Đường trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long "ngàn tỉ" lộ nhiều sai phạm

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có kết luận thanh tra chỉ rõ sai phạm tại dự án xây dựng đường trên cao (cầu cạn) đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long do Ban quản lý (BQL) dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng chiều dài 5,36 km (riêng cầu cạn là 4,831 km), quy mô bốn làn xe, trên địa bàn hai quận Cầu Giấy và Bắc Từ Liêm với tổng mức đầu tư hơn 5.343 tỉ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm, sai sót từ hồ sơ pháp lý bước lập dự án đầu tư; công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán gói thầu xây dựng; công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng đến việc tuân thủ các quy định khi sử dụng nhà thầu nước ngoài.

Cụ thể, công tác lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu xây dựng còn một số sai sót làm tăng giá trị dự toán các gói thầu hơn 27 tỉ đồng. Trong đó, tính trùng hai lần cát đắp hố móng làm tăng hơn 1,4 tỉ đồng; áp sai giá nhân công làm tăng hơn 2,6 tỉ đồng; tính sai khối lượng phụ gia làm tăng hơn 2,4 tỉ đồng, tính thừa chi phí bulông thép D36 làm tăng hơn 1 tỉ đồng, áp định mức ván khuôn thép sai làm tăng hơn 3,8 tỉ đồng, áp giá nhựa đường cao hơn quy định làm tăng hơn 2,1 tỉ đồng… Dự án được phê duyệt vào đầu tháng 9-2013, thời gian thực hiện 56 tháng nhưng tại thời điểm thanh tra (tháng 3-2022), dự án đã bị chậm tiến độ gần ba tháng dù dự án được gia hạn tiến độ một lần.

Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long trước ngày thông xe. Ảnh Tuổi trẻ
Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long trước ngày thông xe. Ảnh Tuổi trẻ

Dự án có sử dụng các chuyên gia nước ngoài nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, BQL dự án Thăng Long không thực hiện báo cáo cơ quan chủ quản theo quy định. Không có văn bản xác nhận chuyên gia nước ngoài và gửi văn bản xác nhận cho các cơ quan liên quan để thực hiện quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành và chịu trách nhiệm về sự xác nhận này.

Bên cạnh đó, nhiều nhà thầu nước ngoài không báo cáo định kỳ và khi hoàn thành hợp đồng gửi về Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện hợp đồng đã ký kết. Các nhà thầu thi công (Công ty CP 412, Công ty CP 423, Công ty CP Licogi 12, Công ty TNHH Hải Ánh) chỉ mua bảo hiểm cho người lao động trên công trường với số tiền bảo hiểm 10-20 triệu đồng/người/vụ. Mức này thấp hơn so với mức tối thiểu 100 triệu đồng/người được quy định tại Nghị định 119/2015...

Với những sai phạm trên, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị BQL dự án Thăng Long và các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh giảm dự toán xây dựng công trình hơn 27 tỉ đồng. Đề nghị Bộ GTVT kiểm điểm trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vi phạm.

Riêng với BQL dự án Thăng Long, Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị kiểm điểm trách nhiệm theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời chỉ đạo kiểm tra, rà soát để xử lý, khắc phục những vi phạm.

Bình Dương "đua" tốc độ với Vành đai 3, 4

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, địa phương này đang tích cực phối hợp với TP HCM triển khai dự án đường cao tốc Vành đai 3, Vành đai 4 TP HCM. "Chiều 25-4, HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua Nghị quyết bố trí vốn cho tuyến đường Vành đai 3" - ông Võ Văn Minh thông tin.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết tỉnh này đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho Bình Dương được chủ động đầu tư các đoạn còn lại của dự án đường cao tốc Vành đai 3, 4 TP HCM từ nguồn vốn hỗn hợp để tỉnh tập trung đầu tư hoàn thành toàn bộ đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh trong năm 2024 thay vì phải kéo dài thêm vài năm theo kế hoạch chung.

