê tông xi măng cũ, Nghị quyết quy định: đối với dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, UBND TPHCM chịu trách nhiệm thực hiện. Đối với dự án Nhà ga hành khách T3, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện. Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào tổng mức đầu tư của dự án. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tháo dỡ 12 ụ bê tông xi măng và xây mới các ụ bê tông xi măng. Bộ Giao thông vận tải chuyển trả kinh phí phá dỡ 12 ụ bê tông xi măng đã được bố trí trong Dự án cải tạo nâng cấp đường lăn, đường cất hạ cánh - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngân sách quốc phòng theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu tổ chức bàn giao mặt bằng khu đất diện tích khoảng 16,05ha để xây dựng Nhà ga hành khách T3 làm 2 đợt (đợt 1 bàn giao khoảng 14,757ha ngay sau khi Nghị quyết được ban hành; đợt 2 bàn giao khoảng 1,293ha sau khi xử lý xong tài sản của Công ty Cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt). Đối với khu đất diện tích khoảng 11,80ha để xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, tổ chức bàn giao mặt bằng sau khi UBND TPHCM chuyển kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng cho các đơn vị quân đội để dồn dịch, sửa chữa, xây dựng doanh trại, công trình bị ảnh hưởng khi thu hồi đất.

Việc bàn giao đất quốc phòng bảo đảm không ảnh hưởng đến nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội.

Xử lý công trình chống sạt lở 37 tỷ đồng chưa bàn giao đã hư hỏng ở Thanh Hóa

Dự án đầu tư xử lý khẩn cấp sạt lở cụm công trình công sở xã Trung Thành và Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Trung Thành do tỉnh Thanh Hóa phê duyệt vào năm 2021 với tổng mức đầu tư gần 37 tỷ đồng.

Mục tiêu dự án là khắc phục tình trạng sạt lở. Công trình này do UBND huyện Quan Hóa làm chủ đầu tư. Dự án do Công ty cổ phần Sun Việt được chỉ định thầu thi công; việc tư vấn khảo sát, lập dự án đầu tư do liên danh Công ty cổ phần tư vấn giao thông và xây dựng công trình 8 và Công ty cổ phần VIFATEC quốc tế thực hiện.

Sau khi xây dựng đạt 90% khối lượng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục đã bị hư hỏng. Các khối bê tông bị nứt làm công sở xã Trung Thành và trường học đứng trước nguy cơ có thể bị vùi lấp, người dân sống quanh khu vực rất bất an khi mùa mưa bão đã đến gần.

Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, xử lý sự cố công trình. Ngày 18/7/2022, Sở Xây dựng phối hợp với các Sở Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quan Hóa cùng nhiều đơn vị liên quan kiểm tra, tổ chức hội nghị đánh giá chất lượng, an toàn, đề xuất phương án khắc phục, xử lý sạt lở tại công trình.

Theo báo cáo của đoàn kiểm tra, về nguyên nhân sạt lở, theo kết quả khảo sát bằng phương pháp địa vật lý, tại vị trí sạt lở nằm trong vùng phân bố chủ yếu là đá phiến sét, bột kết, có điều kiện địa chất không ổn định, đới phong hóa nứt nẻ mạnh đến rất mạnh khá dày, đập vỡ mạnh.

Vào mùa mưa nước ngấm vào các khe nứt nẻ, bão hòa tạo ra đới bùng nhùng, mất độ liên kết khối, bề mặt địa hình dốc và bị bóc mòn, xảy ra hiện tượng sạt lở... Đây được xác định là nguyên nhân chính xảy ra hiện tượng sạt lở và phá vỡ các cấu kiện bê tông đã thi công tại các vị trí sạt trượt trên.

Hiện Sở Xây dựng đã báo cáo và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Quan Hóa thực hiện sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí rào chắn bảo vệ công trường và khu vực lân cận khả năng bị ảnh hưởng; tổ chức bảo vệ và kiểm soát người ra vào khu vực, phối hợp với đơn vị thiết kế và các chuyên gia lựa chọn phương án xử lý phù hợp nhất, khả thi nhất xong trước ngày 30/7/2022 và triển khai thực hiện theo lệnh khẩn cấp.

Bên cạnh đó, huyện Quan Hóa cần rà soát, đánh giá chất lượng các hạng mục, công việc đã thi công và khắc phục tồn tại về chất lượng xây lắp nếu có và yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện giám sát tác giả tại hiện trường để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh.

Đồng thời, hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công và dự toán triển khai sau thiết kế cơ sở, thực hiện việc thẩm tra, thẩm định và phê duyệt theo quy định, tổ chức lập và thực hiện phương án quan trắc công trình; cử người theo dõi liên tục diễn biến quá trình sạt lở để kịp thời xử lý, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Bỏ khung giá đất, không lo giá nhà tăng

Luật Đất đai 2013 đã quy định giá đất trong khung phải ngang bằng với giá thị trường nhưng trên thực tế lại thấp hơn giá thị trường rất nhiều. Khi đã có khoảng cách về giá trong bối cảnh cơ chế thị trường sẽ gây ra nhiều hệ lụy, trong đó lớn nhất là vấn đề trục lợi, tham nhũng đất đai.

Do vậy việc đổi mới thể chế, bỏ khung giá đất được nhiều chuyên gia đánh giá đó là bước đột phá để đưa giá đất đai về giá trị thực, ngăn ngừa tham nhũng về đất.

Chia sẻ với PV Infonet, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt An Hòa cho hay: Bỏ khung giá đất, xây dựng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường là hoàn toàn hợp lý.