Cụ thể, ở dự án đường vành đai 3, đoạn qua Bình Dương dài hơn 26 km (trong đó tỉnh đã chủ động đầu tư và đưa vào sử dụng 15,3 km, đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn), hiện còn 10,7 km chưa đầu tư với nhu cầu vốn khoảng 19.300 tỉ đồng, đã được Thủ tướng đồng ý phân bổ ngân sách trung ương và tỉnh theo tỉ lệ mỗi bên 50%. "Theo kế hoạch thì việc phân bổ vốn nói trên trong giai đoạn 2022 - 2027 nhưng để đẩy nhanh dự án, tỉnh Bình Dương kiến nghị trung ương bố trí vốn trong 2 năm 2023 - 2024, phần vốn còn lại tỉnh sẽ quyết tâm bố trí để hoàn thành trong năm 2024 (sớm hơn 3 năm). Dự kiến, công tác đền bù giải tỏa trong tháng 6-2022 ngay khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và các cơ chế đặc thù" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Đối với dự án đường vành đai 4 TP HCM, Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Dương triển khai thực hiện đoạn từ cầu Thủ Biên (bắc ngang sông Đồng Nai, nối 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai) đến sông Sài Gòn dài khoảng 48,3 km. Theo ông Võ Văn Minh, hiện nay Bình Dương đã chủ động hoàn thành nhiều đoạn của tuyến đường này với chiều dài 26,6 km, còn lại 21,7 km chưa đầu tư. Theo kế hoạch, tới năm 2030 đường vành đai 4 TP HCM mới hoàn thành nhưng UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị cho tỉnh được đầu tư các đoạn còn lại từ nguồn vốn hỗn hợp để có thể hoàn thành dự án trong năm 2024 (sớm hơn 6 năm). "Trong đó, tỉnh Bình Dương sẽ giải phóng mặt bằng từ ngân sách tỉnh, còn chi phí xây lắp từ vốn của các chủ đầu tư khu công nghiệp, khu đô thị, cảng sông có tuyến đường đi qua. Phấn đấu đến ngày 2-9-2022 khởi công" - ông Võ Văn Minh nêu kế hoạch để đẩy nhanh tối đa để 2 tuyến cao tốc Vành đai 3 và 4 đi qua Bình Dương cùng đưa vào khai thác trong năm 2024.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (bìa phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) nghe báo cáo về dự án đường Vành đai 4 TP HCM. Ảnh: Người Lao động
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (bìa phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang) nghe báo cáo về dự án đường Vành đai 4 TP HCM. Ảnh: Người Lao động

Nói về kế hoạch vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng để triển khai các dự án giao thông đòi hỏi có nguồn vốn lớn, chính vì thế bên cạnh ngân sách được trung ương hỗ trợ để tỉnh giữ lại cân đối ngân sách địa phương, tỉnh sẽ tập trung nguồn thu từ quỹ đất thông qua việc thực hiện rà soát, đấu giá một số quỹ đất công của tỉnh và thực hiện việc phát triển các khu đô thị, khu dân cư… "Một mặt thu hút đầu tư đô thị, công nghiệp, mặt khác có khoản rất lớn từ tiền sử dụng đất để đầu tư ngược lại cho công tác xây dựng hạ tầng, đây chính là đòn bẩy để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội" - ông Võ Văn Minh khẳng định.

Hiện tại, tỉnh Bình Dương đang thực hiện nhiều biện pháp để giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn, bên cạnh đó thành lập các tổ chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. "Với quyết tâm trong nhiệm kỳ này phải hoàn thành các dự án mang lại lợi ích chung, Bình Dương lập 6 tổ, phân công từng lãnh đạo chủ chốt của tỉnh phụ trách, giám sát quá trình thực hiện. Các tổ thực hiện đôn đốc ban quản lý dự án, chủ đầu tư, bên có liên quan thực thi tất cả hồ sơ theo quy định của pháp luật, kiểm tra nhắc nhở" - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho hay.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nhấn mạnh hạ tầng giao thông là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của địa phương trong thời gian qua. "Nếu không tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thì Bình Dương sẽ mất đi lợi thế so sánh với các địa phương khác trong thu hút đầu tư" - ông Lợi nhấn mạnh lần nữa. Do đó, ông đề nghị các ngành, các cấp ở Bình Dương phải tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ để nhanh chóng hình thành các trục đường quan trọng, tạo bứt phá vì sự phát triển chung của Bình Dương.

Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các tổ chỉ đạo phải sâu sát, kiểm tra, đôn đốc toàn diện việc triển khai dự án bảo đảm đúng quy định pháp luật. Nhất là tập trung chỉ đạo công tác mặt bằng bảo đảm đúng tiến độ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp; phải chia sẻ, vận động thuyết phục để nhân dân đồng tình, đồng thuận, tất cả vì mục tiêu phát triển, chăm lo đời sống nhân dân. "Mỗi một dự án phải có một tổ nhận đơn và giải quyết khiếu nại của người dân ngay tại hiện trường dự án đó. Khi có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo, tham mưu đề xuất tỉnh đề ra các chủ trương, chính sách mới để tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ dự án" - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi yêu cầu.

Lâm Đồng: Chưa đủ cơ sở thẩm định Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch núi Sapung

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh về việc đề nghị thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, dự toán lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch núi Sapung, TP. Bảo Lộc.

Căn cứ khoản 4 Điều 28 của Luật Quy hoạch đô thị 2009, Sở Xây dựng của tỉnh này cho rằng đồ án quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã đã được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu vực và lập dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung trong đô thị mới.

Chính vì vậy, đồ án Quy hoạch chung TP. Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 được phê duyệt là cơ sở để lập, trình thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ, đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu du lịch núi Sapung.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, đồ án Quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 hiện nay đã được Sở này thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Qua đó, dự án chưa đủ cơ sở để tổ chức thẩm định và trình phê duyệt nhiệm vụ, dự toán lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu du lịch núi Sapung theo quy định.

Để tháo gỡ khó khăn, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình Dân dụng và Công nghiệp tỉnh liên hệ Trung tâm phục vụ hành chính công để nhận hồ sơ và trình thẩm định, phê duyệt sau khi đồ án Quy hoạch chung thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040 được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định.

Theo VietnamFinance tìm hiểu, dự án có diện tích hơn 432,3ha đất, với vị trí nằm tại xã Lộc Châu, Đại Lào, thành phố Bảo Lộc và một phần ở xã Lộc Thành huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Để thực hiện dự án, vào hồi tháng 1, dự án được Tập đoàn Hưng Thịnh gửi văn bản cho các cơ quan chức năng, đề xuất thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, golf và cáp treo núi Sapung.

Khu nhà ở thương mại Richland Residence Bình Dương giá từ 900 triệu đồng

Richland Residence tọa lạc tại vị trí phường Hòa Lợi, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. vị trí đắc địa khi nằm giữa trục giao thông liên vùng lớn như: đường ĐT 741, Vành đai 4, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn, cùng các tuyến dẫn vào trung tâm thành phố mới Bình Dương.

Richland Residence có tổng diện tích khu đất là 15,46 ha, mật dộ xây dựng khoảng 40%.

Sản phẩm của dự án Richland Residence là đất nền dự án, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Với số lượng 999 lô đất nền và nhà phố, diện tích mỗi lô từ 70 – 80 – 90 – 100 m2.

Phối cảnh
Phối cảnh Khu nhà ở thương mại Richland Residence Bình Dương.

Tiện ích nội khu dự án Richland Residence bao gồm đường nội khu trải thảm nhựa, hệ thống điện - nước, chiếu sáng, trường học, công viên. Cùng với tiện ích ngoại khu của dự án Richland Residence như: nằm gần thành phố mới Bình Dương, khu đô thị Tokyu rộng hơn 110 ha, khu đô thị công nghiệp sạch VSIP 2 quy mô 2.045 ha và VSIP 2 mở rộng, khu công nghiệp Phú Gia, khu công nghiệp Đồng An 1 và 2, khu đô thị đại học Cổng Xanh quy mô 620 ha.

Chủ đầu tư dự án Richland Residence là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Thuận Lợi (thành viên của Kim Oanh Group), đơn vị phát triển của dự án là Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh.

Các sản phẩm thuộc dự án Richland Residence có mức giá bán từ 900 triệu – 1,2 tỷ đồng/sản phẩm.