Theo ông Quang, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp là tiền sử dụng đất, mà tiền sử dụng đất hiện nay rất khó xác định theo khung giá đất cũ và phương pháp tính cũ. Vấn đề không phải giá đất cao hay thấp mà phải rõ ràng, minh bạch, chi tiết để doanh nghiệp có thể dự tính, đưa ra kế hoạch ban đầu về chi phí, giá thành thì giá bán nhà mới ổn định được.

Hầu hết hiện nay, các dự án bất động sản phải sau 2-3 năm xin giấy phép mới biết được sẽ phải nộp tiền sử dụng đất là bao nhiêu. Điều này khiến doanh nghiệp rất bị động, khó khăn; vô tình tạo ra giá đột biến trên thị trường.

“Việc xác định giá đất theo giá thị trường là việc làm đúng. Doanh nghiệp, người dân sẽ biết được tiền sử dụng đất, tiền đền bù là bao nhiêu. Bỏ khung giá đất không gây khó khăn nào cho doanh nghiệp, mà tạo được sự minh bạch, chủ động công việc”, ông Quang nói.

Có nhiều lo ngại khi bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường khiến chi phí đầu vào của dự án bất động sản tăng khiến giá bán nhà sẽ tăng cao?

Ông Quang cho rằng, không lo giá nhà tăng cao khi bỏ khung giá đất. Bởi hiện nay dù có khung giá đất nhưng doanh nghiệp không tham khảo dùng được, khi tiến hành đền bù cũng đền bù theo giá thị trường chứ không theo khung giá đất. Khung giá đất chỉ dùng làm căn cứ đền bù ở những dự án, công trình mang tính quốc gia, phục vụ công cộng.

“Bỏ khung giá đất chỉ có lợi. Nhiều người cứ nghĩ bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường thì giá nhà tăng cao nhưng không phải, không đáng lo ngại”, ông Quang nói.

Sẽ bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Ảnh minh họa
Sẽ bỏ khung giá đất và xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Ảnh minh họa

Cũng chia sẻ với PV Infonet, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB bất động sản Hà Nội cho rằng, bỏ khung giá đất là bước đột phá trong Luật Đất đai, tránh được tình trạng kiện cáo kéo dài giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương và người dân.

Theo ông Điệp, bỏ khung giá đất sẽ tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc triển khai các dự án phải thu hồi đất. Việc quản lý bằng khung giá đất không phù hợp với điều kiện thực tế. Bỏ khung giá đất tạo điều kiện đền bù thỏa đáng cho người dân theo giá thị trường.

“Khi mức giá đền bù theo thị trường, công khai, minh bạch và thỏa thuận sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai, giúp thị trường minh bạch, lành mạnh, không còn hiện tượng trục lợi trên đất đai. Bỏ khung giá đất cũng sẽ mở ra cơ hội phát triển mới cho thị trường bất động sản”, ông Điệp nói.

Cũng theo ông Điệp, chính cơ chế thị trường sẽ điều chỉnh giá nhà, chưa chắc giá nhà đã tăng khi bỏ khung giá đất.

“Các địa phương sẽ định giá như thế nào bởi mỗi khu vực có giá đất khác nhau, đây cũng là khâu có nhiều tiêu cực nên cần có quy định cụ thể về phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”, ông Điệp cho biết thêm.

Dự án khu dân cư Nguyễn Tri Phương tại Quảng Ngãi có giá từ 17,2 - 18,6 triệu đồng/m2

Dự án Khu dân cư Nguyễn Tri Phương có vị trí tọa lạc tại mặt đường Nguyễn Tri Phương, phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Dự án nằm cạnh các tuyến đường lớn như Trường Chinh, Quang Trung kết nối đến bùng binh cầu Bàu Giang và Quốc lộ 1A.

Khu dân cư Nguyễn Tri Phương có tổng diện tích quy hoạch 9,9 ha, trong đó, đất ở (đất ở liền kề, đất ở biệt thự) lên đến hơn 42.000 m2 (chiếm 42,32%). Cung cấp ra thị trường 423 lô đất nền với diện tích đa dạng từ 75 – 200 m2.

Tiện ích nội khu tại Khu dân cư Nguyễn Tri Phương bao gồm: công viên cây xanh, các tiện ích công cộng, khu thương mại, trường trung cấp nghề Kinh tế – Công nghệ Dung Quất. Cùng với các tiện ích ngoại khu: chợ Gò Quan, Big C, khu công viên, sân bóng đá, trường đại học Phạm Văn Đồng, thành phố giáo dục quốc tế IEC, bến xe.

Tiến độ dự án Khu dân cư Nguyễn Tri Phương tháng 04/2022
Tiến độ dự án Khu dân cư Nguyễn Tri Phương tháng 04/2022.

Chủ đầu tư dự án Khu dân cư Nguyễn Tri Phương là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Dịch vụ Đông Phương, đơn vị phát triển dự án là Công ty Cổ phần Bất động sản Eco Real. Cùng các đơn vị phân phối của dự án như Funi Bamboo, Babylon, Ruby Land, Minh Ngọc Land.

Theo công bố thay đổi ngày 28/01/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Dịch vụ Đông Phương có tổng vốn điều lệ 150 tỷ đồng. Hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng nhà để ở, xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng, kinh doanh bất động sản.

Ngày 24/04/2022, đơn vị phát triển dự án Công ty Cổ phần Bất động sản Eco Real tổ chức lễ mở bán dự án Khu dân cư Nguyễn Tri Phương. Các sản phẩm với mức giá giao động từ 17,2 triệu đồng/m2 đến 18,6 triệu đồng/m2.

Ngày 26/6/2022, mở bán sản phẩm tại dự án Khu dân cư Nguyễn Tri Phương giai đoạn 2.